Mẹ Làng Sen ! Chúng con đã về…

03/06/2011 17:50

(Baonghean) - “Người mẹ ấy sinh con trong trời đêm. Đất nước lầm than mà dân còn nô lệ. Mẹ lặng lẽ giữa cuộc đời như thế, tấm vai gầy gánh nặng đường trơn…”. Những câu hát về Mẹ cứ da diết mãi trong tâm thức của bao thế hệ những người con đất Việt. Hôm nay, chúng con về đây xin được dâng lên nén hương thơm bày tỏ tấm lòng tri ân sâu sắc đối với Mẹ - Người mẹ Làng Sen…

Hôm nay, ngày 3/6/2011, mọi ngả đường đều hướng về núi Động Tranh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ngay từ ngoài đường 46, đoạn qua Nam Giang đến chợ Sáo, băng rôn, khẩu hiệu ngập trời sắc đỏ. Dưới ánh nắng vàng rực rỡ của những ngày đầu tháng sáu, ngay từ sáng sớm, hàng vạn người dân từ mọi miền Tổ quốc trở về Nam Đàn để tham dự lễ khánh thành công trình bảo tồn, tôn tạo khu mộ bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Đây là một trong những công trình văn hoá tâm linh quan trọng của cả nước nằm trong quần thể Dự án bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử văn hoá Kim Liên gắn với phát triển du lịch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2002.


Du khách hành hương viếng mộ Bà Hoàng Thị Loan.

Với tâm trạng bồi hồi, xúc động, ai nấy đều muốn đến để chiêm bái, tự tay mình thắp nén hương thơm tưởng nhớ, ghi sâu ơn Bà - Người mẹ Làng Sen giàu đức hy sinh, bậc quốc mẫu đã sinh ra người anh hùng, lãnh tụ thiên tài của Đảng và nhân dân ta, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam - Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới. Người đã hiến trọn cuộc đời mình cho độc lập của Tổ quốc và tự do, hạnh phúc của nhân dân. Người chiến sĩ cộng sản quốc tế mẫu mực và là người bạn thân thiết của các dân tộc đã và đang đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới, chính người con ấy của Bà “… đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta”.

Trong dòng người hành hương về Động Tranh hôm nay có những cụ già râu tóc bạc phơ được con cháu dìu đi, những nam nữ thanh niên, những em nhỏ, những vị học giả, tăng ni, tu sĩ, cùng rất nhiều bạn bè quốc tế. Trong tâm thức của mọi người, Cụ Bà Hoàng Thị Loan là tấm gương phụ nữ tiêu biểu của Việt Nam và nhân loại. Bà cùng với các con đã trở thành huyền thoại… Về với Đại Huệ, thăm nơi Bà đang yên nghỉ trong cõi trường xuân, ngắm nhìn non nước Hồng Lam – vùng hội tụ linh khí của cả vùng xứ Nghệ, ai nấy đều tự hứa, nguyện sống và công tác, học tập tốt hơn.

Từ 6 giờ sáng, dòng người dưới chân núi theo mấy trăm bậc đá lần lối mòn xưa lên mộ Bà Hoàng Thị Loan dài như bất tận… Tất cả mọi người lặng lẽ, thành kính, lắng nghe ngàn thông Đại Huệ theo gió rì rào khe khẽ kể về phẩm hạnh cao cả của một bà mẹ Việt Nam.

Đúng 7 giờ, buổi lễ chính thức bắt đầu bằng màn sử thi do Đoàn ca múa kịch Nghệ An và Trung tâm bảo tồn phát huy di sản dân ca xứ Nghệ biểu diễn. Màn sử thi kéo dài 45 phút khắc hoạ lại hình ảnh thân thương, chịu khó, tần tảo của Bà Hoàng Thị Loan một nắng hai sương lo cho chồng con ăn học. Ở Bà hội tụ những nét đẹp của một người vợ, người Mẹ làng Sen giàu lòng nhân ái, giàu đức hy sinh để chồng con toàn tâm toàn ý phục vụ những mục tiêu cao cả vì độc lập tự do của Tổ quốc. Thưởng thức màn hát múa sử thi kể về cuộc đời Mẹ Làng Sen, những trái tim người con đất Việt bồi hồi run lên, nhiều người không giấu nổi lòng mình, nghẹn ngào bật khóc...

Bác Bùi Thị Minh Thư, ở Phú Thọ, sau nhiều năm công tác nay nghỉ hưu và tham gia sinh hoạt tại chi Hội Chữ Thập đỏ cơ sở, lần đầu tiên được về với Kim Liên và Động Tranh, bác xúc động: Về đến quê Bác, được nghe kể về cuộc đời của Bà Hoàng Thị Loan mà không sao cầm nổi nước mắt, Bà giống như bà tiên, như người mẹ thân yêu của mình vậy. Về đây, tận mắt thấy khu di tích được xây dựng nghiêm trang, thiêng liêng mà gần gũi lạ thường. Tấm gương đạo đức của Bác, tấm gương mẫu mực của Bà Hoàng Thị Loan thật cao quý, suốt đời mình noi gương, làm theo cũng chưa được một phần…

Chung một tâm trạng, anh Phạm Minh Hải (đến từ tỉnh Cao Bằng) lần thứ 2 về thăm Kim Liên chia sẻ: Lần nào về, anh cũng rất xúc động. Ngày Bác Hồ đặt chân về nước sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước chính là Cao Bằng, Bác coi Cao Bằng như quê hương thứ hai của mình. Anh Hải cho biết, về đến Nghệ An, anh cảm thấy như được về chính quê hương mình. Qua màn sử thi được xem, trong anh dâng trào tình yêu quê hương đất nước, ánh sáng cuộc đời Bà Hoàng Thị Loan đã hướng mọi người đến những điều tốt đẹp, khuyến khích mọi người sống tốt hơn, nghĩa tình hơn, sau này anh thường xuyên nhắc nhở con cháu mình về thăm quê Bác, viếng mộ Bà nhiều hơn nữa.

Còn anh Trần Văn Việt luôn tự hào được sống và làm việc ở thành phố mang tên Bác. Về thăm quê Bác lần này, anh Việt mang theo tấm lòng yêu thương của người dân Nam bộ. Với anh, Làng Sen và Người luôn hiện hữu trong đời sống của mỗi người con ở đất phương Nam. Những người con của thành đồng Tổ quốc luôn luôn hướng về Đảng, về Bác kính yêu với một niềm tin tuyệt đối… Bản thân anh luôn mong muốn học ở Bác thật nhiều, bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, để từ đó có thể ứng dụng vào cuộc sống, vào công việc.

Tại lễ khánh thành, sau diễn văn khai mạc của đồng chí Phan Đình Trạc - Uỷ viên TƯ Đảng – Bí thư Tỉnh uỷ; đồng chí Tòng Thị Phóng - Uỷ viên Bộ Chính trị - Phó Chủ tịch Quốc hội có bài phát biểu bày tỏ tấm lòng tri ân đối với Bà Hoàng Thị Loan đã có công sinh thành và nuôi dưỡng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời biểu dương, ghi nhận những nỗ lực của chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An đã có nhiều đóng góp to lớn trong việc tu bổ, tôn tạo khu di tích Kim Liên, Khu mộ Cụ Bà Hoàng Thị Loan.

Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An, đồng chí Phan Đình Trạc hứa, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An tiếp tục bảo vệ, phát huy, gìn giữ tốt nhất, có hiệu quả cao nhất giá trị của khu mộ Cụ Bà Hoàng Thị Loan và hệ thống di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phấn đấu xây dựng tỉnh Nghệ An vững mạnh như sinh thời Bác hằng mong muốn.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ ngành TƯ, địa phương cùng đông đảo nhân dân thành kính dâng hoa, dâng hương tại phần mộ Cố bà Hà Thị Hy – bà nội Bác Hồ và báo công với Cụ Bà Hoàng Thị Loan trước phần mộ trên núi Động Tranh. Trước anh linh của Bà, nhân dân cả nước bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước công lao trời biển và đức độ cao đẹp của Bà, luôn luôn kiên định đi theo con đường cách mạng mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn, xây dựng Tổ quốc Việt Nam ngày càng mạnh giàu, tươi đẹp.

Thượng tọa Thích Thọ Lạc, Chủ trì Chùa Đại Tuệ, xã Nam Anh, huyện Nam Đàn chậm rãi hòa cùng người lên núi thắp hương cho Quốc mẫu. Thương tọa Thích Thọ Lạc cho rằng: Bà Hoàng Thị Loan cũng chính là một vị Bồ Tát bởi Bà sinh ra Người đã đem lại hòa bình, độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam. Bồ Tát là người cứu vớt chúng sinh, Cụ Bà Hoàng Thị Loan cũng chính là người như vậy.

Mỗi người dân tỉnh Nghệ An hôm nay và mai sau vẫn luôn khắc ghi hình ảnh bình dị, thân thương của Bà, những lời dặn dò tâm tình của Bác Hồ trong những lần về thăm quê. Ông Vũ Văn Sang - một người lính cụ Hồ năm xưa, năm nay 75 tuổi, hiện sống tại xã Nam Giang, huyện Nam Đàn ngực lấp lánh huân huy chương đứng trang nghiêm bên phần mộ của Bà, mắt nhìn về châu thổ sông Lam trù phú lâng lâng cảm xúc. Ông Sang cho hay: Gia đình ông có 3 người con, hiện cả 3 anh đều là những người lính. Nay tuổi đã cao nhưng ông cùng con cháu luôn phấn đấu sống, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ Chí Minh.

Ngôi mộ của Bà bình dị mà thiêng liêng. Ở trên đó có rất nhiều những chùm hoa, bông lúa vàng trĩu hạt, những chùm quả ngọt được người dân từ mọi miền đất nước dâng lên. Trong những chùm hoa ấy có những bông sen từ Kim Liên dịu dàng thoang thoảng hương lành, có những bông sen hồng rực rỡ khoe sắc từ đồng sen Đồng Tháp (nơi cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh của Bác yên nghỉ). Bông sen Tháp Mười ngát hương như chính cuộc đời yêu nước thương dân, không tham danh lợi, không sợ cường quyền, bảo vệ chính nghĩa, lối sống thanh bạch, giúp đỡ cho người nghèo của cụ Phó Bảng… Hai con người tuy ở xa nhau về không gian nhưng luôn thật gần trong lòng dân tộc.

Nam Đàn tháng sáu, trời xanh cao vời vợi…


Thành Chung