Học sinh vi phạm luật ATGT vẫn gia tăng

18/09/2011 17:22

(Baonghean) - Không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người qui định, không có giấy phép lái xe, lạng lách, đánh võng… là lỗi thường gặp của HSSV khi tham gia giao thông . Rất nhiều giải pháp đã được các cơ quan chức năng và các ngành liên quan đưa ra nhưng tình trạng HSSV vi phạm trật tự ATGT trên địa bàn thành phố Vinh có dấu hiệu gia tăng….

Ngày 14/9/2011, em P.V.V (sinh ngày 23/11/1995, ở K16, Phường Hà Huy Tập, học sinh lớp 9 trường THCS Lê Lợi) đã bị cảnh sát giao thông thành phố Vinh lập biên bản tạm giữ xe máy với các lỗi: không mũ bảo hiểm, không giấy tờ, không biển số. Cũng với các lỗi tương tự, em N.T.H.T (lớp 12 C2), em T.T.A (lớp 12 G, trường THPT Dân Lập Nguyễn Trường Tộ) cũng bị CSGT kiểm tra, tạm giữ hai xe gắn máy mang biển số 37B 1010.24 và 37M2 4220,vv..

Các đối tượng học sinh vi phạm luật giao thông

Đó là hình ảnh thường xuyên mà chúng tôi bắt gặp trong những ngày đầu ra quân tháng ATGT 2011 tại trụ sở của đội CSGT thành phố Vinh. Phần lớn biên bản vi phạm trật tự ATGT bị tạm giữ xe máy đều rơi vào những thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 16 – 22, trong đó phần lớn là HSSV. Nhiều em khi bị xử phạt tỏ thái độ hỗi lỗi “mong các chú công an thông cảm, cháu mới vi phạm lần đầu”, những cũng có nhiều trường hợp tỏ ra bất cần, thách thức. Thậm chí khi theo chân lực lượng tuần tra trên một số đường trọng điểm, chúng tôi thấy không ít trường hợp khi cảnh sát giao thông yêu cầu dừng lại để kiểm tra thì người điều khiển phương tiện giao thông đã rồ ga bỏ chạy và cố tình đánh võng, lạng lách trêu chọc những người đang thi hành công vụ. Trung tá Nguyễn Văn Danh - Đội phó đội CSGT công an thành phố Vinh cho biết: “ý thức tham gia giao thông của HSSV hiện nay rất kém, lỗi vi phạm nhiều. Chỉ riêng tại các cổng trường THCS, trung cấp, dạy nghề… trên địa bàn mỗi ngày cũng xử lý hơn hai chục trường hợp vi phạm ATGT của HSSV trong đó có những trường hợp tái phạm nhiều lần đến nỗi cảnh sát giao thông quen mặt ”.

Xử phạt các đối tượng học sinh, sinh viên vi phạm

Theo thống kê của ngành chức năng có tới 85,3% nguyên nhân tai nạn là do người điều khiển phương tiện vi phạm tốc độ phóng nhanh, vượt ẩu, giành đường, chở quá số người qui định, không có giấy phép lái xe, uống rượu bia, sử dụng chất kích thích ma túy. Trong đó số vụ tai nạn giao thông do thanh niên, học sinh, sinh viên điều khiển xe mô tô tốc độ cao, lạch lách, đánh võng…. chiếm con số không nhỏ. Chỉ tính riêng trong 2 năm 2009 - 2010, có khoảng 429 trường hợp HSSV vi phạm luật giao thông, trong đó gần 100 trường hợp lạng lách, đánh võng, đua xe trái phép và cổ vũ đua xe. Còn trong năm nay, chỉ mới nửa tháng triển khai Tháng ATGT đã có hàng trăm trường hợp người vi phạm luật lệ ATGT bị lập biên bản đang là học sinh, sinh viên.

Để nâng cao ý thức cho HSSV, các ngành chức năng đã phối hợp với các trường học tăng cường tuyên truyền, giáo dục về luật giao thông đường bộ bằng nhiều hình thức như tọa đàm, giao lưu, thi tìm hiểu. xây dựng tiểu phẩm sân khấu hóa, hoạt động ngoại khóa và tuyên truyền trực tiếp. Thời gian qua Tỉnh đoàn Nghệ An đã triển khai đề án Đoàn thanh niên tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông với nhiều mô hình như “cổng trường an toàn”, “đoạn đường thanh niên tự quản”, các đội hình thanh niên, sinh viên thanh niên, sinh viên tình nguyện tham gia giữ gìn trật tự ATGT….

Thu giữ xe vi phạm giao thông về kho.

Học sinh, sinh viên vi phạm giao thông sẽ bị thông báo về nhà trường và nơi cư trú. Các trường học cũng đã có nhiều hình thức xử lý học sinh vi phạm một cách quyết liệt như cảnh cáo, hạ hạnh kiểm, thậm chí là đình chỉ đối với những trường hợp vi phạm nặng.

Tuy nhiên theo Trung tá Hoàng Duy Hà - Đội trưởng đội CSGT thành phố Vinh thì rất nhiều trường hợp HSSV khi bị lập biên bản không khai báo thành thực về địa chỉ trường, lớp, đó là chưa kể những tình huống khó xử bởi những cú điện thoại gọi đến xin xỏ….

Thực tiễn trên đòi hỏi các cơ quan chức năng, nhà trường, đoàn thanh niên cùng phụ huynh cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn trong việc quản lý học sinh, sinh viên. Đồng thời đẩy mạnh việc xây dựng các mô hình tự quản đảm bảo trật tự ATGT trường học; phát động phong trào “Xây dựng văn hóa giao thông trường học” và lấy tiêu chí chấp hành pháp luật ATGT để đánh giá xếp loại thi đua, khen thưởng hàng năm. Nhân rộng mô hình “Bảng tin ATGT trường học”, “cổng trường thanh niên tự quản ATGT”,vv… góp phần nâng cao nhận thức, hành vi học sinh khi tham gia giao thông; hạn chế tối đa ùn tắc trước cổng trường và tác động trực tiếp tới ý thức phụ huynh khi đưa, đón con em tới trường. Bên cạnh các hình thức tuyên truyền lưu động, đối thoại trực tiếp về pháp luật ATGT hiện đang được nhiều tỉnh, thành phố áp dụng có hiệu quả thì việc đưa ATGT vào giảng dạy chính thức cũng là giải pháp tích cực không chỉ giúp học sinh hàng tuần, hàng tháng được tiếp xúc với các kiến thức bổ ích mà còn góp phần nâng cao nhận thức, tiến tới xây dựng môi trường học đường ngày càng thân thiện, an toàn.


Ly- Hà