Nhìn từ hệ thống chợ và trung tâm thương mại
(Baonghean) - Năm 2006 đến nay trên địa bàn Nghệ An xảy ra 11 vụ cháy chợ, trung tâm thương mại, siêu thị thiệt hại tài sản khoảng 6,8 tỷ đồng. Nguyên nhân do các hộ kinh doanh không chấp hành nghiêm túc công tác PCCC và tại các chợ, trung tâm thương mại, trang thiết bị về PCCC chưa được đầu tư đồng bộ. Bên cạnh đó là thiếu các phương án phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong công tác PCCC...
Đối với một số chợ, siêu thị đầu mối mới được cải tạo, xây dựng mới với những kết cấu xây dựng kiên cố, hiện đại, diện tích rộng rãi đã đáp ứng được những yêu cầu cơ bản về PCCC như: Đình chính Chợ Vinh, Chợ Ga Vinh, siêu thị Intimex, Maximart, BigC… còn phần nhiều chợ hiện nay trên địa bàn thành phố đã được xây dựng hàng chục năm, đã xuống cấp nghiêm trọng và không đáp ứng tiêu chuẩn PCCC. Ngoài chợ, Trung tâm thương mại và siêu thị, nhiều hộ gia đình sống ở mặt tiền các đường phố, thậm chí trong hẻm phố, thường tận dụng mặt bằng tầng trệt để buôn bán đủ loại hàng hóa dễ cháy như kim khí điện máy, hóa chất, quần áo may sẵn… Ở các tuyến phố thương mại, nơi buôn bán vừa là nơi sinh hoạt của gia đình nên nguy cơ xảy ra cháy là rất cao, và dễ lan diện rộng, rất khó khăn cho công tác cứu chữa và thoát nạn khi xẩy ra cháy
Đối với hệ thống chợ tại các huyện thị, do phần lớn xây dựng từ lâu nên mặt bằng chật hẹp, thường xuyên hoạt động trong tình trạng quá tải, gây khó khăn cho công tác PCCC, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy (vụ cháy Chợ Hiếu, thị xã Thái Hòa gây thiệt hại khoảng 01 tỷ đồng ngày 20/6/2010, hay cháy chợ thị trấn Hòa Bình, huyệnTương Dương).
Qua kiểm tra của lực lượng cảnh sát PCCC cho thấy, phần lớn các chợ chưa lập hồ sơ theo dõi công tác PCCC theo quy định (trừ Chợ Vinh, Chợ Ga Vinh, Trung tâm thương mại Đô Lương, Chợ Giát). 90% không lập phương án chữa cháy hoặc có nhưng không đáp ứng yêu cầu và chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hầu hết không tổ chức thực tập phương án chữa cháy định kỳ hàng năm theo quy định. Do vậy, công tác PCCC không được quản lý một cách hệ thống và chặt chẽ, cơ quan chủ quản chợ không nắm được số lượng và chất lượng thiết bị PCCC, con người và phương tiện PCCC không ở trạng thái sẵn sàng giải quyết sự cố cháy (qua kiểm tra thực tế: hầu hết lực lượng PCCC cơ sở gặp lúng túng khi yêu cầu kiểm tra, vận hành thiết bị, nhiều phương tiện bị hư hỏng do không được bảo quản, bảo dưỡng theo quy định).
Nhiều chợ không trang bị máy bơm chữa cháy dự phòng bằng động cơ đốt trong (chủ yếu trang bị máy bơm điện), nên không đảm bảo công tác PCCC trong điều kiện không được cung cấp điện thường xuyên trong mùa nắng nóng. Các chợ, siêu thị chưa thực hiện chế độ tự kiểm tra công tác PCCC trong năm theo quy định (bao gồm chế độ kiểm tra thường xuyên, định kỳ, và đột xuất), không xác định được chức trách của thành viên BQL chợ và Đội PCCC cơ sở. Lực lượng PCCC của hầu hết các chợ được thành lập nhưng còn thiếu về số lượng và yếu về nghiệp vụ.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 13 chợ thuộc diện phải cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện PCCC theo quy định của pháp luật, nhưng còn nhiều tồn tại và không đủ điều kiện, nên không thể cấp giấy giấy chứng nhận theo quy định. Hệ thống tổ chức của cơ quan quản lý chợ còn nhiều bất cập và chưa có quy định thống nhất để chỉ đạo thực hiện công tác quản lý, điều hành.
Về chấp hành nội quy, quy định PCCC chợ, hiện có khoảng 60% chợ, siêu thị còn tình trạng sử dụng nguồn nhiệt không đảm bảo an toàn PCCC (sử dụng lửa trần, đun nấu, hút thuốc lá…); nhiều hộ kinh doanh tự ý câu móc điện từ ngoài vào quầy kinh doanh không qua hệ thống điện của chợ quản lý; tự ý thay đổi kết cấu lắp đặt hoặc thay dây chảy cầu chì không đảm bảo ngắt điện khi có sự cố xẩy ra; không có thiết bị bảo vệ hệ thống điện. Tại nhiều chợ (nhất là các chợ lớn), các hộ kinh doanh tự ý cơi nới, trưng bày hàng hoá lấn chiếm lối đi lại, không bảo đảm khoảng cách thoát nạn, an toàn cho người và phương tiện khi có sự cố cháy nổ xẩy ra, khó khăn cho công tác chữa cháy.
Công tác PCCC chợ, siêu thị và trung tâm thương mại đòi hỏi yêu cầu ngày càng cao, nhng nhiều chợ bể chứa nước không đáp ứng yêu cầu chữa cháy về số lượng nước cũng như khả năng tiếp cận để lấy nước phục vụ chữa cháy (bị quầy hàng, phương tiện, hàng hóa cản trở). Vì vậy nếu cháy, nổ xẩy ra, công tác chữa cháy ban đầu của các chợ gặp khó khăn. Phương tiện chữa cháy tại các chợ kiên cố và bán kiên cố (113 chợ) trang bị không đầy đủ, chỉ có 18/113 chợ được trang bị máy bơm chữa cháy chuyên dùng, phần lớn các chợ thiếu thiết bị chữa cháy thô sơ thông dụng (bình chữa cháy).
Để khống chế số vụ việc liên quan tới hỏa hoạn cũng như hạn chế tới mức thấp nhất những thiệt hại do cháy gây ra, những bất cập trong công tác PCCC tại các KCN, chợ, siêu thị và trung tâm thương mại cần được khắc phục kịp thời. Đặc biệt, các cơ quan quản lý nhà nước về PCCC cần tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Hoàng Vĩnh