Quế Phong thắt chặt quản lý các hoạt động khai thác khoáng sản

12/06/2011 17:36

(Baonghean) - Trong thời gian qua, tình hình khai thác khoáng sản trái phép, sai quy trình, trên địa bàn huyện Quế Phong diễn ra khá phức tạp, khiến cho nguy cơ xẩy ra tai nạn tăng lên, gây sạt lở bờ sông khi mùa mưa lũ về, gây ô nhiễm nguồn nước, và đặc biệt làm mất ổn định an ninh trật tự...

Trước tình hình đó, UBND huyện Quế Phong đã có Chỉ thị số 09/2011/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến và kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng trên địa bàn huyện. Chỉ thị nêu rõ việc giao cho Phòng TN&MT hướng dẫn các tổ chức, cá nhân lập hồ sơ cấp phép thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng đúng theo quy định của pháp luật. Phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra, giám sát, xử lý các sai phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản, đồng thời tổ chức phổ biến các quy định của pháp luật về khoáng sản cho người dân.

Máy khai thác vàng ở Quế Phong bị lực lượng chức năng đình chỉ.

Ông Nguyễn Quốc Lâm - Trưởng phòng TN-MT huyện Quế Phong cho biết: Đối với các đơn vị, cá nhân thăm dò, khai thác, chế biến và kinh doanh vật liệu xây dựng chỉ được tiến hành thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng khi đã thực hiện đầy đủ các quy định, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, môi trường sinh thái nơi hoạt động và tuân thủ các quy trình khai thác, bảo hộ lao động... Khai thác, chế biến theo đúng thiết kế mỏ đã được thẩm định, phê duyệt, phải thực hiện nghiêm túc việc đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường khi hết hạn khai thác...

4 tháng đầu năm 2011, UBND huyện Quế Phong đã thành lập 5 đoàn kiểm tra liên ngành xử lý các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép tại các xã Cắm Muộn, Quang Phong, Tri Lễ... Lập biên bản xử phạt hành chính, tịch thu và tiêu huỷ thiết bị của 2 tổ hợp khai thác khoáng sản trái phép với tổng số tiền 40 triệu đồng, đối với ông Vũ Văn Đại (trú tại xã Nghĩa Yên, Nghĩa Đàn) vì hành vi thăm dò vàng trái phép tại bản Ná Quỳa, xã Cắm Muộn; ông Nguyễn Đình Thuật (trú tại xã Trung Đông, Trực Ninh, Nam Định) vì hành vi thăm dò vàng trái phép tại bản Huỗi Chớ Lông, xã Quang Phong.

Chỉ thị số 09/2011 mà UBND huyện Quế Phong đã ban hành có nêu rõ: các cá nhân, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản phải tuân thủ theo quy định tuyển dụng, hợp đồng lao động, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hộ lao động và các quy định về an toàn, vệ sinh lao động. Phải tích cực áp dụng công nghệ khai thác, chế biến tiên tiến, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, không phải lúc nào hoạt động này cũng được cá nhân, đơn vị chấp hành một cách nghiêm túc.

Ngoài nguyên nhân chủ quan từ phía các cá nhân, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản, còn có nguyên nhân khách quan từ phía các đơn vị cấp phép. Vai trò của UBND huyện trong việc cấp giấy phép hoạt động khoáng sản còn hạn chế, không có quyền quyết định trong việc cấp mỏ, vì thế sẽ bị động trong việc kiểm tra, xử lý, và thậm chí là phải gánh chịu mọi hậu quả về môi trường.

Hơn nữa, các thủ tục cần thiết để được cấp mỏ chưa thực sự chặt chẽ, việc ký quỹ phục hồi môi trường không được tiến hành trước khi được cấp mỏ. Điều này dẫn tới việc các đơn vị thường không chấp hành trong quá trình khai thác, thậm chí khai thác xong không trả lại nguyên trạng mặt bằng, gây xói lở, tắc nghẽn dòng chảy...

Cùng với đó, quá trình thẩm định năng lực của các đơn vị trước khi cấp mỏ không được chú trọng, nên phương tiện, thiết bị khai thác mỏ thường lạc hậu, không đảm bảo an toàn lao động, ảnh hưởng đến môi trường. Một số đơn vị đã được cấp phép lại chuyển nhượng cho đơn vị khác, khiến cho công tác quản lý gặp khó khăn và thất thoát về thuế.

Để lập lại trật tự các hoạt động khoáng sản, huyện Quế Phong tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, thắt chặt công tác quản lý, tuyên truyền phổ biến một cách mạnh mẽ hơn nữa các văn bản Luật, Nghị định về khoáng sản, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm.


Đặng Nguyễn