Lễ hội Làng Sen - từ ký ức tới hiện tại

12/05/2011 18:03

(Baonghean) - Vào dịp sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1981, tỉnh Nghệ - Tĩnh long trọng tổ chức Liên hoan ca khúc chính trị hát về Bác Hồ. Thấy đây là một sinh hoạt văn hoá chính trị giàu ý nghĩa và có triển vọng, được nhiều tầng lớp nhân dân và cán bộ hưởng ứng, sang năm sau, Liên hoan ca khúc chính trị hát về Bác Hồ được nâng cấp thành Liên hoan Tiếng hát Làng Sen, tổ chức hàng năm trong tỉnh và 5 năm một lần toàn quốc.

Dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Bác (2001), Bộ Văn hoá - Thông tin phối hợp với tỉnh Nghệ An chủ trương tổng kết 20 năm Tiếng hát Làng Sen và quyết định chuyển đổi Liên hoan Tiếng hát Làng Sen thành Lễ hội Làng Sen. Đó là những cột mốc đáng nhớ trên tiến trình hình thành, phát triển của một lễ hội. Như vậy, trong số những nội dung quan trọng tạo nên bản sắc, dấu ấn, linh hồn của Lễ hội Làng Sen mỗi năm, không thể thiếu vắng Liên hoan Tiếng hát Làng Sen.



Tính đến 19/5/2011 này, kỷ niệm 121 năm ngày sinh của Bác, Lễ hội Làng Sen đã ở tuổi 30 (1981-2011). Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch sẽ phối hợp với UBND tỉnh và ngành Văn hoá -Thể thao - Du lịch tỉnh Nghệ An tổ chức tổng kết 30 năm Lễ hội Làng Sen và Hội thảo khoa học "30 năm Lễ hội Làng Sen với việc bảo tồn, phát huy các giá trị Văn hoá Hồ Chí Minh". Trải qua 30 năm hình thành, phát triển để Lễ hội Làng Sen có được diện mạo như hôm nay, chắc có nhiều nhân vật, nhiều hồi ức kỷ niệm, nhiều thành công và cả những bài học cần được đúc kết cho những lễ hội tiếp theo nhiều ý nghĩa giáo dục và tiết kiệm hơn; đồng thời có sự kết hợp tốt hơn nữa giữa 2 yếu tố văn hoá lễ hội và tài nguyên du lịch… Đây sẽ là những vấn đề đặt ra trong nhiều báo cáo đọc tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia về 30 năm Lễ hội Làng Sen.



Có dịp nhìn lại Lễ hội Làng Sen và Liên hoan Tiếng hát Làng Sen những thập kỷ vừa qua, dù là với cái nhìn sơ lược, mỗi người dân trên quê hương Bác Hồ đều có quyền tự hào, từ đó mà có thêm những ý nghĩ mới mẻ, tốt lành. Đúng như ông Nguyễn Hữu Thuông, (nguyên Giám đốc Nhà văn hoá Trung tâm Nghệ -Tĩnh, một trong số những người có công khởi xướng Liên hoan Tiếng hát Làng Sen), phát biểu cách đây đúng 6 năm: "Liên hoan Tiếng hát Làng Sen để kỷ niệm ngày sinh Bác Hồ là một ý tưởng nhân văn, vừa bao hàm tình cảm vừa có tính chất trí tuệ. Liên hoan đã trở thành cuộc gặp gỡ, giao lưu truyền thống của phong trào nghệ thuật quần chúng trong tỉnh và cả nước".(*)

Ông Phùng Xuân Bính (nguyên Giám đốc Nhà văn hoá Trung ương, một người quản lý văn hoá tên tuổi, có công gây dựng thuở ban đầu cho lễ hội), nhớ lại: "Những người tham gia tổ chức Liên hoan Tiếng hát Làng Sen có người đã mất, một số anh chị em đã nghỉ hưu, song tất cả vẫn chung một niềm tự hào về Tiếng hát Làng Sen. Liên hoan là nguồn động viên vô cùng lớn trong ký ức mỗi người".(*)

Còn ông Trần Nhật Tiến (nguyên Giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin Nghệ - Tĩnh, người cùng thời góp phần đắc lực cho Liên hoan Tiếng hát Làng sen ra đời), nhận xét: trong 15 làm công tác quản lý Văn hoá -Thông tin ở địa phương, có việc làm được, có việc chưa, có việc thậm chí thất bại, nhưng Hội diễn hát từ Làng Sen đã để lại trong ký ức ông nhiều kỷ niệm sâu sắc nhất. Tuy thế, cũng theo ông Tiến, muốn duy trì Hội diễn thì điều quan trọng là phải không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng, từ kịch bản lễ hội đến sáng tác, biểu diễn… vì đề tài Bác Hồ là nguồn xúc động vô tận, nhưng viết và thể hiện cho hay lại không đơn giản một chút nào !(*).




Từ Liên hoan Tiếng hát Làng Sen tới Lễ hội Làng Sen, có thể nói đã có một bước chuyển đổi về chất của 2 loại hình hoạt động văn hoá. Trong dịp kỷ niệm 115 năm ngày sinh Bác Hồ và Lễ hội Làng Sen toàn quốc, năm 2005, đồng chí Nguyễn Khoa Điềm (Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tư tưởng -Văn hoá Trung ương, Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin) đã nêu mấy suy nghĩ tâm đắc của mình. Ông đề nghị cần ghi nhận Lễ hội Làng Sen và Liên hoan Tiếng hát Làng Sen là những sáng tạo lớn của Nghệ An; đồng thời mong muốn Lễ hội Làng Sen phải ngày càng xứng đáng là Lễ hội tôn vinh Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhânvăn hoá thế giới - Hồ Chí Minh(*).

Cũng trong dịp này, bàn về vấn đề Lễ hội Làng Sen với việc giáo dục truyền thống yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh, bên cạnh những nội dung khác, TS. Nguyễn Thị Tình (Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh) cụ thể hoá: Lễ hội Làng Sen cần góp phần giáo dục chủ nghĩa yêu nước, giáo dục cho mỗi người Việt Nam tình yêu thương và nghĩa vụ đối với cha mẹ, ông bà, anh chị em ruột thịt; giáo dục tình yêu quê hương, làng xóm, cộng đồng họ tộc, và đặt tình cảm ấy trong tình yêu quê hương xứ sở, tạo lập nên trong mỗi con người Việt Nam mối quan hệ gắn bó, cùng những tình cảm sâu đậm với cộng đồng và với thiên nhiên…(*). Đấy, quả là những gợi mở có tầm chiến lược lâu dài !

Sinh thời, Bác của chúng ta vô cùng liêm khiết và không ưa gì danh vọng. Cuộc đời Bác chỉ sống cho nhân dân. Bởi thế, kỷ niệm 30 năm Lễ hội Làng Sen và Liên hoan Tiếng hát Làng Sen, trong tâm thế hướng về những tư tưởng đạo đức và di sản Văn hoá Hồ Chí Minh là một hướng đúng đắn, để từ đó biến lễ hội và tiếng hát của nhiều người trên một vùng đất thành lễ hội và tiếng hát của mỗi một chúng ta, trong sự nghiệp phát triển và đổi mới!

* Xin xem cuốn Lễ hội Làng Sen, từ cội nguồn tâm thức đến hiện thực. Nhiều tác giả, Sở Văn hoá - Thông tin Nghệ An biên soạn, NXB Nghệ An, 2005.


Kim Hùng