Chống rửa tiền qua bất động sản
Bộ Xây dựng vừa công bố dự thảo Thông tư phòng chống rửa tiền đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.
Dự thảo liệt kê khá nhiều hành vi nghi vấn đối với những hoạt động mua bán bất động sản, với mục đích rửa tiền, như: Không thể xác định được khách hàng theo thông tin khách hàng cung cấp hoặc một giao dịch liên quan đến một bên không xác định được danh tính; Giao dịch được tiến hành bởi một khách hàng có liên quan đến các hoạt động bất hợp pháp đã đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng mà tổ chức báo cáo biết hoặc có trong danh sách cảnh báo do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cung cấp. Hồ sơ giao dịch hoặc hồ sơ về bất động sản có dấu hiệu giả mạo (ví dụ: con dấu giả, chữ ký giả, chứng minh thư giả, hộ chiếu giả, địa chỉ bất động sản không đúng thực tế...).
Ngoài ra, các giao dịch bất động sản là giao dịch ủy quyền nhưng không có cơ sở pháp lý, địa chỉ của các bên tham gia giao dịch không chính xác; Thông tin về cùng một khách hàng được khai báo khác nhau trong các lần giao dịch khác nhau; Khách hàng tỏ ra không quan tâm đến giá cả bất động sản, phí giao dịch phải trả. Khách hàng giao dịch không có ủy quyền nhưng không cung cấp được các thông tin liên quan tới bất động sản, không muốn cung cấp bổ sung thông tin về nhân thân. Giá cả thỏa thuận giữa các bên giao dịch không phù hợp giá cả thị trường... cũng bị coi là có dấu hiệu rửa tiền.
Khi các tổ chức, cá nhân phát hiện các giao dịch có dấu hiệu trên, phải báo cáo bằng văn bản cho Cục Phòng chống rửa tiền thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng trong vòng 48 giờ kể từ thời điểm phát hiện dấu hiệu đáng ngờ trong giao dịch BĐS. Còn với trường hợp phát hiện giao dịch có liên quan tới hoạt động tội phạm, phải báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm phát hiện.
(Theo Tiền phong)