Gặp sinh viên tham gia “Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương”

08/08/2011 17:06

(Baonghean) - “12 ngày đến với Trường Sa là ký ức đẹp nhất và là trải nghiệm không thể quên trong cuộc đời sinh viên của em”, đó là tâm sự của Nguyễn Tùng Lâm- sinh viên năm thứ 4 ngành Môi trường, khoa Sinh học (Đại học Vinh)- đại diện duy nhất của sinh viên Nghệ An tham gia “Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương” do Trung ương đoàn phối hợp với Bộ tư lệnh Hải Quân tổ chức vào đầu tháng 5 năm 2011…

Chúng tôi gặp Tùng Lâm khi em đang tất bật điều hành buổi hiến máu tình nguyện diễn ra tại hội trường A1- Trường ĐH Vinh trong vai trò đội trưởng. Rắn rỏi, nhanh nhẹn và ứng xử thông minh là cảm nhận đầu tiên của chúng tôi về sinh viên duy nhất của tỉnh Nghệ An và là 1 trong 25 sinh viên toàn quốc tham dự hành trình biển đảo Việt Nam. Để được chọn tham gia hành trình, trước đó, Tùng Lâm đã có một thời gian nỗ lực phấn đấu trong học tập, rèn luyện cũng như công tác đoàn hội và phong trào tình nguyện.

Tùng Lâm chia sẻ: cho đến tận bây giờ em vẫn nhớ như in cảm giác lâng lâng vui sướng xen lẫn hồi hộp khi tàu HQ 936 phát lệnh khởi hành hành trình 12 ngày đến với biển đảo từ cảng Cát Lái- TPHCM. Sau 3 ngày lênh đênh trên biển, tàu cập bến đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa. Tham dự đêm giao lưu VHVN với các chiến sỹ và nhân dân trên đảo Song Tử Tây, vốn là thành viên của đội tuyên truyền ca khúc chính trị Đại học Vinh, với giọng hát trầm ấm, chắc khỏe và phong thái biểu diễn tự tin, Tùng Lâm đã khuấy động không khí của đêm giao lưu bằng 3 bài hát sôi động trong đó có bài “ Xanh miền nắng gió” do nhạc sỹ Nguyễn Đức Nghĩa viết tặng riêng cho tuổi trẻ Trường ĐH Vinh.







“Hành trình vì biển đảo quê hương” đi qua 12 đảo và nhà giàn DK 01. Mỗi một lần dừng chân, các thành viên trong đoàn đều xúc động trước sự chào đón nồng hậu, thắm thiết của các anh lính đảo. Nhiều người trong số họ đã 3-4 năm chưa được về nhà nên tâm lý ai cũng trông ngóng tin từ đất liền. Trên các đảo, nhất là đảo chìm thiếu nước, anh em chiến sỹ dùng rất chắt chiu nhưng vẫn dành sự ưu ái đặc biệt cho những vị khách trẻ tuổi đến từ đất liền. Biết điều đó nên các thành viên trong đoàn cũng bảo nhau tiết kiệm nước từ rửa tay đến tắm gội. Ấn tượng nhất với các bạn sinh viên vẫn là những vạt rau xanh xinh xắn được trồng trong những thùng xốp ở trên các đảo. Đó là cũng là cách để cán bộ chiên sỹ cải thiện bữa ăn hàng ngày.

Trước khi tham gia hành trình, ngoài phần quà tặng chung, các thành viên trong đoàn đều chuẩn bị những “đặc sản riêng” để làm quà cho cán bộ, chiến sỹ Trường Sa. Quà của Tùng Lâm là món cu đơ được nhiều người ưa thích. Cậu sinh viên trường đại học Vinh còn được các thành viên trong đoàn vui vẻ bầu làm “đội trưởng đội 113” chuyên sắp xếp, vận chuyển, mang vác quà tặng… Mọi người còn tổ chức cuộc thi chụp ảnh về Trường Sa và Tùng Lâm giành giải khuyến khích với bức ảnh chụp Hoa hậu Hương Giang bế em bé đầu tiên sinh ra ở đảo Song Tử Tây.

12 ngày trôi qua thật nhanh, ngày chia tay Trường Sa, kết thúc “Hành trình vì biển đảo quê hương”, các thành viên trong đoàn mắt ai cũng đỏ hoe, có người còn trốn lên boong tàu đứng khóc một mình. Không dám nhìn những cánh tay vẫy, những ánh mắt lưu luyến của các chiến sỹ Trường Sa. Để lưu giữ những kỷ niệm đẹp, các bạn sinh viên và các chiến sỹ đổi tặng nhau áo hải quân và áo xanh thanh niên Việt Nam. Mọi người cùng hát những khúc hát về tuổi trẻ, tình yêu quê hương đất nước cho đến khi bóng dáng những người lính trên đảo mờ dần… Đối với Tùng Lâm, ngoài những món quà như mầm cây bàng vuông, hai chiếc áo hải quân và chiếc huy hiệu Trường Sa, là bằng khen do Trung ương đoàn tặng trong hành trình đầy ý nghĩa này.


Khánh Ly - ảnh do nhân vật cung cấp