Ý nghĩa của Công ước 1982 đối với quản lý và xây dựng nền kinh tế hướng ra biển của nước ta
(Baonghean) - Do điều kiện lịch sử, cho đến trước năm 1977, Việt Nam chưa tham gia đầy đủ vào quá trình xây dựng luật biển quốc tế. Tuy nhiên, điều này không ngăn cản nước ta sớm bắt nhịp với quá trình này, thông qua việc vận dụng các nội dung của Hội nghị lần thứ 3 của Liên hợp quốc về luật biển và Công ước 1982. Có thể nói Việt Nam đã tiếp thu và vận dụng sáng tạo các quy định của Công ước 1982 để mở rộng và bảo vệ các quyền lợi trên biển của mình ngay cả khi Công ước 1982 chưa có hiệu lực. Hoạt động này tập trung vào một số lĩnh vực sau:
+ Vận dụng trong hình thành quan điểm chính thống của Nhà nước về các vùng biển: quá trình tham gia Hội nghị lần thứ 3 của Liên hợp quốc về luật biển, Chính phủ ta đã có nhưng bước đi thích hợp trong việc đặt nền móng cho hệ thống pháp luật trên biển thể hiện ở Tuyên bố của Chính phủ năm 1977 về các vùng biển Việt Nam và Tuyên bố của Chính phủ Việt Nam năm 1982 về đường cơ sở. Đây là cơ sở pháp lý để chúng ta mở rộng chủ quyền và quyền tài phán trên biển, góp phần giữ vững quyền độc lập, tự chủ của đất nước.
+ Vận dụng trong xây dựng hệ thống pháp luật về biển, điều chỉnh các hoạt động trên biển: từ năm 1989, sau khi có chính sách mở cửa, Việt Nam đã có nhiều cố gắng để xây dựng hệ thống pháp luật biển đa dạng, ngày càng hoàn thiện và phù hợp với tinh thần Công ước 1982 để điều chỉnh các hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải, thủy sản, dầu khí, bảo vệ môi trường trên biển...
+ Vận dụng trong các hoạt động quản lý biển: năm 1986, nước ta đã vận dụng quy định về quyền tài phán trong vùng đặc quyền kinh tế để giải quyết việc các tổ hợp thông tin nước ngoài đặt đường cáp ngầm qua vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam mà không tham khảo ý kiến Việt Nam trước thì nay phải chấp nhận.
+ Vận dụng trong giải quyết các tranh chấp về phân định biển: tại hội nghị lần thứ 3 của Liên hợp quốc về luật biển, Việt Nam nằm trong nhóm 29 quốc gia ủng hộ nguyên tắc công bằng trong phân định biển, theo đó trong khi chờ giải pháp cuối cùng, các bên có thể thoả thuận tạm thời như: Việt Nam thoả thuận khai thác chung với Malaixia năm 1992 hay vùng nước lịch sử với Campuchia năm 1982.
+ Căn cứ các quy định và thực tiễn hoạt động của Chính phủ Việt Nam trước năm 1977 thì nước ta có một vùng lãnh hải chưa thống nhất (3 hải lý ở miền Nam và 12 hải lý ở miền Bắc). Theo Công ước 1982, Việt Nam hoàn toàn có quyền có một vùng lãnh hải 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, thềm lục địa rộng ít nhất là 200 hải lý và có thể mở rộng tới 350 hải lý tính từ đường cơ sở hoặc 100 hải lý tính từ đường đẳng sâu 2.500 m, được quốc tế thừa nhận. Đây là sự thay đổi mang tính chất cơ bản về địa lý lãnh thổ, có ý nghĩa quan trọng về chủ quyền quốc gia và phát triển chiến lược biển của nước ta vì diện tích các vùng viển và thềm lục địa giàu tài nguyên mà Việt Nam được hưởng theo Công ước 1982 mở rộng gấp 3 lần diện tích lãnh thổ đất liền.
(Còn nữa)
Nguyễn Hải - St>