Thanh tra toàn tỉnh về công tác an toàn ở các mỏ khai thác khoáng sản

12/04/2011 17:51

(Baonghean) - Sau vụ sập ở mỏ đá Lèn Cờ và những tách trắc của chủ doanh nghiệp khai thác mỏ bị phanh phui, dư luận đặt câu hỏi: trên địa bàn Nghệ An còn có bao nhiêu điểm khai thác khoáng sản vi phạm trái phép đang hoạt động ?

Nghệ An được coi là tỉnh có nguồn tài nguyên khoáng sản khá phong phú, trong đó một số loại có trữ lượng lớn như đá trắng, quặng thiếc, quặng đồng, quặng sắt, kẽm, chì, mangan, vàng, đá quý... Những năm qua, nhờ vào nguồn tài nguyên này, ngành khai thác khoáng sản, nhất là khai thác chế biến vật liệu xây dựng khá phát triển.

Toàn tỉnh hiện có 320 doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản. Trong đó, có 226 doanh nghiệp khai thác, chế biến đá trắng, đá xây dựng; 61 doanh nghiệp khai thác, chế biến các loại quặng, thiếc, sắt, kẽm, chì, mangan; 12 doanh nghiệp khai thác vàng, đá quý; 18 doanh nghiệp khai thác cát, sỏi, than, nước khoáng. Tuy nhiên, do nhu cầu sử dụng trước đây chưa lớn, một số doanh nghiệp thường xin giấy phép khai thác với công suất thấp, diện tích nhỏ nên nhiều năm qua việc thăm dò khoáng sản chưa được đầu tư nhiều do pháp luật về khoáng sản không quy định.


Bên cạnh đó công tác kiểm tra hoạt động khoáng sản chưa thường xuyên, lực lượng kiểm tra mỏng, việc phối kết hợp giữa các sở, ngành với UBND cấp huyện, cấp xã chưa tốt nên tình trạng khai thác khoáng sản tràn lan, không có quy hoạch, gây lãng phí còn khá phố biến.

Đó là nạn khai thác cát, sỏi lòng sông và bãi bồi dọc sông Lam, sông Hiếu thuộc các huyện Nam Đàn, Thanh Chương, Đô Lương, Anh Sơn, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn; khai thác quặng vàng (trong lòng đất và sa khoáng) ở các huyện Tương Dương, Con Cuông, Kỳ Sơn, Quỳ Châu, Quế Phong và Nghĩa Đàn; khai thác đá hoa cương, quặng thiếc trên địa bàn các huyện Quỳ Hợp, Quế Phong, Tân Kỳ...

Việc khai thác khoáng sản trái phép đã gây tác động xấu tới môi sinh, môi trường, gây ô nhiễm không khí, nguồn nước, tàn phá rừng, phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, cảnh quan du lịch, và làm biến đổi dòng chảy, gây sạt lở bờ sông ảnh hưởng đến đất sản xuất nông nghiệp.



Để lập lại kỷ cương trong khai thác, chế biến khoáng sản, thời gian qua UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo Sở Tài nguyên - Môi trường và lực lượng Cảnh sát Môi trường phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về khoáng sản và bảo vệ tài nguyên, môi trường.

Qua kiểm tra cho thấy về vi phạm quy định của pháp luật về đất đai môi trường, trong tổng số 265 điểm mỏ được cấp giấy phép có 127 điểm mỏ chưa ký hợp đồng thuê đất, 114 điểm mỏ chưa ký quỹ phục hồi môi trường. Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho UBND tỉnh đình chỉ 66 giấy phép khai thác khoáng sản của 64 doanh nghiệp và yêu cầu các doanh nghiệp khắc phục các nội dung tồn tại và hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ để các doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ thuê đất, ký quỹ phục hồi môi trường theo quy định.

Trước đó, Phòng cảnh sát Môi trường cùng Công an tỉnh và các ngành liên quan tổ chức kiểm tra, xử lý gần 30 trường hợp khai thác khoáng sản trái phép, xử phạt hơn 1,46 tỷ đồng, thu hồi 160 gam vàng, 2,6 tấn quặng thiếc, đồng, sắt; tổ chức đẩy đuổi 16 tổ hợp với trên 200 người tham gia khai thác, vô hiệu hoá 25 máy móc phương tiện vi phạm...

Mặc dù vậy, những hoạt động khai thác khoáng sản trái phép vẫn tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức và quy mô khác nhau. Một trong những nguyên nhân khiến các chủ khai thác mỏ cố tình lơ là quy định của pháp luật đó là do nhiều năm qua việc xử lý đối với các hành vi vi phạm chủ yếu là xử phạt hành chính nên chưa đủ mức răn đe.

Đến thời điểm này, sau vụ sập mỏ đá ở Lèn Cờ, ông Phan Công Chín – Giám đốc Công ty TNHH Chín Mến là trường hợp đầu tiên trên địa bàn Nghệ An bị khởi tố hình sự… Cũng qua sự việc nghiêm trọng ở mỏ đá Lèn Cờ, mới đây UBND tỉnh đã quyết định thành lập Đoàn Thanh tra liên ngành, bao gồm Sở Công Thương, Sở Xây dựng và Sở Tài nguyên Môi trường để tiến hành kiểm tra công tác an toàn đối với các mỏ khai thác vật liệu xây dựng trên phạm vi toàn tỉnh.

Cùng với hoạt động này, thời gian tới UBND tỉnh Nghệ An sẽ xiết chặt việc cấp giấy phép hoạt động khoáng sản, chỉ cấp cho những doanh nghiệp thực sự có năng lực, kinh nghiệm khai khoáng. Không cấp mới hoặc gia hạn giấy phép đối với những doanh nghiệp không đủ năng lực, kinh nghiệm hoạt động khoáng sản, diện tích khu vực mỏ nhỏ, trữ lượng khoáng sản ít, không đáp ứng yêu cầu khai thác, chế biến theo quy mô công nghiệp.


Mỹ Hà