Các loại tài nguyên trên Biển Đông

18/07/2011 15:08

Ngoài vị trí đặc biệt quan trọng trong giao thương hàng hải quốc tế như đã nêu ở kỳ trước, Biển Đông nước ta còn được đánh giá là biển giàu về tài nguyên.

+ Về tài nguyên biển: với một vùng biển trải dài qua 16 vĩ tuyến, biển nước ta được đánh giá có mức độ đa dạng sinh học cao. Vùng biển Việt Nam theo truyền thống quản lý được chia thành vùng ven biển (vùng biển có độ sâu 30 m nước trở vào đối với vùng Vịnh Bắc bộ, Đông và Tây Nam bộ và 50 m nước đối với vùng biển miền Trung) và vùng biển xa bờ.


+ Tài nguyên sinh vật: biển nước ta nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, khu hệ cá biển thuộc hệ động vật Ấn Độ -Tây Thái Bình Dương nên cá biển nước ta rất đa dạng, phong phú về thành phần loài và còn có những đặc trưng của cá biển nhiệt đới, chủ yếu chiều dài dưới 200 mm, chu kỳ sống tương đối ngắn. Đến nay đã xác định được khoảng trên 2.000 loài cá, trong đó có khoảng 100 loài có giá trị kinh tế cao.


+ Tài nguyên thực vật: biển nước ta cũng giàu tài nguyên thực vật, nhất là về cỏ biển và rừng ngập mặn, rừng ngập mặn chiếm khoảng 150 ngàn ha dọc theo bờ biển, kèm theo đó là các cửa sông có ý nghĩa sinh thái đặc biệt.


+ Tài nguyên khoáng sản: Biển Đông rất phong phú về tài nguyên khoáng sản, trong đó dầu khí đã trở thành một ngành công nghiệp mũi nhọn nước ta. Tổng trữ lượng sự báo địa chất về dầu khí của toàn thềm lục địa Việt Nam xấp xỉ 10 tỷ tấn dầu quy đổi, trữ lượng khai thác khoảng 2 tỷ tấn, đến năm 2007 nước ta đã có 57 hợp đồng thăm dò khai thác dầu khí với nhiều hình thức. Ngoài dầu khí còn có tài nguyên khác như than, quặng sắt, titan, đá hoa cương, tài nguyên muối.


+ Tài nguyên du lịch: biển và vùng ven biển nước ta là địa bàn chiến lược quan trọng đối với phát triển du lịch, cùng với các vịnh biển nổi tiếng thế giới là các di sản thiên nhiên thế giới, Vườn quốc gia, khu dự trữ sinh quyển, bãi tắm đẹp tạo nên tiềm năng rất lớn về du lịch và giải quyết công ăn việc làm.


+ Tài nguyên giao thông vận tải biển: với bờ biển dài, địa hình đa dạng bao gồm 90 cảng lớn do trung ương và các địa phương quản lý (chưa kể các cảng cá), tổng công suất thông qua cảng là 35 triệu tấn/năm và có thể xây dựng một hệ thống 3 cảng biển nối tiếp nhau với tổng công suất trên 500 triệu tấn/năm.


Phòng bạn đọc (St- Gt)