Mặn mà thương hiệu Việt
LTS: Để tiếp tục hưởng ứng cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", từ tháng 9/2011, Báo Nghệ An mở chuyên mục "Tiếp sức cùng hàng Việt", trên Nhật báo và Nghệ An Điện tử.
(Baonghean) - Trên thị trường hiện nay, hàng loạt thương hiệu Việt trên các lĩnh vực hàng hóa: tiêu dùng, thực phẩm, điện tử điện lạnh...đã được người tiêu dùng biết đến và tin tưởng. Nhiều thương hiệu như: may Việt Tiến, Nhà Bè, Việt Thắng; giày dép Biti's, ViNa giày; gốm sứ Minh Long, Hải Dương; thực phẩm chế biến Vissan... đang được người tiêu dùng đón nhận nhiệt tình.
Thông qua hệ thống đại lý, Showroom lịch sự với những phong cách riêng, nhiều thương hiệu đã được người tiêu dùng đón nhận. Có thể kể đến các hệ thống cửa hàng thời trang như NinoMaxx, Blue Exchange, Foci, PT 2000, NEM, Ivy... Mặc dù kiểu dáng, mẫu mã chưa thực sự phong phú, nhưng với những mẫu thiết kế trẻ trung, độc đáo và cung cách bán hàng nhiệt tình, đóng gói sang trọng nên các thương hiệu này đang thu hút khá đông lượng khách hàng, nhất là giới trẻ. Các nhãn hàng thời trang trẻ em "Made in Việt Nam" cũng đang có chỗ đứng khá vững trên thị trường. Nhiều nhãn hàng đã xác lập được thương hiệu như Kids& Kico, A&T, Pencil... Chị Nguyễn Minh Phương, chủ đại lý phân phối sản phẩm may mặc A&T trên đường Đinh Công Tráng - TP Vinh cho biết: "Nhãn hàng A&T được biết đến là hàng may mặc cao cấp dành cho trẻ em; dù giá sản phẩm khá cao so với mặt bằng chung (từ 100.000 - 350.000đồng/sản phẩm) nhưng vẫn được các bậc phụ huynh tin dùng "...
Hàng dệt may sản xuất trong nước đang ngày càng chiếm được tình cảm của người tiêu dùng. -Ảnh: T.H
Ngoài ra, các sản phẩm bánh kẹo của những công ty có tên tuổi, mang thương hiệu Việt như Kinh Đô, Bibica, Hữu Nghị, Hải Hà... Với nhiều dòng sản phẩm mới, đa dạng về kiểu dáng và phong phú về chủng loại đã tạo sự cạnh tranh giữa các công ty trong nước, là cơ hội để người tiêu dùng chọn mua sản phẩm phù hợp với khả năng kinh tế và nhu cầu. Theo nhiều chủ cửa hàng, đại lý kinh doanh bánh kẹo, việc các doanh nghiệp tập trung đầu tư cho sản phẩm cũng như chăm chút cho mẫu mã, bao bì đẹp mắt đã thu hút sức mua của người tiêu dùng, khiến bánh kẹo trong nước đủ sức cạnh tranh và đang có ưu thế lấn át hàng ngoại...
Đối với công nghiệp đồ uống cũng là dòng sản phẩm chiếm ưu thế trên thị trường. Nhiều sản phẩm không chỉ xuất khẩu tốt mà ngay cả thị trường trong nước cũng dành nhiều ưu tiên. Chẳng hạn, giải pháp của Tân Hiệp Phát đi từ tầm nhìn chiến lược: Phấn đấu dựa vào nội lực, kết hợp công nghệ hiện đại đẳng cấp quốc tế với hiểu biết thị trường địa phương để trở thành tập đoàn cung cấp thức uống hàng đầu. Bà Trần Uyên Phương - Giám đốc truyền thông Tập đoàn Tân Hiệp Phát (sở hữu nhiều nhãn hiệu nước giải khát nổi tiếng như Trà Thảo Mộc Dr. Thanh, Trà Xanh 0 độ, Nước Tăng Lực Number one, Café VIP...) cho biết, giải pháp mới đây nhất là Tân Hiệp Phát chú trọng tăng cường hệ thống phân phối để đáp ứng kịp thời nhu cầu của người tiêu dùng với 150.000 kệ trưng bày hàng trên toàn quốc, đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng.
Có thể nói rằng, hàng nội đang có nhiều ưu thế và kết quả có được ngoài sự ý thức nỗ lực của nhà sản xuất cung cấp thị trường nhiều sản phẩm chất lượng, sức cạnh tranh cao, phải kể đến sự đóng góp của kênh phân phối. Rất nhiều nhà phân phối bán lẻ đã có nhiều ưu tiên đối với hàng nội, để hàng nội có cơ hội tiếp cận với người tiêu dùng, giảm đáng kể sản phẩm nhập ngoại trong đó có BigC. Có mặt tại thị trường Nghệ An năm 2010, BigC thực sự gây được ấn tượng mạnh đối với người tiêu dùng.
Qua 2 năm thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", đã có nhiều chương trình được triển khai vận động, người tiêu dùng dành nhiều tình cảm hơn đối với hàng nội, thay đổi tâm lý sính ngoại, được đánh giá có những thành công nhất định. Song, để hàng Việt chiếm lĩnh thị trường một cách bền vững, vẫn rất cần những chiến lược dài hơi từ nhiều phía.
Thu Huyền - Ngọc Anh