“Huyền thoại Thành cổ” trong cuốn sách khổng lồ

06/07/2011 16:33

- Theo một dự án nghiên cứu triển khai từ 2009, hơn 4.000 cái tên đầu tiên trong danh sách những liệt sĩ hy sinh tại trận thành cổ Quảng Trị (1972) đã được công bố chính thức sau 39 năm. Hơn 4.000 dòng tên này được in trong cuốn sách Huyền thoại thành cổ Quảng Trị, kèm theo đó là một số tư liệu và ảnh về trận chiến kéo dài 81 ngày đêm này. Ngoài những bản in bình thường, những người thực hiện đã in một bản khổ lớn với kích thước lên tới 100x70cm.

1. Đơn vị thực hiện cuốn sách là Trung tâm truyền thông Vì môi trường phát triển và các cựu chiến binh từng có mặt tại Quảng Trị năm 1972. Ngoài ra, một đại lễ cầu siêu, thả hoa đăng và dâng sách lưu danh các liệt sĩ cũng sẽ được tổ chức tại thành cổ và bờ sông thạch Hãn vào tối 10/7/2011 tới.

Cuốn sách khổ lớn Huyền thoại thành cổ Quảng Trị
sẽ được rước từ Hà Nội vào ngày 8/7/2011

Năm 2012 mới là dịp kỷ niệm tròn 40 năm trận chiến thành cổ Quảng Trị. Tuy nhiên, khác với thông lệ, những người thu thập và biên soạn danh sách trên quyết định không chờ tới dịp kỷ niệm lớn này mới công bố thành quả làm việc của mình. Nhà thơ Đoàn Mạnh Phương, Giám đốc trung tâm, người đã gặp một số gia đình của các liệt sĩ, giải thích ngắn gọn: “Nếu còn sống, bố mẹ của các liệt sĩ ít nhất cũng ở tuổi 80. Công bố và vinh danh các liệt sĩ sớm một ngày thì người thân của họ được an ủi thêm một ngày”.

Nằm trong chiến dịch Xuân- Hè 1972, trận chiến đấu tại thành cổ diễn ra trong 81 ngày đêm (từ 28/6 - 16/9/1972) đã thu hút một lực lượng lớn của Quân đội nhân dân Việt Nam và giải phóng quân miền Nam, trong đó có khá đông sinh viên và thanh niên được tổng động viên vào mùa Xuân 1972. Tuy nhiên, việc thống kê và công bố danh sách các liệt sĩ tại trận chiến này vẫn chưa được triển khai cụ thể cho tới năm 2009.

“Do yêu cầu về bí mật quân sự, giấy báo tử của các liệt sĩ khi đó thường được ghi chung chung là tại mặt trận phía Nam” - Đại tá Trần Ngọc Long, đại diện Ban liên lạc Chiến sĩ thành cổ Quảng Trị 1972 giải thích - “Ngoài ra, do tính chất khốc liệt của trận chiến này, rất nhiều liệt sĩ hy sinh mà không tìm được thi hài, hoặc không để lại thông tin về việc đang thuộc đơn vị nào”.

2. Việc thu thập thông tin về các liệt sĩ thành cổ được tiến hành theo cách thức phối hợp với các đơn vị cựu chiến binh cũ và các cơ quan địa phương. Do sự khác biệt về địa danh theo thời gian, cùng việc thiếu tài liệu lưu trữ, hiện danh sách cụ thể các liệt sĩ mới chỉ vượt quá con số 4.000. (Theo các thống kê khác nhau, cùng một số thông tin được đưa ra tại buổi giới thiệu danh sách này, danh sách liệt sĩ hy sinh trong 81 ngày đêm tại thành cổ Quảng Trị dao động từ 10.000 tới 16.000 chiến sĩ).

“Chúng tôi vẫn đang tiếp tục hoàn thiện bản danh sách này. Đồng thời, ngay từ 1972, rất nhiều liệt sĩ không tìm thấy địa chỉ gia đình sau khi hy sinh. Bởi vậy, sự giúp đỡ thông tin từ bạn đọc và dư luận là vô cùng cần thiết”- ông Phương cho biết. Hiện, cuốn sách Huyền thoại thành cổ Quảng Trị được in kèm một số trang trắng tại mục danh sách liệt sĩ, giống như một hình thức tưởng niệm.

Được biết, ông Phương và những người thực hiện chương trình đang theo đuổi ý tưởng kêu gọi đóng góp để xây một bức tường tưởng niệm tại thành cổ Quảng Trị. Theo đó, tên và thông tin của các liệt sĩ thành cổ sẽ được gắn lên bức tường tưởng niệm này và “cập nhật” theo kết quả tìm kiếm. Hiện, những người quan tâm có thể truy cập trang web www.vanhoatritueviet.vn để tìm hiểu thông tin

Ngoài việc gửi tặng mỗi gia đình của 4.000 liệt sĩ một bản sách Huyền thoại thành cổ Quảng Trị, bản in cỡ lớn cuốn sách này sẽ được lưu giữ tại Bảo tàng Liệt sĩ thành cổ Quảng Trị. Từ sáng 8/7/2011, cuốn sách lớn này sẽ được Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức rước bằng nghi lễ trang trọng tới tượng đài Liệt sĩ Việt Nam (vườn hoa Bắc Sơn - Hà Nội), sau đó theo quốc lộ 1 vào thành cổ để có mặt trong lễ cầu siêu 10/7. Dự kiến, hàng trăm cựu chiến binh thành cổ, gia đình thân nhân liệt sĩ và các lãnh đạo cao cấp của Nhà nước sẽ tham dự đại lễ này.

Một kỷ lục mới của Việt Nam

Cuốn sách sẽ được đăng ký để xác lập kỷ lục Việt NamCuốn sách độc bản tri ân và lưu danh liệt sĩ lớn nhất. Nhà thơ Đoàn Mạnh Phương chia sẻ: “Chúng tôi thực hiện cuốn đại sách này không phải nhằm đạt kỷ lục mà muốn đặt nó tại Bảo tàng Liệt sĩ thành cổ như một lời nhắc nhở cho những người đang sống không bao giờ quên quá khứ. Cuốn sách mới chỉ là sự khởi đầu, chúng tôi để 30 trang trắng để đồng bào cả nước tiếp tục bổ sung...”


Đây là tác phẩm thứ bảy trong bộ sách Huyền thoại Việt Namcủa Dự án Văn hóa “Uống nước nhớ nguồn” sau tác phẩm đã xuất bản trước đó là: Huyền thoại Điện Biên, Huyền thoại Côn Đảo, Huyền thoại Trường Sơn; Huyền thoại Thanh niên xung phong, Huyền thoại U Minh, Huyền thoại Phú Quốc.


(Theo TT&VH)