Ký ức rạ rơm

11/07/2011 16:47

Ngày mùa, ven đô Hà Nội những năm gần đây bỗng đầy khói đốt đồng. Khói ấy nhiều hôm như mây loãng như sương mỏng trùm lên thành phố, làm ảnh hưởng hô hấp của mọi người. Đang sống ở một thị trấn ngoại thành, tôi cũng hay gặp khói từ rơm rạ đốt lên. Song bực bội thì ít mà thấy nhớ nhung thì nhiều.

1. Thời thơ ấu của tôi trôi qua trong một con phố nội thành. Tôi biết đến chiếc chổi rơm qua một hình thức trao đổi có lẽ chẳng bao giờ còn lặp lại: đổi chổi rơm lấy nước vo gạo. Chả là, cứ cuối tuần, cuối tháng, bà nông dân ngoại thành lại qua cầu Long Biên đến những gia đình trong phố để gom đầy hai thùng nước vo gạo cùng cơm ôi, cuộng rau... về nấu cám nuôi lợn. Đổi lại, họ tết chổi rơm để cho các gia đình trong phố có cái quét sân. Lắm bận, rơm bện chổi hãy còn là rơm tươi vừa gặt từ đồng về, cây chổi cứ dìu dịu mùi thơm riêng.


Đốt rơm rạ bên đường - Nguồn:Internet

2. Lớn lên một chút tôi có 4 năm liền cùng các em mình sơ tán về một vùng nông thôn. Hà Nội thuở đó có hàng chục vạn trẻ nhỏ xa nhà như vậy, để tránh bom đạn từ các máy bay Mỹ. Cuộc sống ở nông thôn giúp tôi biết thêm tiện ích của rạ rơm. Những mái nhà lợp rạ dày hơn gang tay, cứ vài mùa lại được thay mái mới. Những đêm mùa Đông rét thấu xương, ngủ ổ rơm là nơi lý tưởng nhất. Và, các con cúi bện bằng rơm, mà cụ Đồ Chiểu từng ca ngợi: “Hỏa mai đánh bằng rơm con cúi, cũng đốt tan nhà dạy đạo kia...”, là vật giữ lửa cho nhà nhà, khi máy lửa và bao diêm còn là mơ ước xa vời.

Quên sao được các hầm chữ A được “ốp” nhiều lớp rạ trên tấm phên hình tam giác, để tăng sức chống mảnh bom, mảnh đạn xuyên vào. Và, những chiếc mũ rơm ai ai cũng phải đội để tránh bị sát thương bởi mảnh bom, nhiều mũ được đan bện rất kỳ công như một thứ “thời trang đỉnh đầu” đầy dấu ấn. Còn nhớ, dọc theo hè phố Hà Nội thuở đó, các hầm trú ẩn cá nhân có nắp bằng xi-măng đúc, còn được “đội” thêm rơm bện quấn vòng dày dặn ở bên trên.

3. Bây giờ, đường làng đã “cứng hóa” vẫn là “đường rơm” trong mỗi mùa gặt. Nấm rơm vẫn là loại nông sản quý, song không nhiều người nuôi trồng. Mái ngói, rồi mái “giả ngói” đã khiến rạ không được lên các mái nhà nữa. Và, than các loại, rồi gas, đang là nhiên liệu chủ yếu của lắm vùng quê. Bởi thế, rạ rơm đa phần được đốt tại ruộng, làm tro bón mùa sau, khiến khói lan vào phố.

Rạ và rơm bao đời gắn quyện, lẽ nào lại không thể thành đề tài cho các nhà khoa học biến nó thành hữu ích hợp với thời hiện đại? Một loại gạch do rơm rạ ép nên, chẳng hạn...

Tôi tưởng tượng đến một viễn cảnh là rồi đây khi các làng quê đều đã “hóa phố”, người ta sẽ có nhu cầu giữ lại một vuông sân có cây rơm bên mái lều lợp rạ để làm thành “bảo tàng” cho cháu con nhớ về cội nguồn.


Theo TT&VH