Ngày Hội cồng chiêng dân tộc Thái ở Mường Choọng

05/04/2011 11:32

(Baonghean) – Vừa qua, tại xã Châu Lý (huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) đã diễn ra ngày Hội cồng chiêng dân tộc Thái ở Mường Choọng. Đây là hội thi văn hoá cồng chiêng lần đầu được đảng uỷ, UBND xã Châu Lý chỉ đạo Đoàn thanh niên và Ban văn hoá xã phối hợp tổ chức.

Hội thi gồm 7 đội với hơn 50 người tham gia hoà tấu. Mỗi đội tham gia gồm 4 người, trong đó có 2 nam, 2 nữ, một người đánh trống, một người thổi kèn, 2 người đánh chiêng. Các đội phải trải qua các làn điệu thi bắt buộc đó là: Làn điệu Tí coong bổ, tức là đánh chiêng số 1, số 3, số 2 đến số 4; đánh chiêng số 4, số 2, số 3 đến số1 và đánh 2 lần ngược lại; Làn điệu thứ hai là Tí coong hà, tức là đánh chiêng số 4, số 3 rồi số 4 và đến số 2, làn diệu này có người đánh trống và người thổi kèn phải theo nhịp điệu của người đánh chiêng.


Biểu diễn các làn điệu cồng chiêng trong hội thi.

Ngoài ra các đội có thể biểu diễn thêm các làn điệu tự biên. Với thời gian cho mỗi đội thể hiện là 7 - 10 phút. Các đội cồng chiêng đã trình diễn nhuần nhuyễn, đảm bảo đúng tiết tấu của các làn điệu, phối hợp nhịp nhàng uyển chuyển giữa người đánh trống, thổi kèn và nhịp điệu của người đánh chiêng. Đặc biệt đội Bản Cồn, Bản Choọng đã có những làn điệu tự biên với nội dung phong phú như: “Mừng thu hoạch lúa rẫy”, “Mừng cây nêu”, “Mừng năm mới” và có múa phụ họa kèm theo... Thông qua tiếng cồng chiêng thể hiện tâm tư, tình cảm của đồng bào các dân tộc Thái nơi đây.

Cụ ông Lang Văn Khuyết, 72 tuổi, ở bản Thắm, xã Châu Lý phấn khởi nói với chúng tôi: Thấy xã tổ chức hội thi, ông vui lắm, mừng lắm, vì hội thi có các điệu cồng chiêng được khôi phục, đặc biệt nhất là cho con cháu, lớp trẻ, văn hoá cồng chiêng của dân tộc Thái mình không bị quên đi mà ngày càng được lưu truyền cho con cháu.


Trao giải thưởng.

Trong các phong tục tập quán, cồng chiêng giữ một vai trò cực kì quan trọng trong các nghi lễ, có ý nghĩa trong đời sống tâm linh về các vị thần linh, trong việc cưới hỏi, ma chay, lễ bỏ mả, phạt vạ, ma lai đến các lễ sấm ran đầu năm, lễ ăn cơm mới, lễ thần đất, thần núi, thần sông, thần trời, lễ chúc sức khỏe... Hội thi đã mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực nhằm phát huy văn hoá cồng chiêng nói riêng và truyền thống bản sắc văn hoá dân tộc Thái nói chung.

Kết thúc hội thi, ban tổ chức đã trao giải nhất cho đội Bản Xiết, giải nhì cho Bản Cồn, giải ba cho Bản Choọng.


Huy Nhâm