Triển khai cấp bách các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm

26/08/2011 11:01

(Công điện số 22/CĐ-UBND ngày 23/8/2011 của Chủ tịch UBND tỉnh)

Hiện nay, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp. Dịch cúm gia cầm đã xẩy ra tại 12 xã thuộc 04 huyện: Nghi Lộc, Diễn Châu, Hưng Nguyên và Yên Thành, số gia cầm ốm chết, buộc phải tiêu hủy là 7.913 con; dịch LMLM gia súc đã xẩy ra tại 03 xã Hưng Xuân, Hưng Lĩnh và Hưng Thông - huyện Hưng Nguyên, số trâu bò mắc bệnh là 16 con; dịch Tụ huyết trùng trâu bò xẩy ra tại các huyện miền núi: Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu và Thanh Chương, số trâu bò mắc bệnh là 137 con. Khả năng dịch bệnh gia súc, gia cầm bùng phát, lây lan trên địa bàn tỉnh là rất lớn.


Để chủ động trong công lác phòng, chống dịch, không để dịch lây lan ra diện rộng, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành liên quan thực hiện tốt một số nội dung sau:


1. Chủ tịch UBND cấp huyện:


- Chỉ đạo UBND các phường, xã, các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể của địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện dịch bệnh sớm và bảo cáo kịp thời dịch bệnh gia súc, gia cầm, đặc biệt là dịch cúm gia cầm, LMLM gia súc, Tụ huyết trùng... để xử lý nhanh, khống chế ổ dịch khi còn nhỏ lẻ.


- Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho người dân hiểu biết về tác hại, tính chất lây lan và các biện pháp phòng chống, khuyến cáo người chăn nuôi chuyển dần sang chăn nuôi an toàn sinh học để hạn chế dịch bệnh.


- Những huyện có dịch Cúm gia cầm, LMLM, Tụ huyết trùng trâu bò phải tập trung mọi nguồn lực để nhanh chóng dập tắt dịch. Thành lập các chốt kiểm dịch để kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển gia súc, gia cầm ra khỏi vùng dịch. Cấm giết mổ, buôn bán, tiêu thụ gia súc, gia cầm trong vùng dịch.


- Các địa phương chưa có dịch: Tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm ổ dịch, xử lý ổ dịch trong diện hẹp. Kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia súc, gia cầm, đặc biệt là gia súc, gia cầm xuất phát từ vùng dịch.


- Khẩn trương triển khai công tác tiêm phòng vắc xin cho gia súc, gia cầm vụ Thu năm 2011 theo đúng kế hoạch và đạt kết quả cao.


- Tổ chức, thực hiện công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi, khu vực giết mổ, buôn bán động vật, sản phẩm động vật. Đặc biệt chú trọng khâu vệ sinh cơ giới, thu gom phân rác, ủ phân, rải vôi bột, tại khu vực chăn nuôi, lối ra vào vùng dịch...


2. Sở Nông nghiệp & PTNT:


- Chủ trì phối hợp với UBND các đơn vị cấp huyện tăng cường chỉ đạo công tác phòng chống dịch Cúm gia cầm, LMLM gia súc, Tụ huyết trùng trên địa bàn tỉnh.


- Phát động tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm đợt II trên địa bàn tỉnh.


- Chỉ đạo Chi cục Thú y tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh; cung ứng kịp thời vắc xin cho các địa phương triển khai tiêm phòng đúng kế hoạch; thực hiện tốt công tác kiểm dịch, kiểm soát việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ động vật và sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của Pháp luật.


3. Sở Công thương và Công an tỉnh: Phối hợp với Sở Nông nghiệp & PTNT tăng cường công tác quản lý lưu thông, buôn bán, tiêu thụ gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm mẫn cảm với bệnh Cúm gia cầm, LMLM, Tụ huyết trùng...


4- Sở Thông tin Truyền thông, Đài PTTH tỉnh, Báo Nghệ An: Phối hợp chặt chẽ với ngành Nông nghiệp & PTNT tăng cường thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về tác hại và các biện pháp phòng, chống bệnh dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh.


5. Sở Tài chính: Chủ động bố trí nguồn kinh phí để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch; hỗ trợ người chăn nuôi có gia súc, gia cầm bị tiêu huỷ do dịch bệnh theo đúng quy định hiện hành.


6. Các thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm các cấp:


Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, triển khai khẩn cấp các biện pháp phòng, chống dịch tại các địa phương đã được Ban chỉ đạo tỉnh phân công.


Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các đơn vị cấp huyện, giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành liên quan khẩn trương thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề vướng mắc, khó khăn, báo cáo về Sở Nông nghiệp & PTNT để tổng hợp, trình UBND tỉnh giải quyết kịp thời.