Phòng và điều trị bệnh lở mồm long móng trâu, bò
(Baonghean) - Dịch lở mồm long móng ở trâu bò đang diễn biến rất phức tạp trên địa bàn tỉnh ta. Gia súc mắc bệnh LMLM, tỷ lệ gia súc non chết rất cao. Trong số bê nghé chết, chỉ một số con có biểu hiện triệu chứng lâm sàng của bệnh LMLM nên rất dễ nhầm lẫn các bệnh khác. Để chủ động trong công tác phòng, chống dịch, hạn chế dịch lây lan ra diện rộng chúng tôi hướng dẫn người chăm nuôi cách phòng bệnh LMLM.
Tính chất của bệnh là lây lan nhanh, mạnh thường phát thành những đợt dịch. Bệnh tích của bệnh LMLM thể hiện ở miệng, ở vùng móng và ở vùng vú. Khi gia súc bị bệnh sốt cao 40- 42oC kéo dài trong 2 -3 ngày, ăn ít, nặng nề khi nằm xuống, đứng lên, núm vú, bầu vú bị sưng, da xung quanh có mụn đỏ và đau, 2- 6 ngày mụn vỡ tạo thành vết loét dễ gây viêm vú nhiễm trùng. Vì vậy đối với gia súc trong thời kỳ cho sữa, khi mắc bệnh sẽ làm giảm lượng sữa, sức sinh sản kém, có khi bị sẩy thai; bê nghé, heo con sẽ chết do sốt cao, lở miệng không bú được, do mẹ mất sữa, do vi trùng kế phát làm viêm cơ tim, viêm đường tiêu hóa.
Để phòng bệnh LMLM hiệu quả cần thực hiện đồng bộ một số biện pháp sau:
Tiêm vaccin phòng bệnh LMLM đúng theo type gây bệnh (qua điều tra dịch tễ và xét nghiệm mẫu bệnh phẩm) tại địa phương cho trâu bò lúc 4 tháng tuổi. Ở vùng có dịch bệnh xảy ra có thể tiêm sớm hơn lúc trâu bò được 2 tháng tuổi. Tiêm lại 6 tháng một lần. Khi phát hiện gia súc bệnh, báo ngay cho cơ quan thú y địa phương để được hướng dẫn xử lý. Cách ly súc vật khoẻ, tiêu hủy súc vật bị bệnh bằng các biện pháp mạnh như: đốt xác, đổ một trong các loại thuốc sát trùng như Formol 3-5%, dung dịch xút 5%, Virkon 5%, Lodin 5%, vôi bột... rồi chôn sâu 3-4m. Chuồng trại và dụng cụ có súc vật bệnh phải tiêu độc bằng cách đốt rác, chất thải, phun một trong các thuốc sát trùng trên, rồi cũng chôn sâu như chôn xác súc vật sau khi đốt. Bãi chăn thả có súc vật ốm hoặc chết cũng phải tiêu độc như tiêu độc chuồng trại và dụng cụ, chủ yếu là phun các loại thuốc sát trùng liên tục 3-4 tuần lễ.
Bệnh không có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu chữa triệu chứng và phòng nhiễm trùng kế phát. Khi bị bệnh có thể sử dụng một số thuốc sau: Sát trùng các nốt mụn loét bằng axit nhẹ như chanh, giấm, khế... hoặc dùng Vimekon 1/200 rửa sạch chỗ loét hàng ngày. Tăng khả năng đề kháng cho vật nuôi bằng cách tiêm ngày 2 lần x 3 ngày, cho 100kg thể trọng: + MD PENI 4T (1 lọ bột) + MD SEPTRYL 240 (10ml) + MD ANALGIN TD (10ml) + MD DEXA TD (5ml) + MD B1B6B12 (15-20ml)/100-150 kg thể trọng.
Cần tiêm các loại thuốc trợ sức như: Vimekat, Na-Campho, B.Complex ADE, Vitamin C.
Hồ Thị Hiền