Kỳ 2: Mẹo nhà sản xuất và công việc quản lý thị trường
(Baonghean) - Nhà sản xuất nào cũng với mục đích cuối cùng là lợi nhuận, và người mang lợi nhuận đến cho họ là khách hàng (người tiêu dùng). Ngoài việc phải duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm để giữ chữ tín, họ còn phải lo cạnh tranh với các đối thủ có hàng hoá cùng chủng loại để giữ và kéo khách hàng về phía mình, mở rộng mạng lưới bán hàng, ra nhiều chiêu khuyến mại hấp dẫn, quảng cáo thật độc đáo, ấn tượng, v.v… Chung quy cũng là khai thác triệt để tâm lý của khách hàng, tuy nhiên, có những mẹo vì người tiêu dùng nhưng cũng có những “chiêu” không như vậy..
Làm mới sản phẩm bằng cách thay đổi mẫu mã
Một nhà sản xuất vừa tung ra thị trường một loại sản phẩm nhãn hiệu mới đi kèm với những hình ảnh-lời quảng cáo thật “kêu”, chẳng bao lâu sau (có khi chỉ tính bằng tháng) đã lại cho ra một nhãn hiệu sản phẩm với tên gọi khác và những lời quảng cáo “mới“ hơn, “kêu” hơn.
Trong sản xuất bằng công nghệ hiện đại, để có được một sản phẩm mới hơn hẳn sản phẩm cũ, người ta phải đầu tư nghiên cứu thành phần mới cấu thành nội dung sản phẩm, nếu thay đổi hình dáng bao bì thì phải thay đổi khuôn mẫu trong dây chuyền sản xuất, thay đổi nhãn hiệu thì phải thiết kế ma-két mới, thay bản in mới,… Trong các công đoạn thay đổi ấy thì thay đổi nhãn hiệu là chi phí rẻ nhất, kế đến là thay đổi kiểu dáng của bao bì. Cả hai loại thay đổi này đều là thay đổi hình thức, nhưng người tiêu dùng lại dễ nhận thấy cái “mới” của sản phẩm, còn thay đổi nội dung (chất) của sản phẩm thì phức tạp và tốn kém hơn nhiều. Và đương nhiên, tất cả chi phí ấy đều phải được hạch toán vào trong gía thành của sản phẩm. Bởi vậy, mỗi lần ra một sản phẩm mới cùng loại thì giá bán thường cao hơn sản phẩm cũ. Người tiêu dùng chỉ có thể nhận ra cái “mới” bằng mắt thường qua hình thức bên ngoài, còn chất thì phải kiểm định bằng công cụ chuyên dụng mới biết được.
Chẳng biết chất có hơn không, nhưng người tiêu dùng thấy “mới” thì cứ mua thử cái đã (!)
Phóng to kích cỡ bao bì
Trước đây không lâu, các loại sản phẩm truyền thống như bánh kẹo Hải Châu, bánh đậu xanh Hải Dương, bánh sữa Mộc Châu, bánh cốm Hà Nội, bánh cáy Thái Bình,… tuy hình thức bao bì chưa đẹp, công nghệ sản xuất chưa tiên tiến nhưng khối lượng ruột sản phẩm đến đâu thì kích thước bao bì vừa vặn đến đó. Người mua cầm phong bánh thấy “đằm” tay, chắc dạ. Còn bây giờ, cũng với những loại sản phẩm ấy, cũng chất lượng không thay đổi mấy, nhưng cái hộp phình to ra dung tích gấp 4 đến 5 lần. Người ta chế thêm các khay bằng nhựa (hay bìa các tông) dập lồi lõm để từng chiếc bánh và dãn khoảng cách giữa chúng ra xa nhau. Hoặc như sản phẩm “bim bim” dành cho trẻ, cái bao được thổi hơi phình rất to nhưng ruột chỉ chiếm khoảng 1/10,…
Hỏi, vì sao làm vậy, người sản xuất bảo để bảo quản khỏi va đập trong vận chuyển (!). Với những loại bánh có bao bì bằng kim loại (hộp vuông, tròn có nắp) thì lo gì va đập, nhưng họ vẫn “độn” như thế !
Hỏi các nhà chức trách kiểm định về tiêu chuẩn chất lượng, được trả lời: chất lượng sản phẩm và hình thức, kích thước bao bì do nhà sản xuất tự chọn và họ phải chịu trách nhiệm về những thông tin ghi trên bao bì, trọng lượng chỉ ghi cho phần ruột, không có quy định nào bắt buộc tỷ lệ dung tích giữa ruột sản phẩm và bao bì (!).
Tuy nhiên, những hệ luỵ về việc này thì không mấy ai nghĩ đến:
Thứ nhất, đó là thêm phụ kiện vào bao bì là thêm chi phí sản xuất; Do dung tích bao bì tăng dẫn đến chi phí vận chuyển tăng, đương nhiên người tiêu dùng phải chịu.
Thứ hai, để tiết giảm chi phí vận chuyển do bao bì cồng kềnh, người ta đã sáng kiến khi xuất hàng để bao bì riêng (gập mỏng xếp thành bó, chưa dựng thành hộp) và phần ruột để riêng, khi về đến các đại lý bán lẻ mới dựng thành hộp và cho ruột vào. Như vậy, nhà sản xuất không thể kiểm soát được thành phẩm của mình (giữa ruột và vỏ) mà chỉ trông cậy “lòng tin” vào các đại lý mà thôi.
Thứ ba, tăng lượng rác thải cứng cho xã hội (phụ kiện bao bì phần lớn làm bằng nhựa, chất vô cơ khó phân huỷ).
Các sản phẩm mỳ tôm, miến phở khô thường thay nhãn hiệu mới
Phụ kiện khay nhựa trong các hộp bánh
Số lượng bánh thường chỉ bằng 1/4 so với dung tích bao bì
Nhằm vào một nhóm đối tượng
Gần đây đã xuất hiện bánh Trung thu dành cho người ăn kiêng, giảm chất béo, tăng lượng rau quả trong nhân bánh,... Nghĩa là bánh dành cho người có bệnh (!). Ở độ tuổi các cháu thiếu nhi liệu có hay mắc các bệnh kia không (?). Vô tình họ đã biến những món quà dành cho trẻ nhỏ vui Trung thu thành các loại thực phẩm chức năng (!). Hơn thế nữa, có những hộp bánh Trung thu giá đến tiền triệu, chỉ dùng làm quà biếu (cho người lớn, chẳng ai mua loại này về cho con cháu dùng cả). Sự kích cầu này đã làm mất dần thành phần các loại quả vườn quê trong mâm cỗ Trung thu truyền thống vốn rất đẹp và đầy ý nghĩa của cha ông ta.
Hoặc như sản phẩm các loại nước chấm được chế biến sẵn (có tỏi, có ớt, có gừng,…) dành cho các chị nội trợ. Quả thật rất tiện dụng cho cuộc sống ngày càng gấp gáp hiện nay, thế nhưng với người nội trợ giỏi chắc không thích dùng loại này.
Quảng cáo sản phẩm của mình hơn hẳn sản phẩm khác
Bất kỳ một loại hàng hoá nào cũng có chức năng, công năng riêng, tiện ích về mặt này nhưng sẽ có mặt bất lợi khác. Khi quảng cáo người ta chỉ khuyếch trương cái mặt lợi, cái tính trội, cái hơn sản phẩm cũ và cái hơn sản phẩm của người khác, chẳng ai lại bảo “dùng của tôi chớ nên thế này, thận trọng điều kia”,… Ngoại trừ những sản phẩm có khả năng gây mất an toàn cho người sử dụng mà luật quy định phải khuyến cáo, như thuốc tân dược chẳng hạn.
Luật cũng quy định nội dung quảng cáo phải phù hợp với chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, có mấy sản phẩm được các cơ quan chức năng kiểm định so với nội dung quảng cáo trước khi đưa lên quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng ?
Lại nữa, hiện đang có sự mập mờ giữa nhóm sản phẩm thuốc chữa bệnh và thực phẩm chức năng (TPCN) !
Theo các nhà khoa học, thực phẩm chức năng chỉ có tác dụng hỗ trợ, bổ trợ cho sức khỏe chứ không thể trị bệnh. Trên nhãn TPCN không được ghi chỉ định điều trị bất kỳ một bệnh cụ thể nào hoặc sản phẩm có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Ấy vậy mà có sản phẩm thực phẩm chức năng lại ghi trên nhãn “tốt cho bệnh nhân ung thư, bệnh nhân sau hoá xạ trị, thải độc tố…” làm cho người tiêu dùng cứ tưởng là thuốc chữa bệnh; nhiều sản phẩm khi quảng cáo sử dụng hình ảnh cán bộ y tế, các nhà khoa học để quảng bá… làm cho người tiêu dùng bị hiều lầm TPCN là thuốc, hoặc kỳ vọng thực phẩm này thay được thuốc chữa bệnh. Về hình thức, nhiều TPCN từ bao bì đóng gói (lọ, hộp) đến bào chế (viên nhộng) cho đến các chỉ dẫn (công dụng, hướng dẫn sử dụng) đều là hình thức, ngôn ngữ của thuốc. Ngay cả thành phần cũng thể hiện như một sản phẩm dược. Đặc biệt người dùng rất khó phân biệt TPCN với thuốc y học cổ truyền sản xuất từ dược liệu.
Bởi vậy, hiện nay người sử dụng thường chỉ trông chờ vào sự trung thực của nhà sản xuất, nhà kinh doanh TPCN trong việc ghi nhãn để phân biệt đâu là thuốc, đâu là thực phẩm chức năng.
Bất cập trong quản lý thị trường
Hàng năm, rất nhiều đoàn liên ngành (Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, Y tế, Quản lý thị trường, Hải quan, Công an kinh tế) tổ chức kiểm tra theo định kỳ, theo mùa vụ sự kiện và kiểm tra đột xuất, đã phát hiện và xử phạt rất nhiều vi phạm của các cơ sở sản xuất, vận chuyển, đại lý đầu mối và bán lẻ ở thành phố, thị xã và các địa bàn huyện trong tỉnh. Nội dung và đối tượng kiểm tra được đề cập khá đầy đủ. Từ các thủ tục đăng ký kinh doanh, ghi nhãn hàng hoá, sở hữu công nghiệp, đo lường chất lượng sản phẩm, niêm yết giá và bán theo niêm yết, buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, vận chuyển kinh doanh gia cầm gia súc bị dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, xăng dầu khí đốt hoá lỏng, thuốc chữa bệnh, đồ chơi trẻ em, văn hoá phẩm,…
Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2011 các đoàn liên ngành đã kiểm tra hơn 2.500 vụ, xử lý thu phạt hơn 3,5 tỷ đồng, góp phần ổn định mọi mặt thị trường trong tỉnh. Những vi phạm bị xử lý chủ yếu là: thủ tục đăng ký kinh doanh, gian lận trong kinh doanh, buôn lậu-hàng cấm, sở hữu công nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong đó, số vụ vi phạm về thủ tục đăng ký kinh doanh, gian lận trong kinh doanh chiếm hơn 60%, nhưng giá trị thu phạt về buôn lậu-hàng cấm lại chiếm hơn 30% tổng số tiền thu phạt.
Tuy nhiên, những hành vi kinh doanh hàng quá hạn sử dụng, đặc biệt là hàng thực phẩm đóng gói, hoá mỹ phẩm vẫn đang diễn ra khá phổ biến. Hàng làm giả, kém chất lượng, quá hạn sử dụng chủ yếu được tiêu thụ tại các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa nên rất khó khăn trong kiểm tra kiểm soát thị trường.
Với hàng nghìn mã hàng, hàng trăm chủng loại sản phẩm ngành nghề lưu thông tiêu thụ trên địa bàn một tỉnh có diện tích rộng nhất cả nước thì lực lượng chức năng còn quá mỏng không thể trải khắp và thường xuyên kiểm soát thị trường được. Việc giám sát và phát giác hành vi vi phạm kinh doanh hiện chủ yếu dựa vào quần chúng nhân dân. Mặt khác, nhiều loại hàng hoá như dược, TPCN, sữa, phân bón, giống… muốn kiểm tra kiểm định phải có các thiết bị chuyên dụng hiện đại đắt tiền mà lực lượng chức năng lại không được trang bị hoặc đã trang bị nhưng quá ít và thường đã lỗi thời. Kẻ gian thường dùng các thủ đoạn tinh vi, biến hoá đa dạng, lách luật, lập lờ, thậm chí liều lĩnh để đối phó mà lực lượng chức năng thì còn bất cập về năng lực, kinh nghiệm, ít được đào tạo bài bản, chuyên sâu.
(còn nữa)
Minh Thông