Kỳ 3: Làm thế nào để trở thành người tiêu dùng thông thái ?
(Baonghean.vn). Ngoài việc Nhà nước ban hành Luật Bảo vệ người tiêu dùng (đã chính thức có hiệu lực từ 1/7/2011), sự vào cuộc của các cơ quan nhà nước bảo vệ pháp luật, quản lý thị trường như Bộ Thương mại, Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, thì người tiêu dùng (NTD) phải biết tự bảo vệ mình, phải biết làm người tiêu dùng thông thái .
- Thị trường tồn tại hàng hoá nhiễm độc, thật giả lẫn lộn.
Đã có nhiều doanh nghiệp SXKD làm ăn nghiêm túc, đưa ra thị trường những sản phẩm có chất lượng, nhưng bên cạnh đó, vì lợi nhuận trước mắt, vẫn còn không ít tổ chức, cá nhân đã sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu các loại hàng giả, hàng kém chất lượng và thực phẩm mất an toàn, có nguy cơ nhiễm độc, nhiễm khuẩn… không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không qua kiểm dịch thực vật và tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc; rau quả vẫn còn dư lượng các loại thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép…
Cán bộ Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng Nghệ An đang kiểm định
thành phần mẫu sản phẩm được gửi đến.
Vừa qua, nhiều vụ việc vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) được phát hiện đã gây hoang mang dư luận như: các loại gia vị nấu lẩu hay hạt dưa nhuộm phẩm màu có chứa chất gây ung thư; các sản phẩm quả khô, mứt có sử dụng chất tạo ngọt vượt ngưỡng cho phép hoặc nhiễm chì; nước tương có chứa 3-MCPD gây ung thư; sữa bột nhiễm melamine gây độc hại cho trẻ; nước ép quả nhiễm DEHP (chất phụ gia) gây giảm khả năng sinh dục nam, rối loạn dậy thì ở nữ…
Vấn đề rất đáng báo động hiện nay là tình trạng thực phẩm sử sụng các hoá chất độc hại như phẩm màu Tartrazine (E102) là chất bột màu vàng tan trong nước được dùng làm chất tạo màu trong lĩnh vực mỹ phẩm, dược phẩm và nhất là trong thực phẩm thay cho màu chiết suất từ tự nhiên để tiết kiệm chi phí (tiết kiệm từ 50-100 VND/gói mì). Chất này đã bị hạn chế sử dụng ở nhiều nước thuộc cộng đồng EU (Áo, Na Uy, một số nước châu Âu khác) và Nhật Bản, Hàn quốc… do nhiều tác dụng phụ nguy hiểm như có khả năng gây tăng các hoạt động quá mức, bốc đồng thiếu kiềm chế, mất tập trung, dễ cáu gắt của trẻ và ảnh hưởng xấu đến chức năng sinh sản ở nam, phát ban, pha huỷ ADN.... Còn ở Việt Nam, chất này có mặt khá phổ biến (được Bộ Y tế cho phép sử dụng có định lượng quy định) trong bánh hỗn hợp, đồ uống có ga, kẹo cao su, snack, nhiều nhất là ở mỳ-phở ăn liền, như mỳ Hảo Hảo, Miliket, Mummum, Cung Đình, Sao Sáng, Omachi, Gấu đỏ v.v... (VN năm 2010 tiêu thụ khoảng 5 tỷ gói, đứng vị trí thứ 4 trên thế giới trong tiêu thụ mì ăn liền).
Tiến sĩ Trần Đáng – Nguyên Cục trưởng Cục ATVSTP, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, cho biết: lượng E102 tối đa mà cơ thể con người có thể hấp thụ trong một ngày là 0~7,5mg/kg thực phẩm, nhưng vì số lượng E102 có trong rất nhiều loại thực phẩm hàng ngày như bim bim, bánh, nước ngọt… chứ không phải chỉ có trong riêng mì ăn liền, do đó khó biết được lượng phẩm màu E102 vào cơ thể trong một ngày là bao nhiêu.
Về chất bảo quản, Bộ Y tế VN quy định được phép sử dụng có giới hạn, đúng chủng loại... Tuy nhiên, nhiều nhà sản xuất đã lạm dụng các chất này để kéo dài thời gian chờ phân phối sản phẩm trên thị trường, và đương nhiên nếu dùng quá nhiều chất bảo quản sẽ không có lợi cho sức khoẻ người tiêu dùng.
Một vấn đề nữa là gian lận trong thương mại, thông tin quảng cáo sai lệch, lập lờ vẫn đang tồn tại khá nhiều. Ví như cách quảng cáo hoặc thông tin ghi trên bao bì thực phẩm chức năng làm người tiêu dùng (NTD) nhầm lẫn với thuốc chữa bệnh.
- Người tiêu dùng bị ảnh hưởng
NTD Việt Nam bị xâm phạm quyền lợi từ những điều nhỏ lẻ, vặt vãnh như cân, đong, đo, đếm (xăng dầu, gạo, nước…) cho tới những vi phạm ở mức độ cao hơn như trong giao dịch trực tuyến thương mại điện tử (TMĐT). NTD bị vi phạm quyền lợi nhiều nhất là ở yếu tố giá cả và chất lượng sản phẩm, vệ sinh ATTP. Theo báo cáo của Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm-Bộ Y tế, trong quý 1 năm 2011, cả nước xảy ra 16 vụ ngộ độc thực phẩm với 442 người mắc; trong đó 5 người tử vong và 395 người phải nhập viện. Điều đáng nói là nguyên nhân của 2/3 số vụ ngộ độc thực phẩm là do tồn dư hóa chất trong thực phẩm.
Một nghịch lý ở Việt Nam là giá cả không hẳn tỷ lệ thuận với chất lượng. Với các mặt hàng có giá cao, thường bị vi phạm về mặt trọng lượng, thời hạn sử dụng, nhãn mác - thương hiệu. Với những mặt hàng có giá trị thấp hơn thì bị cân đong thiếu, tăng giá bất hợp lý… Những loại hàng thiết yếu như xăng dầu, điện, nước, thuốc chữa bệnh, sữa hộp… liên tục tăng giá mà Nhà nước không kiềm chế được thì người tiêu dùng chỉ biết ngậm ngùi chịu thiệt.
- Ai bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản pháp luật liên quan đến việc bảo vệ NTD, trong đó quan trọng nhất là Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi NTD năm 1999 và Nghị định số 69/2001/CP năm 2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh bảo vệ quyền lợi NTD. Luật Bảo vệ người tiêu dùng đã chính thức có hiệu lực từ 1/7/2011.
Đồ chơi nhựa của Trung Quốc tràn ngập thị trường TP Vinh
Hãy cẩn trọng khi lựa chọn mua mỹ phẩm nhập ngoại.
Ngoài ra, liên quan đến chất lượng sản phẩm, Nhà nước quản lý bằng Pháp lệnh Chất lượng hàng hoá. Các cơ quan quản lý nhà nước và bảo vệ pháp luật như Bộ Thương mại, Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính, Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas). Ngoài ra còn có sự tham gia như một trách nhiệm xã hội của các cơ quan truyền thông đại chúng để góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam, tránh khỏi những thua thiệt, bất trắc trong sự phát triển thị trường đa diện, đa phương hiện nay.
|
Nhưng, trước hết NTD phải biết lên tiếng phản ánh những vi phạm trong sản xuất, kinh doanh, khích lệ những người khác học hỏi, làm theo. Các cơ quan chức năng phải biết lắng nghe, kiểm tra, xử lý kịp thời và có biện pháp chấn chỉnh những cơ sở kinh doanh sai trái; tạo dựng một xã hội tiêu dùng lành mạnh, văn minh.
-Làm thế nào để trở thành người tiêu dùng thông thái ?
Trước hết, NTD phải biết tự bảo vệ mình, phải tự trang bị những kiến thức cần thiết về pháp luật cũng như tiêu dùng, đặc biệt khi mua và sử dụng thực phẩm phải lựa chọn những thương hiệu đã biết trước, có nguồn gốc rõ ràng, có thời hạn bảo hành, thời hạn sử dụng, nhãn thực phẩm phải đáp ứng được các yêu cầu, quy định của Nhà nước. Nên tự trang bị những kiến thức cần thiết thông qua tiếp cận các nguồn tin để có năng lực miễn dịch với các chiêu thức kinh doanh mới lạ, khác biệt mới xuất hiện. Một số kiến thức cơ bản thông thường trong đời sống như: thực phẩm tươi sống tốt hơn thực phẩm đóng gói, sữa mẹ tốt hơn sữa hộp, cùng loại thực phẩm thì hạn sử dụng càng lâu đồng nghĩa với tỷ lệ chất bảo quản càng nhiều, chất có thể gây ô nhiễm cho thực phẩm là nhóm phẩm màu, các chất bảo quản và hóa chất bảo vệ thực vật.
Anh Đinh Văn Bình - công nhân KCN Nam Cấm đang đọc các thông tin trên sản phẩm bánh và quyết định mua sản phẩm không dùng chất bảo quản
Phải thận trọng với thông tin quảng cáo. Người tiêu dùng thường bị nhiễu khi tiếp nhận quá nhiều thông tin đa chiều trong quảng cáo, dễ dẫn đến mua bán theo phong trào, hậu quả là “tiền mất tật mang”.
NTD phải thông tin, phản ánh kịp thời với các CQ chức năng, tổ chức bảo vệ cho mình những bằng chứng cụ thể về sự vi phạm chất lượng hàng hoá. Một tình trạng chung là NTD thường ngại khiếu nại, khởi kiện, đấu tranh với những hành vi tiêu cực. Phần lớn người tiêu dùng không biết mình có quyền lợi, nghĩa vụ gì, ai có thể giúp đỡ, bênh vực họ và họ phải làm gì, gặp ai khi muốn khiếu nại do mua phải hàng hoá không đảm bảo định lượng, số lượng, chất lượng kém hoặc thuê phải dịch vụ kém. Biện pháp tiêu cực của NTD là không mua, không sử dụng các loại thực phẩm hàng hóa đó nữa, là chưa đủ. Bảo vệ cho mình, nhưng chúng ta cũng cần phải đấu tranh mạnh mẽ với các hiện tượng tiêu cực để bảo vệ cho cộng đồng, cho toàn xã hội chúng ta.
Sinh viên Trường CĐ Văn hoá Nghệ thuật mua thực phẩm về tự nấu ăn.
Mỗi người, mỗi gia đình phải tự lập kế hoạch chi tiêu, tiết kiệm. Trong tình hình giá cả lương thực, thực phẩm đang gia tăng, lập kế hoạch và cùng bàn bạc trước khi mua sắm thì sẽ hạn chế chi phí phát sinh, có thể tiết kiệm được rất nhiều.
Cần thay đổi thói quen mua bán và sử dụng thực phẩm cho phù hợp với điều kiện kinh tế và nhu cầu của từng người, từng gia đình để tự bảo vệ sức khỏe của chính mình. Tâm lý bầy đàn, mua bán theo kiểu truyền miệng, xem người bên cạnh nói gì, mua gì rồi mình làm theo, mua theo chính là đã tự đánh mất quyền bảo vệ mình.
Nên chọn mua hàng hoá của những thương hiệu sản phẩm có uy tín ở những cửa hàng quen biết, nghĩa là nên "chọn mặt gửi vàng", “liệu cơm gắp mắm”.
Người tiêu dùng thông thái là phải biết làm chủ đồng tiền của mình để việc chi tiêu luôn có ích, luôn trở thành niềm vui trong cuộc sống./.
Minh Thông