Báo động nạn trộm cáp viễn thông

08/06/2011 10:04

Gần đây, hàng chục vụ cắt trộm cáp viễn thông liên tục xảy ra trên địa bàn tỉnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống đường truyền của ngành viễn thông và gây thiệt hại về kinh tế hàng trăm triệu đồng. Điều đáng nói là phần lớn thủ phạm của các vụ cắt trộm cáp là đối tượng vị thành niên...

Một loại tội phạm mới


Vài năm trở lại đây, nạn trộm cắp cáp viễn thông trên địa bàn tỉnh có xu hướng gia tăng. Trong năm 2010, toàn tỉnh có 123 vụ ăn trộm với hơn 10.000 mét dây cáp bị mất cắp các loại. Năm 2011, chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm đã phát hiện được 38 vụ cắt trộm đường dây thông tin liên lạc, trong đó Thành phố Vinh 8 vụ, Nghi Lộc 5 vụ, Yên Thành 6 vụ, Tân Kì xảy ra 6 vụ.

Tổng hợp qua 5 năm từ 2006 - 2011 cũng cho thấy, chỉ riêng trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu đã xảy ra 46 vụ trộm cáp thông tin viễn thông, tập trung chủ yếu ở khu vực các địa bàn hẻo lánh, xa khu dân cư, ít người qua lại, như khu vực đường băng tải Nhà máy Xi măng Nghi Sơn, khu vực cầu Khe Dẻ thuộc xã Quỳnh Tam....

Tại Thành phố Vinh, trong 8 vụ mất dây cáp mới được phát hiện trong năm 2011 thì có tới 6 vụ là do một nhóm đối tượng gồm Lê Duy Cường( 1987 - xóm Mỹ Hoà, xã Hưng Lộc), Dương Hồng Phúc (1987), Dương Xuân Hùng (1996) đều ở xóm Phong Phú, xã Hưng Hoà thực hiện. Riêng đối tượng Lê Duy Cường vừa mới ra tù do trộm cáp nay lại tái phạm. Qua điều tra, bọn chúng khai nhận: Vào buổi đêm khoảng từ 22h đêm đến 2h sáng bọn chúng đi xe máy đến nơi hoang vắng, trèo lên cột điện dùng dao, cưa cắt dây cáp sau đó đưa về nghĩa trang xóm Phong Phú đốt vỏ bọc lấy lõi đồng đi tiêu thụ.

Đối tượng và tang vật một vụ trộm cáp ở xã Nam Kim (Nam Đàn)

Một thực tế báo động hiện nay là đối tượng tham gia trộm cáp viễn thông phần lớn đều đang ở độ tuổi đi học, trong đó nhiều nhất là ở độ tuổi cấp 2, cấp 3. Như ở Quỳnh Lưu, trong số 46 vụ trộm cáp chiếm hơn 2/3 là những học sinh sinh năm 1988 đến 1996, ở Yên Thành cũng mới bắt được một nhóm đối tượng trộm cáp, trong đó có tới 14 đối tượng đều là học sinh lớp 8, lớp 9 trường cấp II Lăng Thành. Nguyên nhân phạm tội là đua đòi, cần tiền để chơi game, lô đề, mua sắm điện thoại di động. Bên cạnh đó là do sự thiếu quan tâm, giám sát của gia đình và nhà trường.


Thượng tá Hồ Trung Quyết - Phó Trưởng phòng An ninh kinh tế, Công an tỉnh cho biết thêm: một trong những nguyên nhân khiến nạn trộm cắp cáp viễn thông xảy ra nhiều trong thời gian qua đó là do địa hình của Nghệ An rộng, bọn trộm cắp thường lợi dụng đêm khuya, nơi ít người qua lại. Mặc dù ngành viễn thông đã lắp đặt hệ thống cảnh báo tự động tại những tuyến, địa bàn trọng điểm, có nguy cơ mất trộm cao nhưng do phần lớn ở xa khu dân cư nên khi lực lượng chức năng có mặt thì các đối tượng đã thực hiện xong hành vi phạm tội hoặc có thời gian tẩu thoát..

Việc điều tra các vụ án này cũng không dễ dàng bởi đây thường là vụ trộm cắp tự phát, nhỏ lẻ, đối tượng tham gia lại khá đa dạng. Thêm nữa, lực lượng nòng cốt làm công tác bảo vệ an ninh trên mạng bưu chính viễn thông còn nhiều hạn chế về trình độ, thiếu về cơ sở vật chất nên không đáp ứng được yêu cầu thực tại...


Chú trọng phòng ngừa, bảo vệ


Với hơn 100 vụ trộm cắp cáp một năm, trung bình mỗi tháng ngành công an phải thụ lý khoảng 12 vụ án. Cùng với đó là con số thiệt hại cho ngành viễn thông không hề nhỏ: Chỉ tính riêng về khắc phục hậu quả do mất cắp cáp mỗi năm ngành viễn thông đã mất hàng trăm triệu đồng, đó là chưa kể thiệt hại về kinh tế vì bị gián đoạn đường truyền, mất liên lạc...


Nhận thức được mức độ phức tạp và nghiêm trọng của loại tội phạm này nhiều năm qua Viễn thông Nghệ An đã phối hợp với Công an tỉnh triển khai chương trình bảo vệ an ninh mạng bưu chính viễn thông. Thông qua chương trình này, hơn một nửa vụ trộm cáp viễn thông đã được điều tra và hàng trăm tội phạm đã bị sa lưới và truy tố.

Tuy vậy, công tác tuyên truyền các văn bản pháp luật về công tác bảo vệ mạng BCVT chưa được thường xuyên, chưa sâu rộng, hình thức tuyên truyền không sát thực tế... nên nhận thức của một bộ phận cán bộ, nhân dân còn hạn chế, xem đó là nhiệm vụ của ngành chức năng. Việc xử lý các đối tượng phạm tội cũng gặp nhiều khó khăn; phần lớn tội phạm đều chưa đủ tuổi truy tố nên chủ yếu mới xử lý ở mức độ xử phạt hành chính và cảnh cáo ở nhà trường.

Ví như trường hợp trộm cáp của 14 học sinh ở trường cấp II Lăng Thành, sau khi nộp phạt hành chính thì nhà trường cũng chỉ làm đúng luật: "kiểm điểm học sinh, tạm dừng học một tháng và hạ hạnh kiểm xuống loại yếu" - thầy giáo Nguyễn Xuân Sơn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết thêm.


Vì lẽ đó, để phòng ngừa hiệu quả hơn, bên cạnh việc điều tra, phá án thì công tác bảo vệ hệ thống BCVT cần phải đặt lên hàng đầu, và phải xác định đây là nhiệm vụ nằm trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Các ngành liên quan cũng cần tham mưu kịp thời cho cấp uỷ, chính quyền địa phương, tổ chức giáo dục, vận động quần chúng nhân dân tham gia bảo vệ mạng, tố cáo, phát giác cho công an, lực lượng bưu chính viễn thông các đối tượng có hành vi xâm hại đến hệ thống mạng; tham mưu cho chính quyền các xã, thị trấn phát động ký cam kết với từng hộ gia đình trong công tác bảo vệ mạng BCVT đi qua địa bàn. Về phía các nhà trường, bên cạnh việc dạy văn hoá, cần tuyên truyền thêm nội dung bảo vệ mạng BCVT trong các giờ ngoại khoá.


Mỹ Hà - Khánh Ly