Cần được tổ chức xứng tầm
(Baonghean) - Giải thưởng VHNT Hồ Xuân Hương do UBND tỉnh Nghệ An tổ chức đến nay đã bước vào mùa giải lần thứ IV, nhằm tôn vinh các tác phẩm VHNT của các văn, nghệ sỹ tỉnh nhà (Giải lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1992). Ở ba lần giải trước và cả giải lần này, đều đã thu hút đông đảo văn nghệ sỹ tham gia và nhiệt tình ủng hộ. Nhưng ở lần giải thứ IV (giai đoạn 2005 - 2010) do một số "sự cố" đáng tiếc nên đến nay Ban tổ chức vẫn chưa thể trao giải dù kết quả đã được công bố cách đây gần 6 tháng...
Tại cuộc Giao Ban Báo chí định kỳ tháng 11 năm 2011 diễn ra vào sáng ngày 5 tháng 12 năm 2011 có nhiều ý kiến phát biểu và tranh luận xung quanh Giải thưởng Hồ Xuân Hương lần thứ IV. Đáp lại sự quan tâm của các cơ quan báo chí, các đồng chí chủ trì đã thông báo nội dung Công văn số 1412/STP-VB ngày 02 tháng 12 năm 2011 của Sở Tư pháp liên quan đến những vấn đề về thể lệ, qui chế giải thưởng. Trong đó khẳng định việc UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 59/QĐ UBND.VX ngày 6/1/2011 phê duyệt thể lệ Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Hồ Xuân Hương giai đoạn 2005-2010 là phù hợp với tính chất của giải thưởng. Về tính pháp lý của các văn bản, căn cứ tại tiết 1, khoản 2, điều 2 Nghị định số 91/2006/NĐ-CP ngày 06 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ thì Quyết định số 08/QĐ- UBND.VX ngày 06 tháng 9 năm 2010 của UBND tỉnh vềviệc thành lập Ban chỉ đạo, Hội đồng sơ khảo, Hội đồng chung khảo Giải thưởng Văn học nghệ thuật Hồ Xuân Hương lần thứ IV giai đoạn 2005-2010 và Quyết định số 59/ QĐ.UBND ngày 06 tháng 01 năm 2011 của UBND tỉnh về việc phê duyệt thể lệ Giải thưởng Văn học nghệ thuật Hồ Xuân Hương giai đoạn 2005- 2010 là văn bản cá biệt vì không đủ các yếu tố của văn bản qui phạm pháp luật. Do vậy, việc ban hành các văn bản trên không phải theo trình tự thủ tục ban hành văn bản qui phạm pháp luật, không phải qua thẩm định của Sở Tư pháp trước khi trình UBND tỉnh ban hành.
Về những vướng mắc hiện tại của Giải thưởng Hồ Xuân Hương: Theo thông báo của Hội đồng chung khảo có 110 tác giả đạt Giải thưởng VHNT mang tên nữ văn sỹ họ Hồ lần thứ IV (giai đoạn 2005 - 2010) ở 8 thể loại (thơ, văn, mỹ thuật, âm nhạc - múa, sân khấu, lý luận phê bình, văn nghệ dân gian và ảnh). Tuy nhiên, sau khi kết quả giải được công bố (tháng 6/2011), có 15 khiếu nại của các tác giả dự giải khiến cho việc tổ chức trao giải chưa thực hiện được. Theo nội dung các đơn khiếu nại, thì ngoài việc cho rằng có những sai phạm trong quy trình tổ chức giải, còn khiếu nại đề nghị phúc khảo kết quả giải đã được công bố.
Trước hết phải khẳng định việc tổ chức trao Giải thưởng Văn học Hồ Xuân Hương thể hiện sự quan tâm đặc biệt, sự trân trọng tôn vinh của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân đối với giới văn nghệ sỹ trí thức tỉnh nhà. Từ khi hình thành đến nay, giải thưởng này thực sự trở thành một giải thưởng danh giá, tôn vinh được thành quả lao động, sáng tạo của giới văn nghệ sỹ Nghệ An. Cũng như giải thưởng mang tên Đại thi hào Nguyễn Du lúc còn là tỉnh Nghệ Tĩnh, Giải thưởng Hồ Xuân Hương được coi là một giải thưởng VHNT địa phương được tổ chức quy mô, uy tín ở khu vực Bắc Trung Bộ nói riêng, cả nước nói chung. Bởi vậy, việc xảy ra đơn khiếu nại lần này là một câu chuyện buồn nhưng cũng chỉ là " hạt sạn nhỏ" so với bề dày truyền thống, giá trị tinh thần và ý nghĩa nhân văn của giải thưởng mang tên "bà chúa thơ Nôm". Hơn nữa, sau mỗi cuộc thi, cuộc trao giải thưởng, việc một số người chưa hài lòng về chuyện này, chuyện nọ là hết sức bình thường, đặc biệt đây lại là cuộc thi dành cho giới văn nghệ sỹ- những người vốn rất nhạy cảm nhưng cũng rất cá tính và có cái tôi rất lớn. Trong sáng tạo nghệ thuật, màu sắc cái Tôi của người nghệ sỹ gần như là vấn đề sống còn của một tên tuổi, một sự nghiệp. Với họ, sản phẩm Nghệ thuật của mình là đứa con tinh thần "là máu, là xương, nụ cười và nước mắt" nên luôn nâng niu, trân trọng và tự hào. Thế nhưng, cách nhìn nhận, đánh giá các tác phẩm của mỗi người lại khác nhau. Cha ông ta cũng đã đúc kết "xưa nay thế thái nhân tình, vợ người thì đẹp, văn mình thì hay". Và cũng bởi "văn mình, vợ người" nên những tranh cãi, tự ái nghề nghiệp và cả những kiến nghị đôi khi rất hồn nhiên của các văn nghệ sỹ trong chuyện xét chọn giải thưởng được coi là chuyện bình thường. Ví như trong giải thưởng Hồ Xuân Hương lần này, có nhiều tác giả đạt giải (vừa là thành viên trong hội đồng sơ khảo) sau khi giải công bố lại đột nhiên đề nghị phúc khảo nâng hạng giải thưởng cho mình và cả người thân; hay cho rằng tác phẩm của mình hay hơn tác phẩm của người này, người kia nên không thể xếp đồng hạng...
Vấn đề là, những thắc mắc kiến nghị như trên có thể giải quyết theo chiều hướng tích cực, đảm bảo tính văn hóa và nhân văn không đáng để gây điều tiếng ồn ào vừa ảnh hưởng đến uy tín của giải, vừa ảnh hưởng đến hình ảnh của văn nghệ sỹ trong lòng công chúng. Bởi suy cho cùng điều quan trọng nhất đối với những người làm nghệ thuật không chỉ là giải thưởng này, nọ mà chính là sức sống lâu bền của những tác phẩm nghệ thuật trong lòng công chúng và dòng chảy dân tộc. Ngay các bậc tiền bối như: Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du, Nguyễn Trãi... lúc đương thời có được giải thưởng nào đâu, mà họ và những tác phẩm của họ vẫn vẹn nguyên giá trị và được coi trọng theo thời gian dù đã trải mấy trăm năm, thậm chí ảnh hưởng từ những đứa con tinh thần của họ còn vượt ra ngoài biên giới quốc gia. Tài năng là thế, nhưng Đại thi hào Nguyễn Du lúc trước cũng có lúc thảng thốt chạnh lòng "Ba trăm năm nữa ta đâu biết/Thiên hạ ai người khóc Tố Như?". Nhưng thực tế chứng minh không chỉ ba trăm năm mà là hàng nghìn năm sau nữa hậu thế vẫn có người khóc Tố Như, nhớ Tố Như... Hay những văn nghệ sỹ người Nghệ như nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo vốn không "mặn mà" với bất cứ giải thưởng nào, thì con người ông, những tác phẩm, những vần thơ lay động hồn người kiểu như "Chia cho em một đời tôi, một cay đắng/ một niềm vui/ một nỗi buồn... Chia cho em một đời say/ Một cây si với một cây Bồ Đề..." (Chia) đã được đông đảo độc giả trong cả nước yêu mến và đón nhận. Hay như nhà thơ Thạch Quỳ dù có giải hay không ông vẫn là "ông đồ gàn" đáng yêu của xứ Nghệ "quê choa" với những tác phẩm, những vần thơ sống mãi trong lòng độc giả nhiều lứa tuổi như " Con ơi con thức dậy giữa ngày thường/nghe chim hót đừng nghe mê mải quá "(Với Con) hay "Ơi chích chòe ơi/ chim đừng hót nữa/ bà em ốm rồi/ lặng cho bà ngủ...Hoa xoan, hoa khế/ Chín lặng trong vườn/ bà mơ tay cháu/ quạt đầy hương thơm" (Quạt cho Bà ngủ)...
Có thể khẳng định những đóng góp từ lao động, sáng tạo nghệ thuật của các văn nghệ sỹ Nghệ An vào sự phát triển của tỉnh nhà và thành quả chung của lĩnh vực VHNT cả nước là không thể phủ nhận. Bản chất hoạt động hay còn gọi là thiên chức của họ, là sự sáng tạo đem lại những chân giá trị cao đẹp bồi đắp cho đời sống tinh thần xã hội với mục đích hướng thiện, phát triển. Sự xem xét, đánh giá, giải quyết những thắc mắc, đòi hỏi của họ trước hết phải từ sự chia sẻ một cách thỏa đáng mục đích, khát vọng sáng tạo, cống hiến suốt quá trình thực hiện thiên chức cao cả của mỗi văn nghệ sỹ. Được biết, trong số các văn nghệ sỹ có đơn thư, nhiều người đã khẳng định được vị trí của mình trong lĩnh vực sáng tác xét trên bình diện cả nước với nhiều giải thưởng cao trong khu vực và quốc gia. Ở đây, chúng tôi không lạm bàn về việc có tác giả cùng một tác phẩm đó đạt giải cao quốc gia, nay lại đạt hạng thấp hơn trong Giải thưởng Hồ Xuân Hương, một phần vì để đánh giá về một tác phẩm VHNT nói chung là hoàn toàn thuộc về chuyên môn, mặt khác ai cũng đều đồng ý với quan điểm "mỗi giải thưởng đều có chủ đề, tiêu chí riêng" nên cách đánh giá, chấm giải phải dựa trên điều kiện đó để có kết quả đúng đắn, phù hợp thực tế. Mà, chúng tôi khẳng định lại, việc nảy sinh những khiếu nại, của các tác giả đạt giải trong giải thưởng này xét đến cùng cũng chỉ là những phản ứng thường có của giới văn nghệ sỹ nói chung. Bởi không chỉ có Giải thưởng Hồ Xuân Hương mà nhiều giải thưởng văn học nghệ thuật khác của Hội Nhà văn cũng có những tranh cãi, bất đồng do chưa tìm thấy tiếng nói đồng thuận chung về cách đánh giá hoặc những lý do khác được nêu ra một cách rất... văn nghệ sỹ.
Phần lớn những ý kiến mang tính khách quan, xây dựng thực sự, đều cho rằng xảy ra việc khiếu nại là một điều đáng tiếc; nhưng vấn đề là trong mọi cuộc thi các văn nghệ sỹ đều cần phải có một thái độ tôn trọng kết quả giải đã công bố, nhất là đối với một giải thưởng đã được duy trì gần 20 năm nay. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Nghệ An, Ban chỉ đạo giải thưởng trên tinh thần tôn trọng quyền công dân và sự trân trọng đội ngũ văn nghệ sỹ tỉnh nhà, sau khi đã giải đáp các khiếu nại cũng cần có kế hoạch tổ chức trao giải sớm trong năm 2011 để đáp ứng mong mỏi chính đáng của phần đông các tác giả đạt giải và sự mong đợi, kỳ vọng của công chúng đối với thành quả VHNT của tỉnh nhà trong 5 năm qua; đồng thời cũng là để đảm bảo tính nghiêm túc, ý nghĩa của một giải thưởng lớn và danh giá đối với lĩnh vực VHNT tỉnh nhà. Thời gian qua, UBND tỉnh cũng đã rất quan tâm xem xét, điều chỉnh một vài chi tiết, phần việc trong quá trình tiến hành tổ chức giải để đảm bảo đúng quy định của thể lệ giải, đáp ứng các tiêu chí cần thiết khác nhằm đảm bảo chất lượng của Giải thưởng Hồ Xuân Hương. Tuy về mặt thể lệ, qui chế lẫn cơ cấu thành phần của hội đồng sơ khảo, chung khảo vẫn chưa chặt chẽ và còn thiếu sót cần phải điều chỉnh, nhưng không thể vì thế mà phủ nhận giá trị và ý nghĩa của giải thưởng, vì như vậy sẽ đồng nghĩa với phủ nhận thành tựu chung trên lĩnh vực VHNT tỉnh nhà. Hồ Xuân Hương vẫn là giải thưởng được đông đảo giới văn nghệ sỹ đón nhận và công chúng quan tâm.
Hy vọng rằng, với sự đồng thuận, ứng xử có lý, có tình và nhân văn của các văn nghệ sỹ, lễ trao Giải thưởng VHNT mang tên bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương lần thứ IV sẽ sớm được tổ chức xứng tầm, đáp ứng lòng mong mỏi của công chúng xứ Nghệ. Bởi không ai khác, mà công chúng mới chính là người quyết định sức sống của tác phẩm nghệ thuật một cách công bằng, khách quan, vô tư và thuyết phục nhất.
Việc UBND tỉnh thống nhất ra Quyết định số 6410/QĐ-UBND.VX ngày 30 tháng 12 năm 2010 hủy bỏ tiết 3, điều 2 qui định "các thành viên của các ban sơ khảo, Hội đồng chung khảo không vừa là những người có tác phẩm dự giải" trong Quyết định số 3908/QĐ-UBND.VX là để đảm bảo công bằng trong quá trình chấm giải xuất phát từ thực tế những người trong Hội đồng sơ khảo, Hội đồng chung khảo (số lượng khoảng 40 người) đều là những văn nghệ sỹ có tác phẩm đủ điều kiện tham gia dự giải. Mặt khác, để đảm bảo tính khách quan, tại điểm II, mục 2 thể lệ Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Hồ Xuân Hương giai đoạn 2005-2010 cũng đã qui định "Thành viên Hội đồng sơ khảo, Hội đồng chung khảo nếu có tác phẩm dự giải thì không được dự các phiên họp xét, cho điểm tác phẩm của mình. Trong Công văn số 142/STP-VB ngày 02/12/2010 của Sở Tư pháp cũng khẳng định: Việc bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ điều, khoản không phù hợp là một hoạt động trong xây dựng và ban hành văn bản được thực hiện theo nguyên tắc cơ quan nào ban hành thì việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, bãi bỏ phải được thực hiện bằng văn bản của chính cơ quan đã ban hành ra văn bản đó. Như vậy, qui trình thành lập Ban chỉ đạo, Hội đồng sơ khảo, Hội đồng chung khảo và ban hành thể lệ Giải thưởng Văn học nghệ thuật Hồ Xuân Hương lần thứ IV giai đoạn 2005-2010 là đúng thẩm quyền và tuân thủ quy định của pháp luật. |
P.V