Xử lý vi phạm trật tự ATGT: Cần chế tài đủ mạnh

07/11/2011 16:06

(Baonghean) - Thời gian gần đây, tình hình vi phạm trật tự an toàn giao thông ngày càng gia tăng. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do việc phát hiện, xử lý các đối tượng vi phạm chưa triệt để. Sự phối hợp của lực lượng chức năng và các cơ quan, đơn vị có người vi phạm chỉ mới nằm trên thông tư, chỉ thị.

Không có cán bộ, công chức... vi phạm ?!

Ngày 29/6/2007, Chính phủ có Nghị quyết số 32 về các giải pháp kiềm chế gia tăng và tiến tới giảm dần tai nạn giao thông. Tuy nhiên, đến nay tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT) lại có những diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông tăng so với những năm trước. 8 tháng đầu năm 2011, trên phạm vi cả nước đã xảy ra 8.984 vụ tai nạn giao thông, làm tử vong 7.550 người và bị thương 6.908 người. Ở Nghệ An, từ 1/12/2010 đến 25/10/2011 xẩy ra 199 vụ tai nạn, làm chết 236 người, bị thương 129 người (so cùng kỳ năm 2010 tăng 25 vụ, 12 người chết và 33 người bị thương).

Nguyên nhân dẫn tới tai nạn giao thông tăng trong thời gian qua một phần là do chính quyền cơ sở ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đúng mức, còn thờ ơ hoặc đứng ngoài cuộc; nhiều người là cán bộ, công nhân viên chức vi phạm pháp luật trật tự ATGT mà không bị đơn vị quản lý công chức đó xử lý hoặc xử lý không nghiêm. Theo tìm hiểu của chúng tôi thì đa số các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn tỉnh ta chưa đề ra các hình thức kỷ luật khi có cán bộ, công nhân viên vi phạm trật tự ATGT. Trong quy chế, ít cơ quan, đơn vị nhắc đến hình thức xử lý khi cán bộ, công chức vi phạm trật tự ATGT.



Trong số những người vượt đèn đỏ này, có không ít trường hợp là cán bộ, công nhân viên chức.

Trong khi đó, ngày 12/10/2010, Bộ Công an đã ban hành Thông tư 38, nêu rõ: "Người có hành vi vi phạm hành chính về trật tự, ATGT đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa được thông báo bằng văn bản đến công an xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú, công tác, học tập để theo dõi, kiểm điểm, giáo dục" và "công an xã, phường, thị trấn khi nhận được thông báo vi phạm có trách nhiệm vào sổ theo dõi và chuyển thông báo vi phạm đó đến tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn nơi cư trú của người vi phạm hoặc đến cơ quan, trường học nếu người vi phạm là cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên để kiểm điểm, giáo dục; nơi nhận thông báo có trách nhiệm báo lại cho cơ quan đã ra thông báo vi phạm". Trước đó, Thông tư số 22 ngày 12/10/2007 của Bộ Công an còn nhấn mạnh: "Định kỳ 3 tháng, 6 tháng, 1 năm, cơ quan ra thông báo có trách nhiệm tổng hợp kết quả giáo dục, kiểm điểm, xử lý người có hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông và gửi Ban ATGT tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để báo cáo Uỷ ban ATGT quốc gia".

Trong 9 tháng đầu năm 2011, trên địa bàn tỉnh có hơn 110.540 trường hợp vi phạm trật tự ATGT được các lực lượng Công an và Thanh tra giao thông lập biên bản xử lý, chắc chắn trong số này có không ít trường hợp là cán bộ, công nhân viên chức vi phạm. Nhưng khi chúng tôi tìm gặp để xin số liệu tổng hợp những trường hợp là cán bộ, công nhân viên chức vi phạm thì Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Nghệ An không có số liệu của những trường hợp này. Thượng tá Bạch Hưng Dũng - Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh Nghệ An cho biết: các số liệu này không tổng hợp được vì khi lập biên bản xử lý, những người vi phạm thường không khai nơi công tác. Còn theo phản ánh của một số trường hợp vi phạm thì khi lập biên bản xử phạt, lực lượng chức năng thường chỉ ghi địa chỉ cư trú của người vi phạm mà ít khi hỏi cơ quan, đơn vị công tác của người vi phạm.

Tại TP Vinh, từ 1/12/2010 đến 20/10/2011, có 14.058 trường hợp vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông bị lập biên bản, nhưng không phát hiện được trường hợp nào là cán bộ công chức vi phạm, mà chỉ phát hiện 171 trường hợp là học sinh, sinh viên vi phạm và đã gửi thông báo đến nhà trường và Sở Giáo dục để xử lý. Những trường hợp này các trường đều gửi thông báo lại cho Công an TP Vinh, kết quả xử lý của các trường thường là cảnh cáo toàn trường, hạ bậc hạnh kiểm, ghi học bạ, báo về cho gia đình và địa phương.

Cần một biện pháp mạnh

Để giải quyết vấn đề vi phạm trật tự ATGT và từng bước tạo ra ý thức thực hiện văn hóa giao thông cho mọi người, khó có thể mong đợi vào tính tự giác mà cần hơn cả là những biện pháp quyết liệt có tính răn đe mạnh của các ngành chức năng và chính quyền các địa phương.

Ngày 4/10/2011, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An - Hồ Đức Phớc đã ký Quyết định số 4070 về việc thành lập Văn phòng Ban ATGT tỉnh Nghệ An làm nhiệm vụ tham mưu Ban ATGT tỉnh chỉ đạo, triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về trật tự ATGT; xây dựng chương trình, kế hoạch và biện pháp phối hợp với các ban, ngành, chính quyền các cấp trong việc thực hiện các giải pháp về bảo đảm trật tự ATGT...

Tại cuộc họp ngày 12/10/2011 về triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách kiềm chế tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh ta, đã có nhiều giải pháp mạnh được đưa ra. Đó là cần xác định trách nhiệm của các ngành, địa phương, đơn vị và người đứng đầu của ngành, địa phương, đơn vị ấy. Cũng tại cuộc họp, đồng chí Hồ Đức Phớc, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An - Trưởng Ban An toàn giao thông tỉnh đã phê bình Chủ tịch UBND các huyện không tham dự cuộc họp và 11 địa phương để tai nạn giao thông gia tăng, yêu cầu các địa phương này phải tổ chức họp kiểm điểm đánh giá làm rõ nguyên nhân và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp khắc phục. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, từ nay, UBND các cấp, các cơ quan nhà nước, các tổ chức đoàn thể phải đưa việc chấp hành pháp luật trật tự ATGT là một tiêu chí quan trọng để xét thi đua khen thưởng, kỷ luật đối với các đơn vị và cá nhân, nhất là đối với người đứng đầu địa bàn, phạm vi quản lý. Đây là một dấu hiệu cho thấy sự quyết liệt trong chỉ đạo điều hành của tỉnh đối với công tác đảm bảo trật tự ATGT hiện nay.


Đức Chuyên