Sổ tay thơ: Một bài thơ hóm hỉnh và khơi gợi minh triết

19/08/2011 17:15

Báo Văn nghệ số 23 (ngày 4/6/2011) đăng bài thơ Ông ăn trộm không ngủ của Dương Thuấn:


Đã khuya lắm rồi ông ăn trộm vẫn chưa ngủ

Ông chưa ngủ vì tối nay chưa trộm được gì

Trằn trọc bên bà vợ đẹp, lăn bên này bên kia

Nhắm mắt vào ý nghĩ cứ bò xuống cầu thang

Ông lặng lẽ ngồi dậy nhóm lên ngọn lửa hồng

Ngọn lửa ấm để nung nóng thêm hơi thở

Rồi đi nhẹ như mèo sang bên kia hàng xóm

Trộm chiếc cối xay mang về đặt ở giữa sân

Sương vẫn buông trắng xóa, bản vẫn lặng yên

Ông lên nhà tắt đèn đi ngủ bên cạnh vợ

Tối tối ông đi ăn trộm nên đã thành quen

Không trộm được gì thời không ngủ được

Tới một đêm kia khi đi trộm về ông đã gặp

Một tên trộm khác đến trộm bà vợ đẹp mang đi.


Bài thơ đem đến cho độc giả nhiều sự lạ, mặc dầu không dùng thủ thuật văn chương nào thật khác thường. Đọc xong không thể không mỉm cười vì tình huống nhân sinh hóm hỉnh mà nó gợi nên.


Dương Thuấn là một nhà thơ người Tày. Những người dù không biết tiếng Tày hẳn cũng không tin rằng trong ngôn ngữ này những kẻ đạo chích có lúc được tôn xưng. Vậy mà ở đây, khi nói đến một kẻ làm nghề xưa nay luôn bị người đời khinh bỉ ấy, tác giả đều gọi là ông. Theo lẽ thường, người ta có thể thay bằng tên, hắn, y, lão...) tất cả đều thuận. Nhưng rồi đọc xong bài thơ, hẳn mọi người đọc đều cho rằng gọi như vậy thật hợp.

Đây không phải là một bản tin về vụ án, mà là tác giả hư cấu những tình huống nhân sinh nhằm tạo nên tiếng cười ý vị mà thâm thúy. Điều này còn được chuyển tải bằng những câu thơ như dịch nghĩa một văn bản của ngoại quốc. Ở đây văn chương hóa, thi ca hóa thêm dù chỉ một chút là hỏng ngay.


Bài thơ mở đầu bằng một câu thơ có đủ thời gian và nhân vật, và không thể văn xuôi hơn:


Đã khuya lắm rồi ông ăn trộm vẫn chưa ngủ


Đời người ta, dù ngắn, dù dài, đều giống nhau ở chỗ không thể tính hết những đêm mất ngủ vì vô vàn nguyên cớ và cả vô vàn những đêm không biết vì nguyên cớ gì. Đối với con người này, nguyên cớ thật cụ thể, tầm thường, vì "tối nay chưa ăn trộm được gì!". Thân xác y nằm bên bà vợ đẹp, tuy nhắm mắt vào nhưng "ý nghĩ cứ bò xuống cầu thang". Ngữ đoạn ý nghĩ cứ bò xuống cầu thang thật giàu tính hình tượng, khắc họa thật tài tình một kẻ trộm người vùng cao.


Thơ nói riêng và văn chương nói chung không sao chép hiện thực mà tổ chức lại những chất liệu nào đó của hiện thực theo tư duy nghệ thuật của tác giả để đưa đến cho độc giả những giá trị thẩm mỹ. Bởi vậy trong rất nhiều trường hợp không nên xem xét các chi tiết văn chương bằng lẽ phải thông thường. Ở bài thơ này cũng vậy. Từ dòng thơ thứ năm trở đi, Dương Thuấn dùng thủ pháp "nói quá" một cách hóm hỉnh. Ông trộm "ngồi dậy nhóm lên ngọn lửa hồng", nhằm "nung nóng thêm hơi thở", không nhằm mục đích cao xa nào cả, chỉ cốt có thêm sức lực để đi... ăn trộm! Nơi "tác nghiệp" chẳng xa, chỉ bên kia hàng xóm. Đồ cắp được là chiếc cối xay giá trị chẳng là bao, thật cồng kềnh, hơn nữa chẳng cần giấu, đặt ở giữa sân. Chính cái việc xem ra thật vớ vẩn ấy lại đem lại giấc ngủ ngon lành cho ông trộm. Người Kinh có câu "ăn cắp quen tay, ngủ ngày quen mắt". Tôi tin rằng người Tày cũng có câu tương tự và chính chúng gợi cho Dương Thuấn viết bài thơ này. Thành ngữ Anh có câu dịch nôm na ra là "Cỏ vườn nhà hàng xóm bao giờ cũng xanh hơn ở vườn nhà mình". Ông trộm này có cách nghĩ và cách làm giống không ít người, là bất chấp đạo lý, bất chấp lẽ phải thông thường, chỉ chăm chăm vào việc lấy của thiên hạ về làm của nhà mình. Oái oăm thay, có ông trộm khác đang hướng về nhà ông và kết quả là anh hùng tương ngộ":


Tới một đêm kia khi đi trộm về ông đã gặp

Một tên trộm khác đến trộm bà vợ đẹp mang đi.


Câu thơ cứ thản nhiên giọng kể như trong suốt toàn bài, càng làm nổi bật ý vị hóm hỉnh một cách tự nhiên.


Cũng trên Báo Văn Nghệ, ba tháng sau (số 27 ngày 2/7/2011, truyện ngắn Đôi mắt lươn tội nghiệp của Thanh Khê làm cho nhiều độc giả liên tưởng đến bài thơ này. Một lâm tặc làm ăn thuận lợi nhờ được một bảo vệ rừng nương tay. Người bảo vệ có đôi mắt lươn này đã và đang thích vợ lâm tặc. Điều này được vợ chồng lâm tặc triệt để khai thác để ăn cắp gỗ. Lâm tặc bảo vợ mang đến cho bảo vệ rừng chai rượu ngoại tạ ơn hắn đã làm lơ cho để phá rừng. "Vài tiếng sau vợ về, má đỏ bồ quân", nói: "Anh ấy nhận chai rượu nhà mình biếu nhưng tặng lại anh chai này". Lâm tặc cảm động vì tấm lòng tử tế.

Lần khác, tay bảo vệ tóm được của lâm tặc một mẻ lớn hơn. Vợ lâm tặc chủ động xin đi gặp kẻ gác rừng sủng ái mình để điều đình. "Mọi việc ổn". Sau đó vợ lâm tặc có mang và sinh một đứa bé mắt ti hí, một đặc điểm mà cả bố, mẹ, cả con trai dòng họ của lâm tặc không ai có. Kết quả là lâm tặc bỏ nghề, bỏ cả nơi cư trú.


Xưa nay cái hay của tác phẩm văn chương nói riêng và của nghệ thuật nói chung thật đa dạng. Có những khi tác giả chỉ tái hiện sinh động những tình huống của nhân sinh để người đọc thưởng lãm, qua đó mà ngẫm nghĩ về lẽ đời. Cái thực của văn chương cũng như của nghệ thuật nói chung không đơn thuần là sự sao chép đời sống mà có phần hư cấu của tác giả nhằm tạo nên những giá trị tinh thần thú vị và bổ ích. Bài thơ ông ăn trộm không ngủ của Dương Thuấn là một sản phẩm nghệ thuật như vậy. Bài thơ như một ngụ ngôn khơi gợi minh triết.


Phạm Tuấn Vũ