Gần 44% số vụ mô tô, xe máy vi phạm giao thông là không đội mũ bảo hiểm

28/10/2011 11:13

(Baonghean) - Nghị định 34/2010/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định rõ, người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), không đội mũ bảo hiểm (MBH) hoặc cài quai không đúng quy cách bị phạt tiền từ 100.000 - 200.000đ. Tuy nhiên, dù đã đánh vào kinh tế và hơn hết là bảo đảm sự an toàn cho bản thân người ngồi trên xe mô tô, xe máy nhưng nhiều người vẫn chưa có thói quen đội MBH khi tham gia giao thông.

Cho đến nay, đã hơn 1 tháng kể từ khi vụ tai nạn giao thông xẩy ra vào hồi 2h30 sáng ngày 26/8/2011, người dân xóm 5, xã Quỳnh Hậu (Quỳnh Lưu) vẫn còn chưa hết bàng hoàng trước cái chết thảm của 3 anh em con cô, con cậu là Nguyễn Bá Phúc (SN 1988), Nguyễn Văn Tình, Nguyễn Văn Tráng (cùng SN 1991, đều trú tại xóm 5 xã Quỳnh Hậu). Điều đáng nói ở đây chính là việc cả 3 thanh niên này đã quá coi thường tính mạng của mình, khi tham gia giao thông dù trước đó đã uống khá nhiều rượu, và thậm chí còn không đội MBH.

Tình trạng chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông đang là phố biến trong thanh thiếu niên

Đơn cử, theo số liệu từ Phòng CSGT Công an tỉnh, chỉ trong vòng 1 tháng (1/9 – 30/9/2011), trong số 7.365 mô tô, xe máy bị lực lượng CSGT xử phạt vi phạm hành chính trong khi tham gia giao thông, thì đã có đến 3.192 trường hợp mắc lỗi không đội MBH, tương đương 43,3%. Đây thực sự là một điều đáng quan ngại, bởi thực tế đã cho thấy rằng việc không đội MBH khi đi xe máy sẽ dẫn đến những rủi ro rất lớn, trong đó sẽ có nguy cơ bị chấn thương sọ não, thậm chí là tử vong rất cao nếu như không may gặp phải tai nạn.

Trung tá Hoàng Duy Hà, Đội trưởng Đội CSGT Công an TP Vinh, nhấn mạnh: Việc không đội MBH xuất phát từ ý thức kém của người tham gia giao thông, trong đó có ý thức chấp hành Luật Giao thông, và ý thức tự bảo vệ bản thân. Dù quy định đội MBH khi ngồi trên mô tô, xe máy là điều bắt buộc, thế nhưng hiện nay, rất nhiều người dân, trong đó chủ yếu là đối tượng thanh niên vẫn tỏ ra không chấp hành. Rất nhiều trường hợp khi tham gia giao thông không đội MBH, hoặc đội MBH một cách đối phó khi qua chốt kiểm tra, khi bị CSGT xử phạt thì bày ra đủ mọi lý do để biện minh...

Trước thực tế đó, về phía các cơ quan chức năng, đặc biệt là Ban ATGT tỉnh đã có nhiều động thái để tuyên truyền ý thức chấp hành luật giao thông đến đông đảo người dân, thông qua nhiều kênh thông tin khác nhau, đặc biệt là cho các đối tượng thanh thiếu niên, bởi đây là nhóm đối tượng thường xuyên vi phạm, và cần có sự uốn nắn trong ý thức chấp hành. Mới đây, bước vào đầu năm học 2011-2012, Ban ATGT tỉnh cũng đã phối hợp với Sở GD&ĐT tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu Luật ATGT cho học sinh THCS năm học 2011-2012”, trên quy mô toàn tỉnh, với trên 80 trường và 680 học sinh tham gia. Phối hợp với các cơ quan báo, đài truyền hình, xây dựng nhiều phóng sự tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ, các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự ATGT, phản ánh các vi phạm về ATGT… Đồng thời tổ chức cho học sinh ký cam kết không vi phạm Luật Giao thông, nếu vi phạm sẽ bị xử lý bằng các hình thức báo về cho gia đình, nhà trường, hạ bậc hạnh kiểm…

Ban ATGT cũng phối hợp với Đoàn thanh niên, tổ chức ra quân hưởng ứng Tháng ATGT 2011, tiến hành truyền thông tuyên truyền về Luật ATGT cho đoàn viên thanh niên, đặc biệt là ý thức tự giác đội MBH khi đi xe máy. Đoàn cũng đã tiến hành xây dựng được mô hình Đội thanh niên xung kích đảm bảo ATGT, xây dựng các tuyến đường thanh niên tự quản về ATGT…

Dù các cơ quan, ban ngành đã có những động thái nhằm nâng cao ý thức tự giác đội MBH khi đi xe máy cho người dân. Tuy nhiên, điều quan trọng chính là việc nâng cao hiệu quả tuyên truyền, để thói quen đội MBH ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân, chứ không phải là tổ chức một vài buổi truyền thông, phát động vài cuộc thi. Có như vậy mới hi vọng không còn những cảnh tượng đầu trần phóng xe máy ở ngoài đường như hiện nay.


Đặng Cường