Nguy cơ cháy nổ trong mùa nắng nóng

27/06/2011 11:05

(Baonghean) - "Nguy cơ cháy nổ luôn hiện hữu, bởi những bất cập và thiếu sót trong PCCC đang quá nhiều, kiểm tra hầu như đụng đâu sai đó. Vậy nhưng, trên thực tế, người dân, nhà quản lý lại tỏ ra thờ ơ, chủ quan với những hiểm họa tiềm tàng do cháy gây ra. Nguy cơ cháy càng cao hơn bao giờ hết, khi thời tiết nắng nóng kéo dài" -Đại tá Lê Quốc Báo, Trưởng phòng CSCC &CNCH lo lắng cho biết.

Chợ: tiểu thương chủ quan

Có mặt ở nhiều chợ trên địa bàn TP Vinh có nguy cơ cháy nổ cao như Quang Trung, Cửa Bắc, Quán Lau... chúng tôi tôi nhận thấy lộ rõ những thiếu sót trong quản lý công tác PCCC, nhất là ý thức thực hiện PCCC của các tiểu thương hầu như rất kém. Tại chợ Quang Trung, một trong những chợ lớn của thành phố có diện tích 2000m2, với hơn 600 hộ kinh doanh đủ các mặt hàng như quần áo, giày dép, đồ gia dụng, bánh kẹo, đồ khô, quần áo may sẵn, hàng mã... Các gian hàng đều được các tiểu thương cơi nới, chắp vá bằng gỗ ép, chồng chất dọc cả lối đi, nếu có cháy xảy ra sẽ rất nguy hiểm vì chợ đông người, hàng hóa cồng kềnh khó khăn cho việc thoát hiểm, chữa cháy. Bên cạnh đó, hệ thống điện, bảng điện lắp đặt không đúng qui định, hầu hết các tiểu thương đều thắp nhang thờ cúng, khiến nguy cơ cháy rất cao.

Băn khoăn về vấn đề này, 1 tiểu thương nói: “Lo cháy là chuyện của mấy ông PCCC, chứ hơi đâu, sức đâu mà mình lo cho mệt người”. Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, chợ cũng có bể chứa nước nhưng nằm khuất sau chợ và bị vây quanh bởi xe cộ.


Chợ Quang Trung có nhiều nguy cơ cháy.

Theo số liệu từ PCCC& CNCH tỉnh thì Nghệ An hiện có 354 chợ lớn nhỏ, trong đó mới chỉ có 15/ 113 chợ kiên cố và bán kiên cố đã được thẩm duyệt về PCCC, số còn lại được xây dựng từ lâu nên mặt bằng chật hẹp, hoạt động trong tình trạng quá tải, tình trạng sử dụng các nguồn nhiệt, ngọn lửa trần dưới nhiều hình thức như: bếp ga, bếp than… còn phổ biến nên hầu như các chợ được liệt vào “danh sách đen” có nguy cơ “bà hỏa” rình rập. Hiện mới chỉ có 18/113 chợ được trang bị máy bơm chữa cháy chuyên dùng. Phần lớn các chợ đang thiếu thiết bị chữa cháy thông dụng, trong khi đó nguồn nước cũng như bể nước không đáp ứng yêu cầu vì vậy nếu xảy ra cháy nổ ở chợ, công tác chữa cháy ban đầu sẽ hết sức khó khăn.

Siêu thị, KCN, cơ sở trọng điểm: kiểm tra đâu sai phạm đó

Nghệ An hiện có 22 siêu thị, trong đó riêng thành phố Vinh có 15 siêu thị. Mặc dù, các siêu thị này được xây dựng hiện đại, khang trang vậy nhưng nguy cơ xảy ra cháy ở các siêu thị lại rất cao. Hầu hết các siêu thị đều vi phạm về an toàn phòng chống cháy nổ. Nhiều siêu thị còn sử dụng nguồn điện không đảm bảo an toàn, các lối thoát hiểm trong siêu thị lại được dùng để vận chuyển hàng hóa. Đơn cử tại Siêu thị BigC gồm có 4 tầng, mỗi tầng có diện tích 4000m2, hàng hóa nhiều, đa dạng, vậy nhưng đợt kiểm tra vừa qua cho thấy còn có nhiều lỗi như: chưa lập đội PCCC, thiết bị chiếu sáng sự cố và chỉ dẫn thoát nạn chưa hoàn chỉnh; trong các tầng không có biển báo, biển cấm, thiếu các thiết bị cứu hộ, cứu nạn, nhiều hệ thống không đúng qui định, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện PCCC. Trong năm 2010, siêu thị này đã bị Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH xử phạt tới 2 lần, mỗi lần 4 triệu đồng.


Những khu nhà tầng xuống cấp, là những nơi có nguy cơ xảy ra cháy nổ cao

Cũng theo cơ quan này thì đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh có 51 KCN với tổng số 148 dự án đã đi vào hoạt động với nhiều ngành nghề khác nhau. Vậy nhưng, hệ thống PCCC tại các KCN này chưa đâu vào đâu cả. Hiện mới chỉ có duy nhất KCN Bắc Vinh là có 6 trụ nước chữa cháy, thế nhưng các trụ đều không hoạt động được (?). Hầu hết các KCN kết cấu hầu hết làm bằng nhà tôn, khu nhà xưởng liền kề nhà kho, trong đó chứa nhiều hàng hóa, vật tư dễ cháy, trong khi đó, hệ thống lưới điện bị quá tải, nguồn nước chữa cháy tại chỗ của các KCN hầu như không có, vì vậy khi xảy ra cháy rất dễ gây hậu quả khó lường. Đơn cử, 3 vụ cháy tại KKT Đông Nam xảy ra vừa qua ước tính thiệt hại lên tới 2 tỷ đồng. Nguyên nhân cháy được xác định là do chập điện.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã xảy ra 8 vụ cháy, làm bị thương 01 người, gây thiệt hại về tài sản gần 14 tỷ đồng. Ngoài ra xảy ra 31 vụ bén cháy thiệt hại không đáng kể. Cảnh sát PCCC cũng đã xử phạt 81 trường hợp vi phạm về PCCC, tổng số tiền phạt là 258.1 triệu đồng.
Không những vậy, tại các khu trọng điểm như khu vực nhà chung cư, nhà nhiều tầng cũng đang tiềm ẩn nguy cơ cháy và có khả năng cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng. Đại tá Lê Quốc Báo - Trưởng phòng PCCC &CNCH tỉnh Nghệ An cho biết, mặc dù chúng tôi ráo riết kiểm tra, thậm chí là xử phạt vậy nhưng trên thực tế nhiều khu nhà tầng cũ xây dựng từ lâu nên các tiêu chuẩn, qui định về PCCC không được thực hiện đầy đủ. Thậm chí, khá nhiều các khu chung cư, nhà tầng mới xây dựng cũng chưa lập hồ sơ theo dõi PCCC theo qui định, chưa thực hiện chế độ kiểm tra, chế độ bảo hiểm, vi phạm về PCCC, thiếu và yếu cả nhân lực và vật lực trong PCCC... Nguyên nhân là do hiện nay một số quy định, văn bản của Nhà nước không phù hợp với thực tế cũng như sự phối kết hợp giữa các cơ quan quản lý trong quá trình phê duyêt, thiết kế, xây dựng cũng như nghiệm thu đưa vào sử dụng đối với các khu chung cư, nhà nhiều tầng chưa tốt.

“Chúng tôi lo lắng nhất trong mùa khô, nguy cơ cháy rất cao trong khi PCCC mùa này rất khó khăn bởi nhiều lý do, một trong số đó là thiếu ... nước. Theo quy định thành phố Đô thị loại 1 cứ 150 m phải có 1 trụ nước, thế nhưng toàn thành phố Vinh hiện nay mới chỉ có 150 trụ nước và rất nhiều trụ đã không còn hoạt động được" - Ông Báo nói.

Để giảm thiểu các vụ cháy xảy ra và thiệt hại do cháy gây ra vào mùa khô, theo đồng chí Lê Quốc Báo, các đơn vị cần chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra tổng thể công tác PCCC tại các khu có nguy cơ cháy cao, có giải pháp nâng cấp và xử lý khắc phục những khu vực có nguy cơ xảy ra cháy nổ, đặc biệt các nơi có cột điện, trụ điện, đường dây dẫn... Ngoài ra, cần tuyên truyền nâng cao ý thức tự giác của mỗi người dân tích cực tham gia PCCC.

Hồ Hà