Viết ước mơ từ đôi chân
(Baonghean) - Không thể nói và cũng không thể viết bằng đôi tay nhưng những ngón chân khẳng khiu, gầy guộc có thể đưa từng nét bút nhanh và đẹp hơn cả người bình thường. Cũng với những ngón chân ấy, em đang nỗ lực viết nên ước mơ của mình bằng cả mồ hôi và nước mắt. Câu chuyện cảm động về em Nguyễn Văn Cương ở xóm 3, Quỳnh Thuận (Quỳnh Lưu, Nghệ An).
Ông Nguyễn Công Hưng quê ở xóm 3 xã Quỳnh Thuận (Quỳnh Lưu, Nghệ An). Năm 1974 ông đi bộ đội, tham gia chiến đấu ở Sư đoàn 341A miền Đông Nam bộ. Những năm tháng trong quân ngũ, ông đã không may mang trong mình “nỗi đau da cam.” Xuất ngũ về quê, ông kết hôn với bà Lê Thị Huệ và sinh được 4 người con thì người con út Nguyễn Văn Cương bị ảnh hưởng nặng nhất. Năm lên 7, bỗng dưng Cương mắc chứng bệnh ngứa khắp người, rồi sau đó chân tay teo dần và không thể nói được nữa. Nhìn bạn bè được đi học, Cương buồn lắm, lúc nào cũng thui thủi ra đầu ngõ dùng chân quắp hòn sỏi hay hòn gạch, khi thì cái que rồi tập viết. Không phụ lòng kiên trì, say mê của em, những nét chữ cứ thế hiện dần trên đất. 12 tuổi, em bắt đầu bước vào lớp 1. Hiện nay Cương đã là học sinh của lớp 12 C6, Trường THPT Nguyễn Đức Mậu.
Ông Hưng mặc áo cho Cương.
Ngày nào Cương cũng dậy từ lúc 4 giờ sáng, mọi sinh hoạt cá nhân của em người nhà phải giúp đỡ, từ việc ăn uống tới việc mặc áo quần. Ngày còn học cấp 1, cấp 2, nhà ở gần trường nên em đi bộ, nay học xa, việc đến lớp của em đều nhờ bạn bè, người thân giúp đỡ. Và đặc biệt là cô bạn Lê Thị Trâm, học lớp 12A2 trường THPT Nguyền Đức Mậu - người đã chở Cương đi học hơn 2 năm nay bằng chính chiếc xe của mình.
Mặc dù vậy, việc học với em không bao giờ sao nhãng, chậm giờ hay nghỉ học. Trong học tập, Cương rất khó khăn để có thể vẽ hình như môn kỹ thuật công nghiệp hay môn hình học. Em không thể nói cũng không thể viết lên bảng nhưng thầy cô cũng đã quen với việc xử lý tình huống sư phạm đặc biệt này. Đó là ra riêng cho Cương một đề trong giờ kiểm tra, chủ yếu là những câu hỏi lý thuyết. Với bài kiểm tra miệng, Cương chỉ việc ngồi tại chỗ viết ra giấy câu trả lời của em, còn thầy cô đứng bên cạnh theo dõi đáp án. Cương đam mê học vi tính, làm thơ và đá kiện rất giỏi. Em ước mơ sau khi học xong lớp 12 được theo học ngành công nghệ thông tin.
Cương đen và gầy, người nhỏ thó, hai cánh tay em co quắp trước ngực, không thể cầm nắm vật gì, dù rất nhỏ. Đôi bàn chân khẳng khiu nhưng dẻo dai, viết chữ rất nhanh và đẹp. Nói chuyện với chúng tôi, em chỉ có thể biểu hiện bằng nét mặt hoặc lắc, gật đầu.
Cương học bài ở nhà.
Tâm sự với chúng tôi về ước mơ của mình, bàn chân Cương run run khi viết dòng chữ: “Cảm ơn em Lê Thị Trâm đã chở anh đi học, cảm ơn cha mẹ, thầy cô và các bạn đã giúp đỡ Cương vượt qua mọi khó khăn. Cương sẽ cố gắng học tập để trở thành người tàn nhưng không phế!”.
Hiện nay, ngoài các khoản trợ cấp do là nạn nhân chất độc da cam, chế độ thương bệnh binh của bố, tất cả đều trông chờ vào mấy sào ruộng khoán, vì thế, gia đình Cương đang gặp rất nhiều khó khăn.
Nguyễn Thị Hòe