Để di tích Tràng Kè xứng tầm giá trị lịch sử

22/04/2011 11:07

Địa danh Tràng Kè (Mỹ Thành, Yên Thành), nơi thực dân Pháp xử bắn 72 chiến sỹ cộng sản trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930-1931) đã trở thành "địa chỉ đỏ", là niềm tự hào của người dân địa phương.


Mỹ Thành là miền quê nghèo, nhưng giàu truyền thống yêu nước căm thù giặc sâu sắc. Trong cuộc biểu tình kỷ niệm lần thứ 13 Cách mạng tháng Mười Nga (7-11-1930), tại cầu Dinh -Yên Thành và Cầu Bùng ở Diễn Châu, nhân dân Mỹ Thành tham gia đấu tranh rất sôi nổi.

Sau cuộc biểu tình này, thực dân và phong kiến ra sức đàn áp. Chúng lập ở đây một đồn binh mạnh nhất huyện, xây dựng hệ thống bang tá huyện và bang tá tổng để chống phá cách mạng tại chỗ của nhân dân. Bọn chúng còn sử dụng Thung Cổ Hùng (một gò đất cao gần chợ Tràng Kè) làm nơi xử bắn các chiến sỹ cách mạng để uy hiếp tinh thần đấu tranh của nhân dân. Từ ngày 7-11-1930 đến tháng 9-1931, bọn chúng đã xử bắn 72 chiến sỹ Xô Viết. Trong đó có 20 người con quê hương Mỹ Thành.


Bia tưởng niệm các liệt sỹ Tràng Kè


Để tri ân những anh hùng liệt sỹ ngã xuống vì quê hương đất nước, năm 1991, tại gò đất Tràng Kè (làng Trụ Pháp, xã Mỹ Thành), chính quyền địa phương đã xây dựng Bia tưởng niệm cùng với 3 ngôi mộ còn lại trên gò.

Di tích nằm trên gò đất cao, diện tích gần 800m2, là chứng tích lịch sử hào hùng của mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, niềm tự hào của người dân Mỹ Thành, là "địa chỉ đỏ" để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Thanh niên địa phương trước khi lên đường nhập ngũ đều đến đây dâng hương, dâng hoa, làm lễ tuyên thệ; người dân địa phương vào ngày Rằm, mồng Một thường đến đây thắp nén tâm nhang tỏ lòng thành kính; học sinh trường THCS Mỹ Thành nhận chăm sóc Khu tưởng niệm...


Năm 2008, được sự hỗ trợ của UBND tỉnh, chính quyền và nhân dân địa phương đã đầu tư gần 4,5 tỷ đồng tôn tạo, nâng cấp di tích. Giai đoạn 1, đã xây dựng được khuôn viên khu vực tượng đài, bia dẫn tích và bia ghi danh các liệt sỹ và hệ thống sân vườn.

Tuy vậy, ông Nguyễn Văn Năm, Bí thư Đảng uỷ xã Mỹ Thành cho biết: "Khu di tích hiện nay vẫn còn thiếu những hạng mục công trình xứng tầm để tôn vinh sự hy sinh to lớn của các thế hệ đi trước...".


Với ý nghĩa và giá trị lịch sử đó, thể theo yêu cầu và nguyện vọng của chính quyền nhân dân địa phương, tháng 11-2010, UBND tỉnh đã có QĐ5398/QĐ-UBND "về việc cho phép lập Dự án đầu tư xây dựng công trình đền thờ các liệt sỹ tại khu di tích Đài tưởng niệm 72 chiến sỹ cộng sản 30-31" do UBND huyện làm chủ đầu tư. Nguồn vốn thực hiện từ ngân sách TƯ, tỉnh, địa phương và kêu gọi xã hội hoá.

Đến thời điểm hiện tại, huyện đã lập xong qui hoạch chi tiết, dự toán kinh phí. Theo qui hoạch, chi tiết, công trình bao gồm 12 hạng mục chính: Đền thờ, nhà tả vu, hữu vu, nhà bảo vệ, cây xanh, cổng, hàng rào, đường nội bộ... Bản qui hoạch đã nêu bật lên được giá trị, ý nghĩa của khu di tích, thể hiện sự tôn vinh của thế hệ hiện nay đối với các bậc tiền nhân, và cũng là nơi tuyên truyền, giáo dục về lịch sử, văn hóa, cách mạng cho các thế hệ trẻ...


Ông Phan Văn Tuyên, Phó chủ tịch UBND huyện Yên Thành bày tỏ: "Việc tôn tạo, nâng cấp Khu di tích đài tưởng niệm 72 chiến sỹ cộng sản ở Mỹ Thành là nguyện vọng chính đáng của Đảng bộ, nhân dân địa phương.

Theo dự trù kinh phí để xây dựng công trình này lên tới 30 tỷ đồng. Với một địa phương điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, ngân sách huyện eo hẹp nên việc đầu tư xây dựng công trình còn nhiều trở ngại. Do đó, rất cần sự hỗ trợ của TƯ, của tỉnh và đầu tư, giúp đỡ của các doanh nghiệp, các Mạnh Thường Quân... để Khu di tích Tràng Kè khẳng định được tầm vóc và những giá trị lịch sử to lớn của nó".


Thanh Phúc