Lãnh đạo các cấp, cán bộ công chức không nên can thiệp vào xử lý vi phạm giao thông

24/11/2011 09:21

Phát biểu tại Quốc hội, hôm 23-11, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang đề nghị, sắp tới bỏ xử phạt nộp tiền vi phạm hành chính về trật tự giao thông tại kho bạc, thay bằng phạt qua tài khoản.

Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang.

Đồng bộ nhiều giải pháp

Phát biểu tại phiên chất vấn sáng nay, sau khi Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đăng đàn, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cho rằng, những giải pháp của Bộ trưởng Đinh La Thăng về giảm thiểu tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông đưa ra khá toàn diện. Bộ trưởng Trần Đại Quang bổ sung thêm một số vấn đề cụ thể liên quan đến việc giảm thiểu tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông.

Theo Bộ trưởng Quang, tai nạn giao thông phụ thuộc vào nhiều yếu tố, gồm: Vấn đề liên quan đến quy tắc giao thông (pháp luật giao thông và thực thi pháp luật giao thông); Tình trạng xuống cấp của hạ tầng giao thông ở nhiều nơi; Sự gia tăng nhanh của các phương tiện giao thông, đồng thời vẫn còn nhiều phương tiện không đảm bảo chất lượng nhưng vẫn tham gia giao thông.

Cùng với đó là vấn đề tổ chức giao thông và ý thức của người tham gia giao thông (đây là yếu tố rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến tai nạn giao thông. Qua phân tích các vụ tai nạn giao thông cho thấy, 80% số vụ tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện giao thông gây ra).

Theo Bộ trưởng Trần Đại Quang, cần phải tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, làm cho mọi người ý thức được trách nhiệm của mình khi tham gia giao thông. Xây dựng nếp sống văn hóa giao thông, tự giác chấp hành pháp luật giao thông và ứng xử một cách có văn hóa khi tham gia giao thông...

Liên quan đến vấn đề hành lang pháp lý, Bộ trưởng Trần Đại Quang kiến nghị tiếp tục xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật để đảm bảo sát với thực tế và thực thi pháp luật được nghiêm minh. Phải nâng mức xử phạt cao hơn để đủ sức răn đe. Áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, thí dụ như đua xe, lạng lách phải tịch thu phương tiện.

“Tôi đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng Đinh La Thăng, yêu cầu chủ phương tiện phải mở tài khoản hoặc nộp một khoản tiền nhất định để buộc trách nhiệm của mình khi tham gia giao thông. Thực tế có nhiều trường hợp khi vi phạm bị thu giữ xe thì chủ lái xe bỏ luôn phương tiện đó. Chúng tôi đề nghị rút gọn các thủ tục xử phạt vi phạm hành chính về trật tự giao thông” – Bộ trưởng Quang nói.

Theo ông Quang, trước nay, chúng ta quy định người vi phạm phải đến kho bạc nộp tiền, sau đó tiếp tục quay trở lại để giải quyết, như vậy rất phiền hà. Ông Quang đề nghị sắp tới bỏ hình thức xử phạt nộp tiền vi phạm hành chính về trật tự giao thông tại kho bạc, thay thế bằng hình thức xử phạt thông qua tài khoản hoặc phạt trực tiếp bằng tem xử phạt vi phạm về trật tự an toàn giao thông.

Không nên can thiệp vào xử phạt giao thông

“Các biện pháp thông báo về nơi cư trú, đơn vị công tác của người vi phạm trật tự an toàn giao thông đã được triển khai một thời gian song tác dụng vẫn chưa được như ý muốn.

Chúng tôi đề nghị thay bằng hình thức đăng công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng những người vi phạm giao thông nghiêm trọng để giáo dục, răn đe.

Chúng tôi cũng đề nghị phải nghiêm cấm lãnh đạo các cấp, cán bộ công chức nhà nước không nên can thiệp vào các vụ việc xử lý vi phạm giao thông. Như thế mới đảm bảo cho việc xử lý được nghiêm mình” – Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang.

Bộ trưởng Quang cũng đề nghị phải nâng thẩm quyền xử phạt cho cán bộ cảnh sát giao thông. Xử phạt bằng hình ảnh ghi nhận vi phạm trật tự giao thông. Mức phạt từ 250-500.000 đồng hiện nay vẫn còn thấp.

Giải pháp cuối cùng đã và đang được triển khai, theo ông Quang, là công tác tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm giao thông là xây dựng đội ngũ cảnh sát giao thông ngày càng trong sạch, vững mạnh, đi liền với việc biểu dương các gương người tốt, việc tốt, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, tiêu cực. Thậm chí có trường hợp bị tước quân tịch, truy tố trước pháp luật. Đó là những giải pháp nhằm góp phần giảm tải tai nạn giao thông.

Quỹ đất dành cho giao thông ở đô thị quá thấp

Riêng về vấn đề ùn tắc giao thông, theo Bộ trưởng Quang có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Một trong những nguyên nhân quan trọng gây ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn hiện nay bắt nguồn từ tai nạn giao thông. Thống kê ở một số thành phố cho thấy 44% là do tai nạn giao thông gây ra, dẫn đến ùn tắc giao thông.

Ngoài ra, các nguyên nhân khác như lưu lượng phương tiện tham gia giao thông đông, chiếm tới 23%, xe hỏng chiếm 19%. Hiện nay, kết cấu giao thông đô thị vẫn còn nhiều bất cập. Các nút giao thông chủ yếu là nút giao thông đồng nút, rất ít nút giao thông khác nút. Chẳng hạn, ở Hà Nội, trong 1.134 nút giao thông, chỉ có 14 nút giao thông khác nút.

Nhiều tuyến đường quốc lộ không có đường nhánh nên khi xảy ra tai nạn giao thông hoặc sự cố trên đường không có phương tiện đến cứu hộ dẫn đến ùn tắc giao thông.

Ý thức của người tham gia giao thông cũng là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc trầm trọng hơn.

Các giải pháp cơ bản và lâu dài để khắc phục ùn tắc giao thông, phải cải thiện kết cấu hạ tầng giao thông để hạn chế các điểm giao cắt đồng mức.

Đồng quan điểm này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, nguyên nhân đầu tiên, cốt lõi khiến giao thông ùn tắc là đất dành cho giao thông ở các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh rất thấp (chỉ khoảng 8% trong khi yêu cầu đất dành cho giao thông phải đạt từ 24-26%, theo luật là 16-26%). Diện tích bãi đỗ xe chỉ đạt chưa đến 1% (Hà Nội là 0,3%, TPHCM là 0,8 %), trong khi yêu cầu phải đạt từ 3-5% trên tổng diện tích đất đô thị.

Nguyên nhân thứ hai là thiếu kiểm soát sự gia tăng dân số cơ học ở các đô thị trung tâm, đặc biệt là xu hướng tập trung hóa đô thị đang diễn ra ở hai TP lớn là Hà Nội và TP HCM.

Nội thành Hà Nội mật độ 25.000-36.000 người/km2, TP HCM là 26.500 người/km2. Trong khi đó, những đô thị lớn ở Singapore, Hồng Kông chỉ khoảng 6.500 người/km2. Theo quy hoạch 108 năm 1998 mà chính phủ phê duyệt thì bốn quận nội thành Hà Nội phải giữ ở mức độ 80 vạn dân, nhưng hiện nay đã 1,2 triệu dân.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng.


Mạng lưới giao thông còn rất bất cập như: thiếu các tuyến vành đai; các đường xuyên tâm; chậm đầu tư giao thông chủ yếu; thiếu tổ chức giao thông không gian (giao thông ngầm, giao thông trên cao và giao thông dưới mặt đất), và thiếu liên kết giữa giao thông của các công trình cao tầng (hiện nay các công trình cao tầng đều phải xuống mặt đất để đi).

Việc phát triển nhà cao tầng ở nội đô, các công trình công cộng như trường học, bệnh viện, trung tâm mua sắm,…chưa được kiểm soát một cách chặt chẽ.

Các khu đô thị mới thiếu hạ tầng kỹ thuật, xã hội hạ tầng dịch vụ đồng bộ. Chẳng hạn một khu đô thị xây xong thiếu trường học, bệnh viện, khu mua sắm… dẫn đến tình trạng người từ đô thị này phải đến đô thị khác để mua hàng dẫn đến giao thông ách tắc.


(Theo Tiền phong)