Ra mắt nhật ký, ghi chép “Từ chiến trường khu 5”

26/07/2011 16:16

Sáng 26/7, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức họp báo giới thiệu bộ nhật ký và ghi chép của cố nhà văn Phan Tứ mang tên “Từ chiến trường khu 5.”

Bộ sách gồm ba tập với hơn 2.500 trang không chỉ mang tính lịch sử, văn hóa, đúc kết chiến tranh mà còn mang đậm chất sử thi. Sách đem đến cho bạn đọc những hình dung rõ nét về cuộc sống chiến đấu của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên địa bàn từ Quảng Nam tới Quảng Bình trong cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc.

Sách mở đầu từ lúc nhà văn Phan Tứ rời Ban Tuyên huấn khu 5 để về đồng bằng mở ra vùng giải phóng đầu tiên Tứ Mỹ (Nam Kỳ). Kết thúc sách là lúc nhà văn chấm dứt hành trình hai tháng rưỡi đi bộ gian khổ trên đường mòn Hồ Chí Minh tại huyện Lệ Thủy, Quảng Bình và về Hà Nội sau 5 ngày đêm đi xe tải dưới bom đạn.

Trong khối tư liệu đồ sộ viết ở các địa danh ở khu 5, cố nhà văn Phan Tứ đã dành những trang sách ấm áp viết về người phụ nữ. Ở đó, ông thấu hiểu và cảm thông sâu sắc với nỗi khó khăn bội phần của người phụ nữ trong bom rơi lửa đạn.

Nhà văn còn như người làm công tác địch vận tài giỏi khi ông đi sâu khai thác tù binh Mỹ, đối thoại và khiến họ phải tâm phục khẩu phục và suy nghĩ về hành động của mình…

“Từ chiến trường khu 5” đã thể hiện sức làm việc phi thường của nhà văn Phan Tứ, ông đã viết trong điều kiện gian khổ, thiếu thốn của những ngày dài đói cơm lạt muối, trong sự hành hạ của cơn sốt rét rừng, dưới làn mưa bom bão đạn với sự càn quét, phục kích của quân thù trong khi đôi mắt ông bị cận thị nặng và bàn tay, cột sống bị bệnh khớp hành hạ.

Phát biểu trong buổi họp báo, ông Nguyễn Văn Cừ, Giám đốc Nhà xuất bản Văn học cho biết: “Nhà văn Phan Tứ là một nhà văn xuất sắc viết về đề tài chiến tranh giải phóng đất nước. Sự nghiệp cầm bút của ông là một gia tài đồ sộ với hàng loạt tác phẩm giầu lý tưởng, mang đậm vẻ đẹp cách mạng đã in sâu vào tâm thức bạn đọc qua biết bao thế hệ. Bộ sách này của ông cho những thế hệ hậu sinh thấy được cuộc chiến đấu khốc liệt và vĩ đại, có nỗi đau chiến tranh, nỗi đau da cam mà chúng ta không được quên nó.”


Theo TTXVN