Quy định mới về xử lý kỷ luật cán bộ công chức vi phạm

14/07/2011 08:55

Ngày 17/5/2011, Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 34/2001-NĐ-CP quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức. Nghị định bao gồm 26 điều với một số điểm mới quan trọng so với Nghị định số 35/2005/NĐ-CP trước đây. Chúng tôi xin giới thiệu để bạn đọc tham khảo.


Trước hết, phần các quy định chung, ngoài phạm vi đối tượng áp dụng được nêu đầu tiên, Nghị định mới đưa nguyên tắc xử lý kỷ luật lên đầu tiên; phần các hành vi bị xử lý kỷ luật bổ sung vi phạm các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bình đẳng giới; phòng, chống mại dâm...; không đưa quy định giải quyết khiếu nại, khởi kiện của công chức khi không đồng ý với quyết định giải quyết của cấp trên vào phần này.


+ Thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật: trước đây thời hiệu xử lý kỷ luật chỉ từ 3 tháng hoặc kéo dài đến 6 tháng nếu vụ việc có tình tiết phức tạp thì nay theo Nghị định mới nâng lên 24 tháng (điều 6); bổ sung, quy định rõ thời hạn xử lý kỷ luật tối đa là 2 tháng (trước đây chưa có)....


+ Áp dụng hình thức kỷ luật: nếu như trước đây chỉ áp dụng 6 hình thức chung cho cán bộ, công chức thì Nghị định mới cũng nêu 2 loại hình thức áp dụng: đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý bị hình thức kỷ luật là khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, buộc thôi việc và áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý là khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc.


+ Các quy định liên quan khi xem xét xử lý kỷ luật: nếu như trước đây quy định về hình thức tạm đình chỉ công tác đối với công chức từ 15 ngày đến 3 tháng (thời gian này công chức được hưởng 50% tiền lương và các khoản phụ cấp nếu có) được lẫn trong phần quy định về hình thức và thời hiệu kỷ luật thì nay được đưa vào phần các quy định liên quan; Nghị định mới cũng bãi bỏ phần quy định thẩm quyền xử lý kỷ luật trong cơ quan hành chính Nhà nước và các đơn vị sự nghiệp Nhà nước.


+ Quy định về chấm dứt hiệu lực của quyết định kỷ luật: nếu như trước đây, Chính phủ quy định sau 12 tháng kể từ ngày có quyết định kỷ luật thì nay Chính phủ chỉ quy định sau 12 tháng có quyết định kỷ luật buộc thôi việc có hiệu lực, công chức bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc được quyền đăng lý dự tuyển vào các cơ quan, đơn vị, tổ chức của Nhà nước; nếu công chức bị xử lý buộc thôi việc do tham nhũng, tham ô hoặc vi phạm đạo đức công vụ thì không được đăng ký dự tuyển vào các cơ quan hoặc vị trí công tác có liên quan đến nhiệm vụ, công vụ đã đảm nhiệm trong thời gian có hành vi vi phạm pháp luật.


Nghị định này thay thế Nghị định số 35/2005/NĐ-CP; Nghị định số 103/2007; Nghị định số 107/2006/NĐ-CP và có hiệu lực thi hành từ 5/7/2011.


Nguyễn Hải