Tìm giải pháp tạo việc làm cho người khuyết tật
(Baonghean) - Những năm gần đây, cơ hội việc làm cho ngườI khuyết tật (NKT) ngày càng nhiều hơn bởi sự quan tâm của tỉnh và Nhà nước thông qua các chính sách và sự ra đời của các tổ chức hội. Điều này đã phần nào giúp NKT tự vươn lên ổn định cuộc sống và hoà nhập cộng đồng. Tuy nhiên thực tế, các cơ sở đào tạo nghề cho NKT trên địa bàn tỉnh còn rất thiếu và chưa đáp ứng được nhu cầu học nghề của họ.
Anh Lê Văn Nhã, xom 6, xã Nam Anh huyện Nam Đàn ( Nghệ An) bị khuyết tật đôi chân từ khi lên 10 tuổi. Hơn 20 năm nay, cuộc sống của anh phải gắn chặt với chiếc xe lăn. Không muốn là gánh nặng của gia đình, anh đã mạnh dạn đăng ký đi học nghề sửa chữa điện tử tại một cơ sở dạy nghề ở TP Vinh. Sau 5 tháng đào tạo, trở về, anh đã trở thành một thợ sửa chữa đồ điện tử ngay tại xóm 6. Điều quan trọng là với công việc vừa được học, anh đã tìm thấy niềm vui vì trở thành một người có ích, có thể tự kiếm tiền nuôi sống bản thân và gia đình.
Anh Nhã là một trong 2 trường hợp ở xã Nam Anh được đào tạo nghề qua trường lớp chính thức. Trong tổng số 53 người khuyết tật ( NKT) toàn xã, hiện có khoảng 50% trong số đó có khả năng làm việc tuỳ theo sức khoẻ, khả năng của bản thân nhưng nhiều người lại đang loay hoay không tìm được công việc phù hợp. Một trong những nguyên nhân dễ nhận thấy là do đa số NKT không được tư vấn hướng nghiệp và không được đào tạo nghề chính quy. Vì vậy họ không biết mình có thể làm tốt việc gì và không có tay nghề vững vàng ở một lĩnh vực nào cả do đó, cơ hội tìm việc làm phù hợp của họ bị hạn chế.
Thực trạng học nghề, được làm việc phù hợp với sức khoẻ, khả năng của những NKT xã Nam Anh cũng là thực trạng chung của NKT toàn tỉnh. Đây cũng là vấn đề nan giải đang đặt ra cho các cấp, hội liên quan cũng như ngành lao động thương binh xã hội hiện nay. Hiện Nghệ An có 203 nghìn NKT, trong đó có 30- 40% trong số đó có nhu cầu học nghề và mong muốn tìm được việc làm phù hợp với sức khoẻ và năng lực bản thân. Tức là khoảng 70 nghìn NKT muốn vươn lên sống có ích cho xã hội. Trong khi đó hiện nay toàn tỉnh chí có 1 cơ sở duy nhất chuyên đào tạo nghề cho NKT đó là Trung tâm dạy nghề người tàn tật Nghệ An, mỗi năm giáo dục và dạy nghề cho 200- 250 người. Con số này là quá thấp so với nhu cầu thực tế toàn tỉnh hiện nay.
Trước thực trạng này, Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Nghệ An đang tiến hành khảo sát và đề ra những phương án cụ thể. Ông Nguyễn Hải Thanh- Chủ tịch Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Nghệ An cho biết: Phương châm của chúng tôi là cho người khuyết tật chiếc cần câu để họ tự nuôi sống bản thân. Chúng tôi đang điều tra khảo sát trên địa bàn toàn tỉnh nhu cầu học nghề của NKT và lập đề án kêu gọi đầu tư xây dựng trường dạy nghề và làm nghề cho NKT
Nghệ An là một trong những tỉnh có số lượng NKT nhiều nhất cả nước, nhưng lại chưa có một trung tâm dạy nghề khuyết tật có quy mô và được đầu tư theo đúng nghĩa cả về cơ sở vật chất lẫn những chính sách đãi ngộ dành cho họ. Vì vậy, việc đào tạo nghề và cơ hội việc làm cho NKT đang phụ thuộc rất nhiều vào cách nhìn mới, phương pháp mới và sự giúp đỡ nhiều hơn nữa từ các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể và sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của bản thân NKT.
Thu Hương