Ngày thứ 7 vì dân
Ngày 11/9/2010, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 70/2010 quy định làm việc vào ngày thứ 7 hàng tuần (trừ các ngày lễ, tết, ngày nghỉ khác theo quy định) để tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính tại 6 cơ quan cấp tỉnh, 15 đơn vị cấp huyện và 199 đơn vị cấp xã. Đây là một bước cải cách hành chính nhà nước hướng tới mục tiêu xây dựng nền hành chính vì dân. Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn một số băn khoăn, trăn trở....
Là một trong các địa phương có dân số khá đông (khoảng 12 nghìn người) nên khi có Quyết định 70, UBND xã Vân Diên (Nam Đàn) đã triển khai ngày làm việc thứ 7 để tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân. Do công tác tuyên truyền được thực hiện tốt qua hệ thống loa truyền thanh và lồng ghép trong các cuộc họp đoàn thể, khối xóm nên rất nhiều người dân nắm được chủ trương này và chủ động đến UBND xã vào ngày thứ 7 để giải quyết các giấy tờ liên quan đến thủ tục hành chính. Đông nhất vẫn là chứng thực hồ sơ liên quan đến đất đai, công chứng các loại giấy tờ bản sao liên quan đến hồ sơ đi học cao đẳng, đại học và xuất khẩu lao động (1 năm trung bình xã phải chứng thực khoảng 160-170 hồ sơ). Ông Nguyễn Văn Chiến- cán bộ văn phòng phụ trách bộ phận một cửa cho biết: "Triển khai làm việc vào ngày thứ 7 tạo thuận lợi cho người dân, tránh được cảnh chen lấn, chờ đợi mất thời gian, đồng thời giảm áp lực công việc cho đội ngũ cán bộ công chức." Ngoài xã Vân Diên, hiện trên địa bàn huyện Nam Đàn có 6 địa phương khác cũng đăng ký làm việc ngày thứ 7 là: Thị Trấn, Khánh Sơn, Nam Giang, Nam Kim, Kim Liên và Hùng Tiến.
Bộ phận một cửa Văn phòng UBND tỉnh trong ngày thứ 7
Đối với nhiều cơ quan, đơn vị cấp tỉnh như Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở GTVT), Ban Quản lý khu kinh tế Đông Nam, "Ngày thứ 7 vì dân" không chỉ là trách nhiệm mà còn để giảm bớt áp lực công việc trong tuần. Là cơ quan đầu não tham mưu cho UBND tỉnh trong công tác quản lý, điều hành, khối lượng công việc phải giải quyết hàng tuần rất lớn nên với cán bộ, công chức Văn phòng UBND tỉnh, chuyện đến cơ quan làm việc vào các ngày thứ 7, chủ nhật đã trở nên rất bình thường. Ông Võ Hồng Dương- Phó chánh Văn phòng UBND tỉnh cho biết: Mặc dù số lượng khách hàng đến giao dịch vào ngày thứ 7 ít hơn ngày thường nhưng thường là các hồ sơ có tính chất cần thiết từ các sở, ban, ngành chuyển đến. Vì vậy, trong ngày thứ 7, Văn phòng UBND tỉnh đã bố trí các bộ phận liên quan một cách hợp lý và khoa học. Tất cả các công đoạn đều được quản lý và hiển thị rõ trên hệ thống máy tính của cơ quan qua phần mềm quản lý văn bản và điều hành. Mỗi khâu, mỗi công đoạn xử lý đều thể hiện rõ về thời gian, tiến độ, tình trạng xử lý. Với cách làm này, hầu như tất cả các hồ sơ đều được giải quyết nhanh gọn, đúng thời gian quy định. Theo thống kê, có đến 97% số hồ sơ được trả đúng và trước thời gian quy định, không gây phiền hà cho khách hàng đến giao dịch.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu tại một số đơn vị phường, xã thì có vẻ như người dân vẫn chưa quen làm việc vào ngày thứ 7. Ông Mai Ngọc Lương - Phó Chủ tịch UBND phường Trường Thi cho biết: Mặc dù quy định mới đã được thông báo rộng rãi trên loa, đài phường và trong các cuộc họp tổ dân phố, nhưng người dân đến làm thủ tục vào thứ bảy vẫn ít hơn nhiều so với bình thường. Ngoài ra, vì rất nhiều lí do như: không có kinh phí làm thêm giờ, chưa bố trí được cán bộ, áp lực công việc không nhiều.... nên, một số phường, xã trong diện làm việc vào ngày thứ 7 nhưng chưa triển khai thực hiện hoặc thực hiện theo mùa vụ (như làm thủ tục hồ sơ cho con em học đại học hoặc xuất khẩu lao động...).
Sở Thông tin truyền thông là một trong 6 cơ quan cấp tỉnh đăng ký làm việc vào ngày thứ 7, nhưng mới đây đơn vị này đã làm tờ trình gửi Sở Nội vụ đề nghị rút khỏi danh sách với lí do " không cần thiết vì văn bản hành chính cần giải quyết không nhiều". Cái khó nhất hiện nay vẫn là vấn đề bố trí nghỉ bù và kinh phí trả tiền làm thêm giờ cho cán bộ công chức làm việc vào ngày thứ 7. Theo qui định, thời gian làm việc ngày thứ 7 cũng như ngày làm việc bình thường khác; cán bộ, công chức làm việc vào ngày thứ 7 sẽ được bố trí nghỉ vào ngày khác, bảo đảm làm việc 40 giờ trong tuần theo đúng qui định. Tuy nhiên trên thực tế, do đặc thù, tính chất công việc, các đơn vị không thể bố trí cho cán bộ công chức nghỉ bù.
Ông Nguyễn Quang Trạch- Chánh văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh cho biết: Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, trường hợp cán bộ, công chức làm việc đủ 40 giờ theo quy định và làm thêm ngày thứ 7 mà không được nghỉ bù (hoặc có được bố trí nghỉ bù nhưng có số giờ được nghỉ bù không đủ số giờ đã làm thêm vào ngày thứ 7) thì tiền lương làm thêm ngày thứ 7 được xác định là: Tiền lương làm thêm giờ = Tiền lương giờ x 200% (hoặc 300%) x Số giờ thực tế làm thêm. Trường hợp cán bộ, công chức làm việc đủ 40 giờ theo quy định, làm thêm vào ngày thứ 7 và được bố trí nghỉ bù vào ngày khác trong tuần thì tiền lương làm thêm giờ cũng được xác định theo công thức trên nhưng sẽ áp dụng mức 100% đối với giờ làm thêm vào ngày thứ 7 thông thường; mức 200% áp dụng đối với giờ làm thêm vào ngày thứ 7 trùng với ngày lễ.
Thế nhưng, hiện nay, hầu như các đơn vị đang phải tự cân đối trong nguồn ngân sách để hỗ trợ theo tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Một số địa phương, đặc biệt là các đơn vị cấp xã, ngân sách hạn hẹp nên chế độ cho cán bộ, công chức làm việc ngày thứ 7 chủ yếu cân đối trong nguồn thu từ bộ phận một cửa. Tuy thế, cán bộ công chức nhất là ở các xã, phường vùng nông thôn, miền núi vẫn đảm nhiệm tốt công việc tiếp dân trong ngày thứ 7. Ông Võ Đình Văn- Trưởng phòng Cải cách hành chính Sở Nội Vụ cũng khẳng định: Quyết định 70 được thực hiện hoàn toàn trên cơ sở đăng kí tự nguyện dựa trên tính chất, nhu cầu của các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước và nhu cầu thực tế của công dân. Để triển khai tốt "Ngày thứ 7 vì dân", hiện nay một số địa phương kiến nghị cần có nguồn kinh phí phân khai và có văn bản hướng dẫn cụ thể việc chi trả tiền làm thêm giờ vào ngày thứ 7 đảm bảo quyền lợi cho cán bộ, công chức; xem xét bố trí làm việc thứ 7 hợp lý, khoa học tuỳ theo tình hình, tính chất, khối lượng công việc của từng cơ quan, đơn vị và nhu cầu thực tế của công dân để tránh lãng phí về thời gian, nhân lực, kinh phí; đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân nắm bắt và chủ động hơn, tránh tình trạng lúc thì " quá tải" hồ sơ ngày thường khi lại thưa thớt, vắng khách tại các bộ phận giao dịch, giải quyết các thủ tục hành chính trong ngày thứ 7.
Khánh Ly- Mỹ Hà