Anh thương binh Lại Đăng Thiện và những câu thơ thời chiến

21/07/2011 11:17

(Baonghean) - Vừa đánh giặc vừa làm thơ đã trở thanh một "thói quen" đáng yêu của nhiều người lính quê Nghệ. Lại Đăng Thiện (sinh 1947, quê làng Ga, xã Nghĩa Bình, huyện Tân Kỳ, Nghệ An) nhập ngũ từ tháng 3/1965 cho mãi đến tháng 10/1975 thì ra quân. Khoảng thời gian nhiều biến cố lịch sử này, anh ghi lại khá phong phú và chân thật trong tập "Nhật ký thơ”. Cùng với một số bài nữa viết sau ngày đất nước hòa bình thống nhất tới gần đây, làm nên tập thơ Cung trầm, là đứa con tinh thần đầu lòng của một cây bút nghiệp dư, một thương binh 4/4.

Lại Đăng Thiện hăm hở nhập ngũ từ đầu cuộc chiến tranh chống Mỹ trên miền Bắc nước ta. Anh thuộc tiểu đoàn 27, Công binh, QK4, chuyên làm nhiệm vụ phát hiện, rà phá bom mìn bảo vệ con đường huyết mạch cho những chuyến xe ngày đêm ra trận. Những cái tên Bến Thủy, Hoàng Mai, Cầu Cấm, Linh Cảm ở Nghệ -Tĩnh; hay sông Gianh, phà Xuân Sơn, phà Long Đại ở Quảng Bình với Lại Đăng Thiện đã thành thân quen máu thịt một thời khói lửa!


Anh thương binh Lại Đăng Thiện (bên phải) và tác giả bài viết.

Có lần, anh Thiện ghé báo Nghệ An thăm và gửi chùm thơ. Tôi nhận bài rồi gợi chuyện về quá khứ đạn bom, sông nước... anh mới rủ rỉ: "Nhớ nhất là những năm tháng ở phà Long Đại và phà Linh Cảm. Trước lúc bước lên ca nô đi rà bom, thủy lôi trên sông, đơn vị làm lễ truy điệu sống. Lần đầu ở Long Đại, lần sau ở Linh Cảm. Năm 1967, có tháng đến 7 lần mình bị bom hất khỏi buồng lái ca nô. Thế mà vẫn sống sót mới lạ chứ! Cái lần bị thương nặng nhất là ở phà Linh Cảm, năm 1968. Mảnh đạn găm vào đầu, mắt trái lồi ra, bàn chân bị thương nặng. Đấy là sau 20 vòng rà phá bom mìn, đến vòng thứ 21, bị sức ép mạnh quá, chiếc ca nô văng xa, vắt lên bờ sông. Còn mình thì nằm bất động cách hiện trường cả 100 mét. Được đồng đội cứu sống, mới biết đêm đó đã rà phá 16 quả bom nổ chậm!". Tháng 12/1968, anh Thiện được cử đi báo cáo thành tích trước toàn quân, Hội nghị tổ chức ngay tại Tân Kỳ quê anh...

Nói tới những câu thơ thời chiến của anh, 38 bài thơ in ở tập Cung trầm được chọn trong số mấy trăm bài còn ở dạng bản thảo. Tôi đặc biệt chú ý tới nửa đầu tập thơ mà anh khiêm tốn gọi là nhật ký. Ghi lại cảm xúc khi hành quân qua phà Bến Thủy, vào một đêm chiến tranh tháng 7/1965:

Đêm thu lồng lộng mảnh trăng treo
Lơ lửng tầng mây tựa núi đèo
Phà vượt sông Lam dồn dập sóng
Đường vào náo nức bánh xe reo...

Vượt Đèo Ngang, cái cảm giác "Xe chở yêu thương ra tuyến lửa" rất thật, anh nói hộ cho bao chiến sĩ có mặt lúc bấy giờ:

Chập chờn pháo sáng đỏ hắt heo
Pháo kích tàu vô đạn Mỹ vèo
Xe chở yêu thương ra tuyến lửa
Bâng khuâng biển động dưới chân đèo.

Lại Đăng Thiện có thơ ghi tại Khe Tang, Khe Rinh (Quảng Bình), những trọng điểm của mùa mưa năm 1966. Hồn nhiên và tự tin làm sao với những "Ngọn đèn đứng gác" một thời:

Chỗ ta đứng hôm nay đơn giản vậy thôi
Mươi phút đi qua một lần địch đến
Lũ giặc trời chọn đây làm trọng điểm
Ngọn đèn xanh soi sáng đêm đêm...


Bìa tập thơ Cung trầm.

Một đám cưới giữa chiến hào đánh giặc, những câu thơ ấy nay đọc lại vẫn còn thấm thía tự hào về nét lạc quan cách mạng, cái sức sống bất diệt của người Việt Nam ta:

Nơi không chăn không gối không hoa
Nơi không cần điểm trang cho phòng cưới
Hầm sơ tán nửa chìm nửa nổi
Đêm động phòng nghe tiếng bom rơi!

Những câu thơ vừa dẫn, rút từ "Nhật ký thơ" (1965-1975) còn nóng đạn bom và nụ cười chiến thắng. Đất nước thanh bình, tháng 5/1976, có dịp về lại địa danh Linh Cảm viếng hương hồn đồng đội phá bom mở đường thắng lợi ngày nào, anh Thiện có được những câu thơ thốt từ gan ruột. Ở đây, tác giả không làm thơ mà thơ ca mượn ngòi bút thô mộc của anh để giãi bày, san sẻ nỗi niềm mất mát khó nguôi ngoai:

Rồi một đêm cảm tử ra đi
Bom nổ dìm em giữa dòng sông biếc
Vẫn ngã ba sông với đường về ba ngả
Đồng đội theo em mở tuyến thông đường.

Anh lại về Linh Cảm thương thương
Mẹ tất tưởi đón con đầu ngõ
Nấm mộ xưa giờ nghẹn ngào hoa nở
Đau đáu lòng dẫu cuộc chiến vừa qua.

Đất nước hết chiến tranh rồi, vẫn còn những "Nẻo khuất" của nước mắt và hương lòng. Những vết thương "Xếp hình ngôi mộ", những liệt sĩ "Chưa tìm được phần mộ" và có cả những phần mộ "Hài cốt vẹn nguyên - Tên cúng cơm chưa về nhập lượm...". Lòng anh đau thắt. Trước những nỗi đau nhiều nhạy cảm như thế, Lại Đăng Thiện như muốn kêu to với những kẻ vô cảm hôm nay:

Vết thương khép kín da non
Xếp hình ngôi mộ
Xin đừng ai chạm vết thương lòng!

Trải qua chiến tranh giữ nước, vết thương và bệnh tật đầy mình, là người chịu nhiều thiệt thòi nên anh Thiện dễ cảm thông với đồng đội, với người đời ở khía cạnh mất mát và chấp nhận. Tôi chợt nhớ tới 2 câu thơ của nhà thơ Thanh Thảo:

Tuổi 20 ai mà không tiếc
Nhưng ai cũng tiếc tuổi 20 thì còn chi Tổ quốc?
(Trường ca Đường tới biển)

Đúng vậy, Cung trầm cũng chính là tiếng hát của những tuổi 20 biết thanh thản hy sinh, nằm lại trong chiến tranh; hơn thế nữa họ còn biết trầm tĩnh nghĩ suy một cách nghiêm túc trước những lẽ mất còn, của một thế hệ cầm súng trước khi cầm bút...


Kim Hùng