Để ngư dân vững vàng bám biển
(Baonghean) – Những năm gần đây, hầu hết thanh niên vùng biển đều tìm việc làm bằng con đường xuất khẩu lao động nên số tàu thuyền đánh bắt hải sản giảm so với trước. Để giúp các ngư dân vững vàng bám biến phường Nghi Hải đã có nhiều cách làm hay.
Nằm ở phía Đông Nam của Thị xã Cửa Lò, với vị trí thuận lợi có đường biển, đường sông, hải cảng cùng đường bộ nên phường Nghi Hải được coi là vị trí chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của Thị xã. Hàng năm, dịch vụ xuất khẩu lao động đã tư vấn cho hàng trăm lao động ra nước ngoài làm việc. Tính đến nay, toàn phường có khoảng 1.000 lao động đang làm việc ở các nước: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan... nguồn thu từ xuất khẩu lao động năm 2010 đạt 50 tỷ đồng.
Ông Ngô Bình Sơn – Bí Thư Đảng ủy xã cho biết: Thu nhập bình quân của Nghi Hải năm 2010 đạt 24 triệu đồng/người/năm. Đời sống nhân dân ngày càng phát triển, một trong những thế mạnh của Nghi Hải hiện nay là lĩnh vực xuất khẩu lao động, kinh doanh dịch vụ thương mại chiếm tỷ trọng chính trong ngân sách hàng năm của phường. Những năm gần đây, thanh niên có sức khỏe đều tìm việc làm bằng con đường xuất khẩu lao động – chính vấn đề này đã kéo theo hệ lụy là nhân lực dành cho đánh bắt hải sản của phường bây giờ chủ yếu là tuổi trung niên. Mặc dầu số lượng tàu thuyền có giảm (125 chiếc năm 2005 và năm 2011 là 78 chiếc), với gần 600 lao động trực tiếp tham gia nghề biển, nhưng năm 2010 tổng sản lượng đạt 1.600 tấn hải sản các loại. Thu nhập trung bình của một thuyền viên đạt từ 27 – 34 triệu đồng/người/năm. Nhiều đội thuyền mua sắm trang thiết bị, đóng mới tàu thuyền có công suất lớn (từ 90CV trở lên). Nhiều gia đình vẫn duy trì nghề cha truyền con nối như gia đình ông Võ Văn Tương (ở Hải Thanh), ba cha con đều tham gia đánh bắt hải sản với 3 thuyền có công suất lớn (từ 90 – 150 CV) do chính hai anh con trai và một anh con rể làm thuyền trưởng. 1 tháng gia đình ông Tương đi được 20 chuyến, được từ 3 6 tấn hải sản, một năm thu nhập trên 1 tỷ đồng.
Bà Trần Thị Huệ (54 tuổi, vợ ông Tương) khẳng định: Hơn 30 năm vợ chồng tôi duy trì phát triển nghề, được như ngày hôm nay cũng là điều may mắn, nếu được đầu tư thuyền to, tàu lớn thì chắc chắn nghề đánh bắt hải sản ở Nghi Hải sẽ còn phát triển hơn cả nghề xuất khẩu lao động hiện nay.
Còn với anh Võ Văn Cường (con trai út của ông bà, năm nay 31 tuổi có 14 năm trong nghề đi biển) lại có mong ước: Với ngư dân, không tham gia ngư trường coi như nông dân mất ruộng, vì thế thời gian tới sẽ cố gắng phát triển nghề, vừa đánh bắt, vừa bảo vệ môi trường biển. Và nếu “trời thương”, sẽ đầu tư đóng thuyền lớn khoảng 200 - 220CV, lúc đó chắc chắn sẽ là những chuyến đi biển dài ngày, sản lượng không chỉ 3 tấn, 6 tấn mà là 10 tấn/chuyến.
Ông Nguyễn Huy Nam – Chủ tịch Hội nông dân phường cho biết: Thời gian qua, phường đã xây dựng mô hình “liên kết tàu thuyền”, cứ 3 – 5 thuyền thành 1 tổ có nhiệm vụ thông tin liên lạc cho nhau về ngư trường để khai thác, khi có bão hay có việc quan trọng trên biển. Đặc biệt, mô hình liên kết này sẽ giúp các tàu thuyền giảm chi phí đi lại bằng cách dồn sản phẩm đánh bắt được vào một thuyền lớn nhất, sau đó cử thuyền đó cập bến nhận đồ dùng cần thiết, còn các thuyền khác vẫn tiếp tục bám ngư trường. Cách làm này đã giúp cho ngư dân Nghi Hải thời gian qua không hề xẩy ra rủi ro nào và điều quan trọng là họ luôn cảm thấy yên tâm, vững vàng như có người thân bên cạnh dù cho phía trước là biển cả mênh mông và đầy hiểm nguy.
Thanh Thủy