Biển Đông: Đường tới Công lý

07/07/2011 10:07

Mục đích cao nhất của quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông là đạt được Công lý. Đây là quá trình gian nan vất vả, vì kẻ mạnh luôn có xu hướng áp đặt, chèn ép và từ chối Công lý. Nhưng lịch sử đã chứng minh, Công lý hoàn toàn có thể đạt được, nếu có lòng quả cảm và chiến lược đấu tranh đúng.

Gần đây, một nhóm các nhà nghiên cứu về tranh chấp Biển Đông đã đưa ra chiến lược 3C: Công khai - Công luận - Công pháp[1], và cho rằng: Nếu chúng ta triển khai tốt chiến lược 3C này thì không chỉ giúp Việt Nam mà tất cả các nước đều được hỗ trợ trên con đường đấu tranh cho công lý. Trên thực tế, chiến lược 3C đã hoạt động tương đối hiệu quả.

Bên cạnh chiến lược 3C như đã nêu, trong quá trình hoàn thiện chiến lược đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, công thức 4K: Kiên định - Kiên quyết - Kiên cường - Kiên trì và nguyên tắc 4T: Thực tiễn - Thực dụng - Thực thi - Thực lực đã lần lượt ra đời[2].

Công thức 4K được xây dựng nhằm định hướng cho mỗi cá nhân sao cho có thể phản ứng nhanh, chính xác và hiệu quả nhất có thể trước mỗi diễn biến; đồng thời giúp mỗi người thêm bền gan vững chí trong sự nghiệp trường kỳ này.

Tương tự, nguyên tắc 4T được xây dựng với mục đích sử dụng làm phương châm hành động, giúp cho quá trình đấu tranh đạt được hiệu quả cao nhất, tối ưu nhất.

Tuy các công thức 3C, 4K và 4T ra đời trong các hoàn cảnh khác nhau, nhưng đều hướng về cùng một mục đích bảo vệ chủ quyền biển đảo, nên bổ sung cho nhau một cách tự nhiên. Chẳng hạn: Một trong những chiến lược của đấu tranh bảo vệ chủ quyền diễn giải trong 3C là công khai tình trạng tranh chấp Biển Đông, công khai lập trường của mỗi bên: Việt Nam các nước ASEAN có xu hướng giải quyết tranh chấp qua đàm phám đa phương, nhưng Trung Quốc, với sức mạnh áp đảo, lại chủ trương đàm phán song phương. Cho nên, nếu không có định hướng tinh thần của công thức 4K, chiến lược công khai hóa tranh chấp sẽ thất bại trước sức ép của Trung Quốc. Tình hình cũng xảy ra tương tự với việc sử dụng Công luận, Công pháp để giải quyết tranh chấp. Nếu không kiên định - kiên quyết - kiên cường - kiên trì thì những chiến lược này sẽ có thể bị thất bại, hoặc không đạt được hiệu quả như mong đợi.

Cũng giống như công thức 4K, nguyên tắc 4T cũng bổ sung đắc lực cho chiến lược 3C. Nếu không có cái nhìn thực tế, không có phương pháp thực dụng trọng hiệu quả, không thực thi chính sách mà chỉ dừng lại ở lời nói, và không có thực lực để triển khai thì chiến lược sử dụng công khai - công luận - công pháp để đấu tranh cũng không đạt được kết quả như mong đợi.

Công thức 4K và nguyên tắc 4T cũng bổ sung hỗ trợ qua lại cho nhau đắc lực. Tinh thần bám sát thực tiễn, lựa chọn thực dụng, thực thi chính sách, xây dựng thực lực rất cần sự hỗ trợ của 4K: kiên định - kiên quyết - kiên cường - kiên trì. Ngược lại, những cập nhật từ phân tích diễn biến thực tế, những tổng kết từ hành động đấu tranh cụ thể trên các mặt trận, cả trực tiếp và gián tiếp, sẽ điều chỉnh 4K một cách tương ứng để tránh rơi vào cực đoan, áp đặt độc đoán.

Chiến lược 3C với nội dung công khai - công luận - công pháp, đến lượt nó lại bổ sung cho công thức 4K và nguyên tắc 4T, tạo cơ sở về sức mạnh của sự đồng thuận toàn dân; đồng thuận trong nước và quốc tế; gia cố nền tảng chính nghĩa của cuộc đấu tranh và đưa nó vượt ra khỏi phạm vi trách nhiệm của một nhóm chuyên gia và quân đội để đến với toàn dân Việt Nam và nhân dân thế giới; thúc đẩy sự cộng hưởng giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại.

Đó là sự bổ sung hiển nhiên giữa 4K, 3C và 4T khi xem xét ở bề nổi. Nhưng khi xem xét sâu sa hơn, chúng không chỉ bổ sung cho nhau mà còn thống nhất với nhau ở cấu trúc nội tại: 4K có tác dụng mạnh ở vùng tư duy, tâm trí; 4T có tác dụng mạnh ở vùng lựa chọn, hành động; 3C tác dụng mạnh ở vùng giao tế, truyền thông.

Do đó, nếu xét với một cá nhân thì 4K, 3C, 4T lần lượt tác động vào suy nghĩ, lời nói và hành động của cá nhân đó. Sự kết hợp của 4K, 3C và 4T khi đó, về thực chất là sự phối hợp tổng thể của suy nghĩ, lời nói và hành động trong mỗi cá nhân. Công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo, dù khó khăn phức tạp đến mấy thì cũng đều được thực hiện bởi những công dân yêu nước và có trách nhiệm với sự tồn vong của dân tộc, nên sự thống nhất của 4K, 3C và 4T trong mỗi công dân - rộng hơn là sự thống nhất trong cả dân tộc - cho thấy về bản chất, chúng thống nhất về cấu trúc nội tại không thể tách rời.

Như vậy, trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, sự kết hợp của 4K, 3C và 4T trong mỗi cá nhân có thể được diễn giải ngắn gọn như sau:
· Suy nghĩ, lập trường phải có các phẩm chất: Kiên định - Kiên quyết - Kiên cường - Kiên trì.
· Giao tế, truyền thông phải hướng đến các tiêu chí: Công khai - Công luận - Công pháp.
· Hành động, lựa chọn phải căn cứ trên các nguyên tắc: Thực tiễn - Thực dụng - Thực thi - Thực lực.

Sự kết hợp của 4K, 3C và 4T trong mỗi công dân sẽ dẫn đến sự kết hợp tương tự trong cả cộng đồng, thể hiện qua các đường lối chính sách về biển đảo; sự đấu tranh trên các mặt trận ngoại giao, pháp lý, truyền thông; sự đấu tranh trên các mặt trận kinh tế, quân sự, chính trị...Khi đó, cả dân tộc cùng hướng đến việc bảo vệ chủ quyền biển đảo, với sự cộng hưởng của cộng đồng quốc tế do tính chính nghĩa của cuộc đấu tranh mang lại, thì sự nghiệp này sẽ không có lý do gì để thất bại, tức mục tiêu mang lại Công lý cho Biển Đông sẽ đạt được.

Do đó, có thể kết luận: Với công cuộc bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông, nếu phối hợp hiệu quả các chiến lược 4K, 3C và 4T, ta sẽ đạt được Công lý. Nói ngắn gọn: 4K+3C+4T=Công lý cho Biển Đông.

Khi Công lý cho Biển Đông đã đạt được thì Hòa bình cho Biển Đông cũng theo đó mà được xác lập. Mong ước Hòa bình và Công lý cho Biển Đông sẽ không còn xa vời nữa, vì đường đi đã có.

Đường đi đã có, nên không còn sợ nữa[3]. Đường đi đã có, chỉ chờ người dấn bước.

Tác giả cảm ơn Nguyễn Hồng Thao, Trần Văn Thùy đã đọc và góp ý cho bản thảo.
_____________

[1] Trong chiến lược 3 C: Công khai có nghĩa là công khai lập trường của các bên, công khai những sự kiện diễn biến xảy ra trên Biển Đông, các tài liệu pháp lý lịch sử. Nói cách khác là công khai thực trạng tranh chấp trên Biển Đông. Còn Công luận bao gồm cả dư luận trong nước, dư luận quốc tế, dư luận Trung Quốc; có được thông qua tăng cường truyền thông để cho mọi người cùng hiểu tính chất phi lý trong yêu sách "đường lưỡi bò" của Trung Quốc, sao cho dân ta, dân họ, dân các nước hiểu rõ đạo lý và chính nghĩa của Việt Nam nhằm tranh thủ sự ủng hộ của dư luận quốc tế. Còn Công pháp chính là công pháp quốc tế dùng để giải quyết tranh chấp Biển Đông, cụ thể là Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước Luật Biển 1982 của Liên Hiệp Quốc, các điều ước quốc tế và luật tập quán quốc tế có liên quan khác. Xem thêm: Báo Tiền Phong, ngày 10/6/2011.
[2] Tuần Việt Nam ngày 30/6/2011 và 4/7/2011.
[3] Ý của Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Con đã thấy đường đi, con không còn sợ nữa.


Theo Vietnamnet