Dâng Người thanh sắc quê hương...

18/05/2011 08:41

Tháng Năm về Kim Liên (Nam Đàn), ai cũng cảm nhận được sự mát mẻ, trong lành của khí trời và cảnh vật. Nghe thoang thoảng đâu đây mùi hương tỏa ra từ những đóa sen hồng và mùi vị tinh khôi của cánh đồng lúa xanh mượt đang kỳ trổ hạt đơm bông. Văng vẳng nơi đây điệu ví đò đưa, những khúc ca nặng tình nước non, xứ sở. Và dòng người khắp mọi nẻo đường đất nước hành hương về quê Bác tham dự Lễ hội Làng Sen... Con người và cảnh vật dường như có sự giao hòa mật thiết, tất cả đều dâng lên Bác kính yêu những âm thanh, màu sắc, hương vị và tấm lòng thành kính, biết ơn...

Chúng tôi tìm đến Nhà Văn hóa xã Kim Liên, nơi diễn ra buổi Lễ kỷ niệm 121 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Khai mạc Lễ hội Làng Sen năm 2011. Dòng người khắp mọi nơi cũng đang tề tựu về đây trong một niềm vui chung, niềm vui hội ngộ trên quê hương Bác Hồ muôn vàn kính yêu, vị cha già của dân tộc. Đoàn Nghệ thuật quần chúng xã Kim Liên chào đón bạn bè, du khách gần xa bằng chương trình văn nghệ chào mừng buổi lễ. Họ là những con người luôn mang trong mình niềm tự hào được sinh ra và lớn lên trên làng quê của Bác. Có lẽ vì thế mà khi cất lên lời ca, tiếng hát, người nghe có thể cảm nhận rõ sự rung động hết mực chân thành, truyền đến mỗi người niềm xúc động, tự hào và không nguôi thương nhớ. Đặc biệt, khi thể hiện tiết mục hát múa "Có một làng quê như thế", những diễn viên quần chúng của xã Kim Liên rất đỗi tự hào và thể hiện rất thành công. Bởi làng quê này đã sinh ra một con người rất đỗi bình thường nhưng vô cùng vĩ đại, một con người đã không ngừng tranh đấu để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam. Người là đóa sen luôn tỏa ngát hương thơm để dâng đời, là ngọn lửa sáng soi con đường đi tới tương lai cho toàn thể dân tộc. Từ "Làng Sen quê cha" và "Hoàng Trù quê mẹ", Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành vị Anh hùng dân tộc, một Danh nhân văn hóa thế giới. Khắp năm châu còn nhớ mãi tên Người. Các cháu nhỏ cùng hát vang ca khúc "Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh", một bài hát "đi cùng năm tháng".


Chương trình văn nghệ khai mạc Lễ hội Làng Sen. Ảnh: K.H

Ông Nguyễn Văn Hiền, nguyên Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn (từ 1979- 1989), phấn khởi tâm sự: "Khi Lễ hội Làng Sen bắt đầu mới manh nha, cuộc sống lúc ấy còn nhiều thiếu thốn nên việc tổ chức lễ hội gặp rất nhiều khó khăn. Tôi rất vui mừng vì những năm gần đây quy mô lễ hội ngày càng phát triển, hình thức ngày càng phong phú. Lễ hội rất hợp với nhu cầu và ý nguyện của nhân dân, vì nó phát huy được truyền thống và đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Qua đây, chúng tôi, thế hệ đi trước có thể gửi gắm niềm tin vào thế hệ trẻ, về tương lai tươi sáng của đất nước, bởi chúng ta có tư tưởng của Bác chỉ lối, dẫn đường".

Lễ hội Làng Sen năm nay diễn ra với "điểm nhấn" là Liên hoan "Tiếng hát Làng Sen" huyện Nam Đàn lần thứ 30. Hoạt động này thu hút 32 đội văn nghệ quần chúng đến từ các xã, thị và cơ quan đơn vị đóng trên địa bàn. Những con người ngày thường gắn bó với ruộng đồng, với cây lúa, cây ngô hôm nay đến đây bằng sự nhiệt tình, niềm đam mê và lòng tự hào đã cất vang những khúc ca về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về sự đổi thay của quê hương, đất nước và thể hiện niềm tin hướng tới ngày mai. Có thể nói, họ đến đây để dâng lên Bác những lời ca, tiếng hát thắm đượm nghĩa tình. Em Nguyễn Thị Hương, học sinh lớp 8 Trường THCS Kim Liên tâm sự: "Năm nào em cũng đến dự Liên hoan "Tiếng hát Làng Sen". Mỗi lần xem các tiết mục hát, múa và các tiểu phẩm, em lại hiểu thêm về cuộc đời, sự nghiệp, công lao và tình thương của Bác Hồ dành cho tất cả mọi người. Sau này dù đi đâu, làm gì em cũng luôn tự hào là người con quê Bác". Lễ hội Làng Sen còn có các hoạt động chiếu phim, triển lãm tranh ảnh và giới thiệu về thân thế, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngoài ra, lễ hội còn hấp dẫn với hội thi bóng chuyền, kéo co giữa các đội tuyển đến từ các huyện, thành, thị trong toàn tỉnh.

Dòng người tấp nập vào thăm quê nội, nơi còn lưu giữ nhiều kỷ niệm tuổi thơ Bác Hồ và các thành viên trong gia đình. Những cán bộ thuyết minh phải làm việc hết "công suất". Các đoàn tham quan đến từ các địa phương đứng chờ để đến lượt đoàn mình được thuyết minh. Và trong dòng người đông đúc, không ít người rút khăn lau những giọt nước mắt xúc động. Má là Nguyễn Thị Hoài 70 tuổi, ở tận Bến Tre, vừa đến quê Bác chiều qua, đang đứng chờ đến lượt để dâng lên bàn thờ Bác những loại hoa quả của miền Tây Nam Bộ, má tâm sự: "Hồi má còn nhỏ, đất nước còn chiến tranh, ở quê má ai cũng cất dành các loại quả ngon nhất để chờ Bác vào thăm sẽ đem tặng. Nhưng rồi ước nguyện không thành... Nay má thay mặt bà con chòm xóm ra đây dâng lên Bác hương vị quê nhà và cả tấm lòng thành kính...". Trong niềm xúc động, ông Nguyễn Hữu Sơn (huyện Lục Nam, Bắc Giang) bày tỏ: "Về quê Bác, tôi thấy rất đỗi gần gũi, thân quen. Thơ ca, sách báo, ti vi đã nói rất nhiều về nơi đây, về vườn rau, hàng rào dâm bụt, mái nhà đơn sơ, nhưng khi đặt chân lên mảnh đất này, lòng không khỏi bồi hồi, xúc động, có lúc không kìm được nước mắt".

Ở quê ngoại, chúng tôi có dịp chứng kiến cán bộ thuyết minh Nguyễn Thị Thanh Qúy giới thiệu cho một đoàn tham quan đến từ tỉnh Hải Dương về khung cửi của bà Hoàng Thị Loan và chiếc võng đay giản dị, nhiều người đã không giấu nổi sự xúc động về những kỷ vật thiêng liêng của gia đình Bác.

Tháng Năm, dòng người vẫn tiếp tục hành hương về quê Bác. Về đây để có dịp tham dự Lễ hội Làng Sen, để dâng lên Người câu hát, lời ca và cả niềm kính yêu, cùng niềm tin bất diệt...


Công Kiên