Bám biển bằng nghề nuôi cá lồng

25/07/2011 09:48

(Baonghean)- Được sự giúp đỡ, hỗ trợ của cán bộ, chiến sỹ Đồn biên phòng Cảng Cửa Lò- Bến Thủy, nhiều ngư dân xã Nghi Thiết (Nghi Lộc) và Nghi Tân (Cửa Lò- Nghẹ An) đã mạnh dạn đầu tư, bám biển bằng nghề nuôi cá lồng...

Chiếc ca nô của các chiến sỹ biên phòng Nghệ An rẽ sóng đưa chúng tôi đến với những lồng cá hồng mỹ, cá vược trên biển của anh Nguyễn Văn Ninh ở xóm Rồng, Nghi Thiết ( Nghi Lộc - Nghệ An). Ngừng tay cho cá ăn, Anh Ninh cho biết: Chỉ còn hơn một tháng nữa nếu thời tiết thuận lợi, lồng cá của anh với khoảng 5000 con giống ban đầu sẽ cho thu hoạch khoảng 4 tấn, tương đương 500 triệu đồng. Đây là con số trong mơ đối với người ngư dân bao nhiều năm theo thuyền cá lênh đênh trên biển.

Cùng với anh Ninh còn có 12 hộ khác ở Nghi Thiết (Nghi Lộc) và Nghi Tân (Cửa Lò) cũng đang phát triển mô hình nuôi cá lồng trên biển trong đó nuôi nhiều nhất là hộ anh Nguyễn Văn Thái cũng ở xóm Rồng Nghi Thiết với khoảng 6.000 con.


Lồng cá của anh Nguyễn Văn Ninh xóm Rồng, Nghi Thiết

Nghề mới, nhưng các ngư dân không hề đơn độc bởi họ có sự giúp đỡ, hỗ trợ, hướng dẫn về kỹ thuật cũng như kinh nghiệm của cán bộ, chiến sỹ Đồn biên phòng Cảng Cửa Lò- Bến Thủy. Chính sự thành công từ mô hình nuôi cá lồng do Trạm kiểm soát biên phòng Cửa Lò phối hợp với Trung tâm nuôi trồng thủy sản miền trung triển khai năm 2010 là động lực thôi thúc các ngư dân mạnh dạn chuyển nghề…

Đồn phó Nguyễn Tiến Dũng- người được giao nhiệm vụ trực tiếp triển khai mô hình thí điểm nuôi cá lồng trên biển cho biết: Vùng biển Cửa Lò dòng lạch có độ sâu phù hợp, độ mặn cần thiết, nguồn nước trong, không bị ô nhiễm rất phù hợp để nuôi cá hồng, cá vược. Bởi vậy, ngay vụ đầu tiên, lứa cá do các chiến sỹ biên phòng nuôi đã cho thu nhập 70 triệu đồng. Hai hộ tiên phong nuôi thí điểm với số lượng khoảng 5.000 con là hộ anh An, anh Hải ở phường Nghi Thủy và Nghi Tân cũng cho thắng lợi lớn.

Nuôi cá lồng theo phương pháp công nghiệp gắn với môi trường tự nhiên giữa biển cả không khó, khoảng 7 tháng là cho thu hoạch. Thức ăn chính của cá là đầu cá đông lạnh, cá vụn được cắt nhỏ tùy theo độ tuổi của cá nuôi. Tuy nhiên cần chú ý lưu tốc nước đảm bảo đủ lượng oxy cho cá sinh trưởng, phát triển tốt, cho cá ăn đúng giờ, điều độ, lồng bè cũng phải vững chắc để để chống chịu với gió bão.

Tuy còn nhiều lo toan nhưng nghề nuôi cá lồng trên biển đã mang lại thu nhập ổn định, tạo cơ hội cho ngư dân thoát nghèo. Bởi các loại nuôi lồng trên biển thường là những loài có giá trị kinh tế. Giá cả giao động từ 100 - 150 ngàn đồng một/ kg và được nhập cho các nhà hàng, khách sạn ngay trên địa bàn và các vùng lân cận nên không phải vất vả tìm đầu ra. Trong xu hướng mở rộng các loại hình nghề biển, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản ngày càng bị cạn kiệt như hiện nay, mô hình nuôi cá lồng ven biển cần được nhà nước và ngành thuỷ sản đầu tư đúng mức, tạo điều kiện cho bà con ngư dân tiếp nhận kỹ thuật một cách thuận lợi hình thành một mặt hàng xuất khẩu hải sản tươi sống có giá trị kinh tế cao.


Khánh Ly- Mỹ Hà