Hiểu đúng về chất lượng hàng hóa

12/09/2011 15:50

(Baonghean) - Để người Việt Nam chọn dùng hàng Việt Nam, chúng ta không chỉ nhằm vào người tiêu dùng mà tuyên truyền, kêu gọi lòng yêu nước của người tiêu dùng. Hàng nội có thực sự được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn, phát triển bền vững, hơn hết phái có sự vào cuộc của nhiều phía, trong đó có cơ quan quản lý, nhà sản xuất,...

Kỳ 1: Đâu là chất lượng hàng hoá ?

Theo ông Phan Ngọc Quang – Chi cục phó Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng Nghệ An, chất lượng hàng hoá được đánh giá cả hai tiêu chí: chất và lượng.

Chất là các thành phần vật chất cấu thành nên nội dung sản phẩm (tính năng, công dụng sản phẩm), lượng là định lượng sản phẩm được tính theo đơn vị đo tương ứng đặc tính của sản phẩm để đóng gói nhằm thuận tiện trong vận chuyển và liều lượng trong sử dụng. Các thành phần vật chất cấu thành nội dung sản phẩm để thực hiện chức năng đạt hiệu quả cao nhất mà người tiêu dùng mong muốn. Ví như: Với thực phẩm là muối, đường, chất béo, khoáng, tinh bột, vitamin…qua tiêu hoá tạo ra năng lượng kalo cho cơ thể; Với dược phẩm là các hoạt chất thảo dược, hoá dược, tá dước, chất dẫn xuất… giúp cơ thể khống chế virut có hại và kích thích tái tạo tế bào; Với phân bón là đạm, lân, kali… cung cấp dưỡng chất cho cây trồng sinh trưởng,v.v… Lượng được tính theo đơn vị đo như gam, kilogam, ml, lit, mm, cm, mm2, cm2,… thông qua phương thức đóng gói như gói, bì, thùng, chai, lọ, vỉ, hộp, bó, cuộn,…

Các thông tin về chất và lượng đều phải được ghi trên sản phẩm hoặc bao bì nhằm giúp người tiêu dùng biết cách sử dụng, kiểm tra sản phẩm và nhà sản xuất khẳng định thương hiệu cũng như trách nhiệm với sản phẩm của mình.

Vậy, chất và lượng của một sản phẩm có phải tuân thủ quy định bắt buộc nào không ?

Cũng theo ông Phan Ngọc Quang, ở Việt Nam hàng hoá được chia theo hai nhóm:
nhóm 1 là sản phẩm, hàng hoá trong điều kiện vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, sử dụng hợp lý và đúng mục đích, không gây hại cho người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường, như sách vở, văn phòng phẩm, văn hoá phẩm,… Nhóm sản phẩm này cả chất và lượng đều do nhà sản xuất tự công bố và tự chịu trách nhiệm về sự phù hợp của sản phẩm hàng hóa với tiêu chuẩn công bố áp dụng. Với nhóm 2 là các sản phẩm, hàng hoá có khả năng gây mất an toàn. Đây là nhóm sản phẩm, hàng hoá trong điều kiện vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, sử dụng hợp lý và đúng mục đích, vẫn tiềm ẩn khả năng gây hại cho người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường như đồ điện, mũ bảo hiểm, thiết bị có sử dụng phóng xạ, có áp suất cao, chịu lực nâng-co-kéo, dễ sát thương, gây cháy nổ, tốc độ lớn vv…Nhóm này phải đạt tiêu chuẩn công bố áp dụng và tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do nhà nước ban hành.


Kiểm định công tơ điện ở Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng Nghệ An.


Đồ chơi trẻ em ở siêu thị Intimex Nghệ An

Ai sẽ kiểm định ?

Hiện nay, việc quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa được giao cho nhiều bộ, ngành thực hiện. Như ngành Y tế với dược phẩm, vacin phòng dịch bệnh và trang thiết bị y tế; ngành Nông nghiệp với phân bón, giống cây trồng vật nuôi, thức ăn chăn nuôi,… ngành Giao thông Vận tải với các phương tiện tham gia giao thông, hệ thống báo hiệu-hỗ trợ an toàn và thiết bị theo dõi quản lý; ngành Xây dựng với nguyên vật liệu xây dựng và các công cụ thi công; ngành Môi trường với các thiết bị kiểm tra ô nhiễm nước, không khí, tiếng ồn, sóng từ ,vv… Do đó, trong bộ máy các ngành phải hình thành những bộ phận làm chức năng kiểm định, đánh giá sự phù hợp của chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo chuyên ngành.

Như ở ngành Y tế có Trung tâm y tế dự phòng, Trung tâm kiểm định dược phẩm; ngành Tài nguyên, môi trường có Trung tâm quan trắc môi trường; ngành Giao thông Vận tải có Trung tâm Đăng kiểm, giám định phương tiện giao thông, vv….

Ngoài các đơn vị sự nghiệp kỹ thuật thuộc các bộ,ngành, địa phương thì nhà nước cũng khuyến khích việc xã hội hóa hoạt động kiểm định chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Tuy nhiên, do tốc độ kinh tế xã hội phát triển nhanh, công nghệ sản xuất ngày một hiện đại, nhiều loại sản phẩm, hàng hóa được sản xuất nên nhiều lĩnh vực để kiểm định thành phần hàng hoá được chính xác phải có thiết bị hiện đại, đắt tiền và thời gian cho kết quả khá lâu. Như kiểm định thành phần của tân dược, chất bảo quản trong thực phẩm đóng gói, thực phẩm tươi sống, dư lượng của thuốc trừ sâu trong sản phẩm cây trồng, chất kích thích tăng trọng trong sản phẩm vật nuôi, tác hại bạc màu đất của phân vô cơ,… Vì vậy, việc đầu tư xây dựng các cơ sở kiểm định chất lượng sản phẩm, hàng hóa đáp ứng kịp thời yêu cầu của sản xuất và quản lý hiện còn những bất cập.

Hiện nay, ở Nghệ An vẫn còn nhiều mẫu phẩm muốn được kiểm định phải đưa đi hàng trăm km, chờ đợi kết quả quá lâu và chi phí tốn kém, do đó nhiều mã sản phẩm và lô sản phẩm nghi ngờ trong quá trình thanh kiểm tra đã phải chờ đợi lâu mới có kết quả kiểm định nên việc có được kết luận và xử lý kịp thời gặp khó khăn.Xin được nêu một ví dụ để suy nghĩ: Ở nhà máy Bia Hà Tây (cũ), công nghệ và thiết bị nhập của Đan Mạch, giám sát sản xuất là các chuyên gia nước ngoài. Hàng ngày người ta lấy mẫu sản phẩm gửi máy bay sang hãng sản xuất “mẹ” để kiểm định, do đó chất lượng các loại bia tiger, heniken sản xuất tại nhà máy này hàng chục năm nay vẫn ổn định. Đó là cách làm ăn bền lâu vì chữ tín của chính họ.

(còn nữa)


Minh Thông