Bài 1: Du lịch - Mới chỉ có "gạo ngon và cơm trắng"

16/08/2011 11:15

Để xây dựng, bồi đắp nền văn hóa đô thị mới có bản sắc, xứng tầm với đô thị trung tâm Bắc Trung bộ trong tương lai, năm 2004, Thành ủy Vinh ban hành Nghị quyết 06. Nghị quyết đề cập đến nhiều lĩnh vực trong đó có nội dung xây dựng môi trường văn hóa du lịch (được hiểu là các nhân tố về văn hóa và nhân văn để hoạt động du lịch tồn tại và phát triển), tạo động lực cho việc xây dựng Vinh trở thành thành phố du lịch và dịch vụ của tỉnh Nghệ An.

Vinh đã sớm hình thành nên những giá trị của văn hóa đô thị: năm 1788 vùng đất Yên Trường có "Hình thế rộng rãi, khí tượng tươi sáng” được Hoàng Đế Quang Trung chọn và trở thành Phượng Hoàng Trung Đô, nhưng tiếc thay sự nghiệp nhà Tây Sơn quá ngắn ngủi. Từ đời vuaGia Long đến các đời vua Tự Đức, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định, Thành Nghệ An được coi trọng và ngày một mở rộng. Từ năm 1898 đến 1917, tại đây 3 thị xã Vinh, Bến Thủy, Trường Thi lần lượt ra đời và đến năm 1927, 3 thị xã này được hợp nhất trở thành Thành phố Vinh – Bến Thủy. Lúc này, Thành phố Vinh là đô thị công nghiệp vào loại lớn trong cả nước, thành phố của thợ thuyền với hàng vạn công nhân.
Năm 1945, Vinh trở thành thị xã của tỉnh lỵ Nghệ An và đến năm 1963, Thành phố Vinh là một trong 5 thành phố công nghiệp lớn nhất của miền Bắc. Năm 1993, Vinh được công nhận là Đô thị loại II và đến năm 2008 được công nhận là Đô thị loại I trực thuộc tỉnh Nghệ An.

Sau 5 năm triển khai, Nghị quyết 06 đã được phổ biến trong tất cả các ngành, đoàn thể và 25/25 phường xã. Ông Bùi Nam Hậu, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin UBND Thành phố Vinh, cho biết: Nghị quyết bước đầu đã tác động vào nhận thức đảng viên và nhân dân về ý thức xây dựng phát triển văn hóa, nếp sống đô thị, xuất hiện mô hình mới của Vinh là mô hình ngõ phố văn minh - nơi cộng đồng ở đô thị gắn bó với nhau nhiều nhất, giải quyết được vấn đề vệ sinh trong ngõ, phòng tránh tệ nạn xã hội, đặc biệt đoàn kết láng giềng. Thiết chế các cơ sở văn hóa, khối phố văn hóa, chất lượng gia đình văn hóa thể thao được nâng lên, một số thiết chế văn hóa thể thao, công trình văn hóa được tiến hành...


Phải nói rằng phạm vi đề cập của Nghị quyết 06 cũng như khối lượng yêu cầu là rất lớn và trải rộng, nhưng trong chương trình hành động lại chưa có các đề án cụ thể cho từng lĩnh vực cũng như các công trình văn hóa lớn. Thế nên, những kết quả đạt được chưa có bền vững: ở các ngõ, khối xóm, xã, phường, cơ quan đâu đâu cũng rộ lên phong trào xây dựng, phấn đấu đạt đơn vị văn hóa - các quy chế văn hóa vội vã ra đời, công trình, thiết chế chạy đua mọc lên; các trường hợp tệ nạn xã hội, sinh con thứ 3 được hạn chế trong những năm phấn đấu đón nhận danh hiệu, tất cả vì mục tiêu đơn vị văn hóa, gắn biển ngõ phố văn minh.



Đền thờ Vua Quang Trung trên núi Dũng Quyết (Thành phố Vinh). Ảnh: Sỹ Minh


Bởi vậy nên có chuyện tại nhiều khối xóm, cơ quan nhận danh hiệu xong, phong trào lắng lại và đi xuống: người nghiện, sinh con thứ 3 lại phát sinh, cơ sở thiết chế xuống cấp, việc cưới, việc tang tổ chức linh đình ... Tại các phường, xã, ý thức văn hóa cũng còn nhiều điều phải bàn. Một số phường xã còn cho các đơn vị doanh nghiệp thuê dài hạn các sân vận động của phường, người dân muốn vào tập luyện thể thao đều phải bỏ tiền.

Tại nhiều nơi hệ thống loa phát thanh của phường xã đã bị vô hiệu hóa bởi loại thu sóng FM thì dễ bắt nhầm sóng, nửa đêm loa phát nên bị người dân ném đá hư hỏng; loại có dây thì do nội dung phát thanh thiếu biên tập, không hấp dẫn và phát không đúng thời điểm nên cũng bị cắt dây. Hệ thống phát thanh hiện nay chỉ phát huy tác dụng ở một số khối xóm gần UBND phường, xã, thông tin truyền tải của tỉnh, thành phố không đến được quảng đại người dân. Về ý thức, nếp sống văn hóa đô thị chưa có nhiều biến chuyển, rõ nhất là chuyện người dân vẫn đổ rác thải không đúng nơi quy định; việc bán hàng rong, hàng quán lấn chiếm vỉa hè vẫn là chuyện thường ngày. Ý thức làm du lịch chưa hề xuất hiện trong nếp nghĩ của người Vinh...


Trở lại vấn đề xây dựng Vinh trở thành thành phố du lịch và dịch vụ; theo Nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa Trần Minh Siêu, nguyên Trưởng ban Di tích Văn hóa tỉnh Nghệ An thì, Vinh ở thế yết hầu trên con đường thiên lý Bắc Nam và có vị trí cực kỳ quan trọng trong con đường di sản văn hóa miền Trung. Vinh có hàm lượng đậm đặc những di sản, di tích, là: Phượng Hoàng Trung Đô, Di tích Bác Hồ về thăm quê, Chùa Cần Linh, Chùa Diệc - điểm nhấn Phật giáo, Văn miếu - điểm nhấn Khổng giáo, Thành cổ Vinh, vô số những nhà thờ dòng họ như: Trần Quý Khoáng, Nguyễn Viết Nhung, Nguyễn Viết Phú, lưu giữ nhiều kỷ niệm cán bộ cao cấp của Đảng trong thời gian hoạt động tại đây như Tổng Bí thư Trần Phú... Trong những năm gần đây, nhiều công trình văn hóa du lịch ở Vinh không ngừng được xây mới, nâng cấp, phục hồi như Quảng trường Hồ Chí Minh, Đền thờ Vua Quang Trung, tuyến đường ven Sông Lam và sắp tới là Tượng đài công nông binh Bến Thủy, Văn miếu Nghệ An. Các tuyến đường cũng được nâng cấp: vỉa hè, lòng đường, cây xanh, hệ thống điện... Vinh còn có vị trí rất đẹp khi nằm giữa khu nghỉ mát Cửa Lò và quần thể Khu di tích Kim Liên; rất tiềm năng để phát triển du lịch nhưng chưa được thức dậy. Theo ông Siêu thì không phải giá trị nào cũng được mọi người ưa thích, thành phố chưa làm cho những di tích, công trình đó trở nên hấp dẫn và có sức hút... Bởi nếu du khách đến Vinh chỉ có thể đến tham quan các di tích, về các khách sạn, nhà nghỉ là hết. Vinh chưa có các dịch vụ du lịch đi kèm cũng như các sản phẩm du lịch để níu chân du khách.


Tán đồng với ý kiến này, ông Trương Công Anh, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, ví von: Tiềm năng du lịch ở Vinh được xem như "gạo ngon", song Vinh chưa biết cách chế biến. Từ gạo có thể nấu thành cơm lam, cơm cháy, xaybột làm bánh nhưng "gạo" Vinh mới chỉ nấu được một món "cơm" mà thôi.

Ở Vinh có nhiều trung tâm thương mại hiện đại nhưng chưa hề có một sản phẩm du lịch nào khả dĩ làm quà đến người phương xa, muốn mua "quà Vinh" cũng không có và chính người địa phương cũng không biết. Theo ông Trương Công Anh thì, đặc sản cam Vinh, cà Nghi Lộc năm xưa giờ đã rất hiếm. Ông nhận định cái cần nhất mà Vinh chưa có đó là con người làm du lịch: người làm du lịch không thể có thái độ "nói như chặt trốc ếch", bán buôn thích thì mua, không thích thì mời đi nơi khác... Du lịch là ngành cần nhiều nhân lực, giải quyết được việc làm cho người lao động, giúp người dân và địa phương thoát khỏi đói nghèo. Nâng cao năng lực nhân lực sẽ giúp ngành công nghiệp du lịch nâng cao tính cạnh tranh, thu hút khách... Ông Anh vẫn lấy làm buồn khi đến thăm một di tích tại Vinh hỏi người có trách nhiệm ở đây về ý nghĩa dòng chữ tiếng Hán trước cổng mà chỉ nhận được câu trả lời là "không biết".


Theo Tiến sỹ Hồ Bá Quỳnh, Nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa gắn bó từ lâu với Thành phố Vinh thì du lịch Vinh chưa hề có các tua, tuyến cho khách, hoạt động du lịch nếu có mới chỉ là tự phát. Có 2 nguyên nhân khiến Vinh chưa là điểm sáng trên bản đồ du lịch: Thứ nhất, thiếu quảng bá, tuyên truyền du lịch, mới chỉ gói gọn trong nội bộ tỉnh "con hát, mẹ khen hay"; Thứ hai, các doanh nghiệp đầu tư vào du lịch Nghệ An nói chung và ở Thành phố Vinh đều chưa đủ tầm, chuyên nghiệp. Ông Quỳnh thổ lộ vẫn đang kỳ vọng vào đoàn doanh nghiệp Thành phố Nam Yang Ju - tỉnh Kyonggi của Hàn Quốc đến đầu tư Khu du lịch sinh thái Lâm viên núi Quyết mà chưa thấy... Bên cạnh đó, trong văn hoá du lịch, tính chuyên nghiệp, tính hợp tác giữa các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh cùng nương tựa nhau để phát triển hầu như chưa có, vẫn là mạnh ai nấy làm, khách sạn chỉ lo chuyện lưu trú, siêu thị, trung tâm thương mại chỉ lo bán buôn... chưa có sự phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, đơn vị có chức năng làm du lịch.


Thành phố Vinh có rất nhiều việc cần làm ngay nhằm xây dựng môi trường văn hóa du lịch hấp dẫn, có bản sắc, để thúc đẩy phát triển nền "công nghiệp không khói" và dịch vụ nhưng tất cả phải được tính toán, cân nhắc quy hoạch bài bản, khoa học và kỹ lưỡng.