Nhà văn Trần Hoài Dương: “Lá non” hay niềm thao thức với tuổi thơ

04/07/2011 10:02

(Baonghean) - 14 truyện ngắn dành cho thiếu nhi của nhà văn Trần Hoài Dương, được chọn và tập hợp trong tập Lá non, do Nhà xuất bản Văn học và Trung tâm Văn hóa - Ngôn ngữ Đông Tây phối hợp xuất bản vào quý III/2010. Đấy là một món quà đáng trân trọng đối với tuổi thơ yêu sách của nhà văn này.

Trong số cây bút viết cho các em từ những năm chống Mỹ cứu nước đến nay, Trần Hoài Dương chọn một lối đi riêng. Lấy đề tài từ cuộc sống đời thường nhưng truyện không bình thường; ngôn ngữ tinh tế giàu chất thơ; nhân vật mang đặc điểm tâm lý của cả miền Bắc và miền Nam đất nước; truyện nào cũng có chút ít kỳ lạ mà vẫn hợp lý; nhiều chuyện có tứ bất ngờ, độc đáo... Xin bắt đầu từ “Quà tặng của chim non”. Nhân vật tôi có dịp về nhà cô ở Hà Bắc chơi mấy hôm. Bữa nọ, nhặt được chú chim non bị rơi khỏi tổ, chú thương xót đưa về nhà nuôi trong tiếng kêu gào thảm thiết của đôi chim bố mẹ. Con chim non bị thương hôm nào ngày một khôn lớn, đã đến lúc cậu bé đem thả vào rừng. Mải chạy theo chú chim vừa thả, cậu bé lọt vào một xứ sở của hoa tươi, chim hót, rừng rậm, suối trong. “Phải chăng, chú đã dẫn tôi đến trước khung cảnh kỳ lạ của thiên nhiên như thế này, để rồi chú bay đi, coi như một món quà tặng gọi là để trả nghĩa những ngày tôi cưu mang chú? ”. Tính giáo dục của truyện sâu lắng mà thuyết phục!

Truyện “Lá non” ở một góc độ khác cũng khơi dậy tình cảm tuổi thơ thành phố đối với thiên nhiên cây cỏ. Trang yêu thích nhiều loại cây, thích nhất vẫn là cây long não. Bị ốm nằm viện 2 tháng, lắm lúc buồn nản nhưng nhờ bạn bè và cây long não, nỗi buồn nguôi ngoai. Tới một hôm, bất ngờ cả đám bạn thân kéo đến bệnh viện và tặng Trang một nhành... long não! “Lẫn trong lá là những chùm hoa li ti thơm ngào ngạt. Trang áp mặt vào cành long não, hít một hơi thật dài, toàn thân Trang tràn ngập một cảm giác lâng lâng dịu mát, tràn trề hương thơm của mùa xuân”.

Bạn đọc còn được gặp chú bé Hoàng, do rất sợ những tiết thủ công ở lớp giao về nhà làm, nên cậu ta nhờ bố mẹ, ông bà làm hộ. Thế rồi bi hài kịch ập đến. Cả lớp cả trường ai cũng tin vào Hoàng có đôi tay tài nghệ, liền cử cậu ta đi dự hội thi thủ công toàn quận. Cái gì đến đã đến. Giây phút ban tổ chức mời em Nguyễn Huy Hoàng lên sân khấu nhận giải nhất do làm được con gà trống tuyệt đẹp, Hoàng đã khóc và muốn được là chính mình, không dối bạn lừa thầy như trước nữa. Kết thúc truyện “Em muốn là chính mình”, tác giả khá “cao tay” khi cho ban tổ chức cuộc thi vẫn tiếp tục mời Hoàng lên nhận giải. Có điều, giải thưởng đặc biệt lần này còn cao hơn giải nhất, bởi nó dựa trên sự đánh giá cao đức tính trung thực và lòng dũng cảm nhận khuyết điểm của một học trò...

Nhà văn Trần Hoài Dương sinh năm 1943, quê Hải Dương. Ông vừa qua đời tháng 5/2011 tại TP. Hồ Chí Minh. Những năm còn ngồi học trên ghế phổ thông, Trần Hoài Dương đã ấp ủ giấc mơ được đằm mình vào cuộc sống sôi động ngoài kia và cầm bút viết điều gì đó. Đang học dở lớp 9 thuộc hệ 10 năm lúc bấy giờ, ông thi vào Trường báo chí Trung ương khoá I, tốt nghiệp loại ưu, năm 1961 ông được phân về Tạp chí Học tập, đóng tại Hà Nội. Truyện ngắn “Em bé và bông hồng” viết cho thiếu nhi có thể xem là tác phẩm thành công đầu tay của nhà văn Trần Hoài Dương, được NXB Kim Đồng in năm 1963. Vừa làm tạp chí vừa viết văn, mãi đến năm 1968, ông xin chuyển hẳn sang ngành Giáo dục để tập trung viết cho tuổi thơ. Có thời gian, nhà văn trẻ này rời bỏ Hà Nội lên công tác ở Trường cải tạo trẻ em phạm pháp tại Lục Nam-Bắc Giang. Hai năm, ông sống trà trộn với đám trẻ bụi đời, cho đến khi trường giải thể ông mới trở lại Hà Nội... Cuối năm 1981, nhà văn xin chuyển vào Nam, làm biên tập và sáng tác cho NXB Trẻ - TP.Hồ Chí Minh. Sống và viết ở môi trường mới khi đã có tuổi, ông càng có nhiều thời gian, kinh nghiệm và tâm huyết dành cho mảng văn học thiếu nhi suốt một đời mình đeo đuổi và có không ít thành tựu. Nếu tính từ tập truyện ngắn đầu tiên xuất bản (Em bé và bông hồng, 1963 ) đến gần đây, nhà văn đã có khoảng 30 đầu sách cùng nhiều giải thưởng giá trị trong nước. Truyện chọn lọc Trần Hoài Dương (NXB Văn học, 1998) được bạn đọc nhiều lứa tuổi hoan nghênh. Nhà văn Tô Hoài trong lời tựa truyện chọn lọc vừa nêu, viết: “Từng chữ đem lại cho tôi cảm giác yêu đời... Tôi nhận ra đây là những khơi gợi vun đắp nên tấm lòng nhân hậu, tin yêu”. Khen thế kể cũng dễ hiểu. Có lần, Trần Hoài Dương tự bạch về nghề cho biết, ông đến với văn học thiếu nhi như đến với một thứ Đạo, nhờ đó nhà văn đem lại cái đẹp cho cuộc đời , đem lại lòng yêu thương và niềm vui cho trẻ nhỏ!


Kim Hùng