Vai trò, đóng góp của Việt Nam trong thực thi Công ước 1982 tại biển Đông
(Baonghean.vn) Trước khi Công ước 1982 có hiệu lực, nước ta đã có những bước đi nhanh, mạnh, phù hợp với tinh thần Công ước trong tuyên bố thiết lập các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền tài phán quốc gia. Với Tuyên bố năm 1977, Việt Nam là nước tiên phong trong khu vực xác lập vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, khẳng định xu thế thiết lập vùng lãnh hải 12 hải lý và vùng thềm lục địa.
Sau khi Công ước 1982 có hiệu lực, Việt Nam lại là nước đi đầu trong giải quyết các vấn đề phân định biển phù hợp với Công ước 1982. Từ năm 1992, Việt Nam đã thoả thuận giải quyết 4 khu vực biển chồng lấn với các nước láng giềng như Việt Nam với Thái Lan, với Trung Quốc, với Campuchia và Philippin.
Thực tế đã chứng minh cho lập trường và thiện chí của Việt Nam là "đàm phán trực tiếp trên cơ sở phù hợp với các nguyên tắc công bằng, tìm giải pháp phân định công bằng mà các bên có thể chấp nhận".
Việt Nam đã thực hiện đúng nghĩa vụ của một quốc gia ven biển quy định trong các điều 279 và 280 của Công ước 1982. Thực tiễn phân định biển của Việt Nam đã đóng góp và làm phong phú thêm luật pháp quốc tế về phân định biển. Nguyên tắc công bằng trong phân định biển đã được áp dụng một cách sáng tạo, đó là xu thế không thể phủ nhận việc sử dụng đường trung tuyến hoặc cách đều làm xuất phát điểm để đi tới một giải pháp phân định công bằng và xu thế sử dụng đường phân định đơn nhất cho phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
Do đặc thù của biển Việt Nam, trong tất cả các trường hợp phân định đều có sự hiện diện của các đảo và chúng được coi là một hoàn cảnh đặc biệt trong phân định. Tuỳ thuộc vào vị trí địa lý, kích thước, tầm quan trọng của các đảo trong khu vực phân định mà hiệu lực của chúng trong phân định được xem xét dành cho các hiệu lực hợp lý. Việt Nam còn đóng góp to lớn trong hoàn thiện lý thuyết về các dàn xếp tạm thời, với 4 hình mẫu khai thác chung, trong đó 2 cho khai thác chung dầu khí, 2 cho khai thác chung nghề cá trong tổng số 20 thoả thuận trên thế giới.
Ngoài đóng góp trên, Việt Nam đang nghiên cứu, xem xét để vận dụng thực tiễn giải quyết phân định biển tại các nước tiên tiến để đàm phán Hiệp định "vùng xám" (quy chế quản lý theo quốc tịch tàu cá) với các nước liên quan phù hợp với tinh thần Công ước 1982 về "dàn xếp tạm thời có tính chất thực tiễn" để quản lý, bảo tồn nguồn lợi hải sản; đồng thời giải quyết tình trạng các quốc gia bắt giữ các ngư dân của nhau khi đánh cá sang vùng biển mà giữa 2 quốc gia đang có tranh chấp. Tuy nhiên, điều kiện là các quốc gia phải đàm phán trên tinh thần hiểu biết, hợp tác và làm hết sức mình để đi đến thoả thuận. (còn nữa)
Phòng Bạn đọc (gt)