Gặp lại người “khơi nguồn” Lễ hội Làng Sen …
(Baonghean) - Tháng 5 này, cả nước hướng về kỷ niệm 30 năm Lễ hội Làng Sen. Đối với nhiều người quãng thời gian 30 năm từ Liên hoan “Tiếng hát từ Làng Sen” thành “Lễ hội Làng Sen” khá dài nhưng với ông Nguyễn Hữu Thuông- người khởi nguồn hoạt động văn nghệ quần chúng hát về Bác Hồ từ Làng Sen thì chuyện chỉ như vừa mới xảy ra ngày hôm qua…
Từ một ý tưởng nhân văn đến Hội diễn toàn quốc
Ngày 19 tháng 5 năm 1981 ở thành phố Vinh- quê hương Bác Hồ Kính yêu diễn ra một sự kiện đặc biệt gây ấn tượng sâu sắc trong lòng nhân dân cả nước. Đó là Liên hoan “Tiếng hát từ Làng Sen” lần thứ nhất với sự tham gia của 5 đoàn Nghệ thuật đến từ Huế - mảnh đất nuôi Bác Hồ trưởng thành, thành phố Hồ Chí Minh nơi 70 năm trước từ bến cảnh Nhà Rồng Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, thủ đô Hà Nội- nơi Bác đọc Bản tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, ... Liên hoan được tổ chức xuất phát từ ý tưởng táo bạo đầy chất nhân văn của ông Nguyễn Hữu Thuông- nguyên Giám đốc nhà văn hoá Trung tâm Nghệ Tĩnh.
Nói về liên hoan này, ông Thuông tâm sự rằng: Gần 5 năm giữ chức vụ giám đốc, ông luôn canh cánh một câu hỏi: Làm thế nào để hội diễn quần chúng hàng năm thực sự hấp dẫn và mang đậm màu sắc của văn hóa xứ Nghệ. Thế rồi sau bao nhiêu đêm trằn trọc ý tưởng về liên hoan các bài hát về Bác Hồ tổ chức vào 19/5 hàng năm loé lên trong đầu ông Nguyễn Hữu Thuông. Nhưng rồi tự ông thấy chưa ổn vì năm nào cũng chỉ những ca khúc ấy với chừng đó đơn vị tham gia thì trùng lặp và nhàm chán quá. Ông băn khoăn có nên đổi tên thành Liên hoan tiếng hát Làng Sen không vì Cụ Hồ ở Làng Sen?
Nhưng ngay cả như vậy thì vẫn chưa chuyển tải được hết những điều mà ông muốn gửi gắm: Bác Hồ là Người cha chung của cả cả nước, thế nên tiếng hát Làng Sen không phải chỉ riêng của Nghệ Tĩnh mà phải cho cả nước. Và ý tưởng một loại hình sân khấu không chuyên hát về Bác Hồ với tên gọi đầy đủ "Tiếng hát từ Làng Sen" đã ra đời như thế. Ông cũng đã phải mất một đêm trắng không ngủ để nghĩ ra chữ “Từ” bởi tiếng hát Làng Sen thì phải được tổ chức từ Làng Sen, từ quê hương chủ tịch Hồ Chí Minh.
Người bạn thân của ông là Phùng Xuân Bính- nguyên là giám đốc Nhà Văn hoá Trung ương khi nhận được cuộc điện thoại giữa đêm gọi tới từ Nghệ Tĩnh với lời nhắn nhủ tha thiết “ Tớ tổ chức liên hoan cấp tỉnh còn cậu 5 năm một lần tổ chức cấp toàn quốc”, chỉ còn biết gật đầu. Lặn lội ra Hà Nội, cả hai ông mang ý tưởng lên trình bày với Bộ trưởng Bộ Văn hóa Nguyễn Văn Hiếu và nhận được sự đồng tình cao.
Trở về, Nguyễn Hữu Thuông mở cuộc họp thông qua ý kiến cán bộ công nhân viên Nhà văn hóa, mời một số văn nghệ sỹ như họa sỹ Đào Phương, nhạc sỹ Lê Hàm tham gia. Sau đó ông sang trình bày xin ý kiến của lãnh đạo tỉnh. Được sự đồng ý của Chủ tịch tỉnh Trần Quang Đại và Bí thư Tỉnh uỷ Trương Kiện, Nguyễn Hữu Thuông bắt tay vào công tác chuẩn bị và hồ hởi gửi giấy mời đến các tỉnh, thành mời tham gia.
Ngày 19 tháng 5 năm ấy, 5 đoàn nghệ thuật quần chúng đã có mặt tại Nghệ Tĩnh tham gia LHTHTLS lần thứ nhất….
Thành công ngay từ lần đầu tiên, Liên hoan Tiếng hát từ làng sen đã trở thành hội diễn nghệ thuật quần chúng được tổ chức hàng năm với lực lượng diễn viên quần chúng tham gia ngày càng đông và nhiều thành phần như học sinh, sinh viên, công nhân, bộ đội, nông dân, và cả đồng bào các dân tộc thiểu số đến từ hai miền Nam Bắc của đất nước.
Riêng ở Nghệ An, nhiều huyện còn tổ chức ở qui mô cấp xã như Nam Đàn, Yên Thành, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Đô Lương… Mỗi cuộc liên hoan là một dịp thu hút sự sáng tạo và hưởng thụ văn hoá và hưởng thụ các giá trị văn hoá nghệ thuật hướng về Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó âm hưởng dân gian chủ đạo vẫn là dân ca ví giặm xứ Nghệ.
Để góp phần làm cho Liên hoan Tiếng hát từ Làng Sen có sức sống lâu bền, Nguyễn Hữu Thuông và các thế hệ cán bộ văn hoá tâm huyết tỉnh đã liên tục đổi mới về qui mô, nội dung, hình thức thể hiện. Chủ đề liên hoan cũng liên tục thay đổi theo từng năm như Toàn dân hát về Bác Hồ, Các dân tộc hát về Bác Hồ, Những khúc hát dâng Bác, Tiếng hát từ các làng văn hoá. Cũng từ hội diễn này “Trại sáng tác Làng Sen” mà mọi người vẫn gọi vui là “Trại sáng tác ông Thuông” đều đặn được tổ chức hàng năm.
Từ đây, hàng trăm tác phẩm viết về Bác Hồ đã ra đời và đi vào lòng công chúng như Người là niềm tin tất thắng của nhạc sỹ Thuận Yến, Ngôi sao tháng năm của Ánh Dương, Người mẹ Làng Sen của Lê Hàm, Những bông hoa trong vườn Bác của Văn Dung; Hành hương về Xứ Nghệ của Nguyễn Cường, Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác của An Thuyên, Ngày hội bên Sông Lam của Hồ Hữu Thới, Nhà mẹ có ảnh Bác của Phan Thanh Chương, Tình quê Nam Đàn của Mai Cường đã ra đời. Nhiều nghệ sỹ, diễn viên cũng trưởng thành từ các cuộc liên hoan này như: nghệ sỹ ưu tú Tiến Dũng, Lệ Thanh (Nghệ An), Ngọc Hoan (Cao Bằng), Trung Đức (Hà Nội), Hồng Ngự (Yên Bái), Sùng Thị Mai (Hà Giang), Y Moan (Gia Lai), A Mư Nhân (Bình Thuận)…
Ông Nguyễn Hữu Thuông với niềm vui tuổi già.
Người suốt đời gắn bó với phong trào văn hóa tỉnh nhà
Đã 30 năm trôi qua từ cuộc liên hoan đầu tiên đấy, người “khơi nguồn” lễ hội Làng Sen năm nào nay đã ngoài 80 tuổi nhưng vẫn toát lên vẻ phúc hậu, nho nhã nhưng cũng không kém phần cởi mở, sôi nổi của người làm văn hoá. Căn nhà nằm giữa vườn cây xanh mát của ông ở làng Phong Hồ, xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc đầy ắp những kỷ niệm về các kỳ liên hoan hát về Bác Hồ.
Với riêng ông, dù đã trải qua nhiều nhiệm vụ công tác khác nhau như là thư kí riêng cho Thiếu tướng Chu Văn Tấn (sau này là Phó chủ tịch Quốc hội), làm phòng tổ chức ở Quân khu 4, nhưng ông vẫn tự nhận “điều khiến tôi tâm huyết nhất và thành công nhất là hoạt động ở ngành văn hóa dù thời đó làm gì cũng “tay không bắt giặc”, chẳng có gì “chỉ biết có sự hy sinh”.
Nhớ lại ngày tháng hoạt động sôi nổi đó, đến hôm nay người giám đốc xưa vẫn chưa hết bồi hồi. Đối với ông, sức sống của cuộc thi Tiếng hát từ Làng Sen, sức sống của Lễ hội Làng Sen chính là phần thưởng lớn nhất, là nguồn động viên tinh thần quý giá nhất mà cuộc đời đã dành tặng cho ông.
Khánh Ly- Mỹ Hà