Chế độ phụ cấp kiêm nhiệm cho Chủ tịch HĐND cấp xã áp dụng theo văn bản nào?
(Baonghean) - Bạn Lê Huy Khoa ở địa chỉ email "quockhanh255@gmail.com" có thư gửi Báo Nghệ An hỏi: Cán bộ cấp xã, đang là Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐND xã. Tại Điều 10, Nghị định 92/2009/NĐ-CP đã quy định cán bộ công chức cấp xã kiêm nhiệm chức danh mà giảm được 1 người trong số lượng tối đa tại Khoản 1, Điều 10 của Nghị định này, kể từ ngày được cấp có thẩm quyền quyết định việc kiêm nhiệm thì được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm 20% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp vượt khung... (nếu có).
Tuy nhiên, tại Nghị quyết số 18/2011 ngày 29/7 về một số chế độ, định mức chi tiêu tài chính phục vụ HĐND các cấp trên địa bàn Nghệ An, HĐND tỉnh lại có hướng dẫn: Đại biểu HĐND đang giữ các chức vụ đảng, đoàn thể nếu kiêm nhiệm các chức danh Chủ tịch HĐND thì mức phụ cấp kiêm nhiệm bằng 10% mức lương hiện hưởng là đúng hay sai? Áp dụng theo văn bản nào?
- Vấn đề bạn hỏi, Sở Nội vụ xin trả lời như sau: các chức danh đảng bao gồm bí thư và phó bí thư đang kiêm nhiệm Chủ tịch HĐND xã thì hưởng chế độ phụ cấp theo Quyết định số 58/2010/QĐ-UBND ngày 11/8/2010, theo đó tại Điểm 3, Điều 1 quy định về mức phụ cấp kiêm nhiệm chức danh ghi rõ: Đối với các chức danh cán bộ, công chức khi kiêm nhiệm thêm chức danh hoạt động không chuyên trách thì được hưởng thêm 20% mức phụ cấp (hoặc hỗ trợ) của chức danh kiêm nhiệm. Trường hợp kiêm nhiệm nhiều chức danh thì chỉ hưởng thêm 20% của chức danh kiêm nhiệm có mức phụ cấp cao nhất.
Như vậy, mức phụ cấp trên của UBND tỉnh là đúng theo quy định tại Nghị định 92/2009/NĐ-CP của Chính phủ. Còn Nghị quyết số 18/2011/NQ-HĐND ngày 29/7/2011 về một số chế độ, định mức chi tiêu tài chính phục vụ hoạt động HĐND các cấp trên địa bàn Nghệ An, tại Điểm 1, Điều 3 ghi rõ mức chi phụ cấp kiêm nhiệm là dành cho các đại biểu HĐND đang giữ các chức vụ đảng, đoàn thể nếu kiêm nhiệm các chức danh chủ tịch HĐND thì được 10% mức lương hiện hưởng là quy định cho HĐND cấp tỉnh và huyện; không điều chỉnh cấp xã.
Sở dĩ dẫn tới việc các cán bộ công chức cơ sở có thắc mắc và hỏi là vì Văn bản số 159/TT.HĐND ngày 22/9/2011 của HĐND tỉnh gửi Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước, Thường trực HĐND các huyện và Thường trực HĐND các xã, do bộ phân tham mưu trình văn bản không nắm rõ Quyết định 58/2010/QĐ-UBND nên đã hướng dẫn bao gồm cả kiêm nhiệm Chủ tịch HĐND cấp xã dẫn đến thắc mắc trên. Chi tiết này sẽ được Sở Nội vụ đề nghị Ban pháp chế HĐND tỉnh rà soát để sửa đổi trong thời gian tới.
Cũng liên quan đến chế độ cho cán bộ cơ sở, bạn đọc Lô Văn Mười, cán bộ xã Hữu Lập có thư hỏi: Bạn là cán bộ cấp xã, có quyết định công tác từ tháng 7/2004 đến tháng 1/2011 mới được lên lương bậc 2. Quy định của Nghị định 92/2009/NĐ-CP cán bộ có thời gian hưởng lương bậc 1 là 5 năm (đủ 60 tháng), nếu hoàn thành nhiệm vụ, không bị kỷ luật thì khi nào được lên bậc 2? Thời gian chậm lên lương từ tháng 7/2009 đến tháng 12/2010 thì bạn có được truy lĩnh và nếu có thì hỏi ở đâu?
- Vấn đề này Sở Nội vụ trả lời: Nếu thật sự trong thời gian 5 năm (đủ 60 tháng) công tác, cán bộ đó không bị kỷ luật và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ thì sau thời gian hưởng lương bậc 1 đúng 5 năm kể từ ngày có quyết định, nếu tái cử bạn sẽ được nâng lương lên bậc 2. Trường hợp UBND xã và Phòng Nội vụ huyện chưa làm thủ tục xét lên lương đúng thời hạn thì sau khi xét, thời gian từ tháng 7/2009 đến tháng 12/2010 sẽ được truy lĩnh khoản tiền chênh lệch lương bậc 2. Đề nghị bạn hỏi Chủ tịch UBND xã, kế toán xã để được hướng dẫn làm thủ tục để Phòng Nội vụ huyện trình UBND huyện xem xét, quyết định cho truy lĩnh lương theo quy định.
Nguyễn Hải