Kỹ thuật trồng và thu hái nấm rơm
(Baonghean.vn) Thời gian gần đây, nghề trồng nấm đã trở lại và trở thành nghề “hái ra tiền” của bà con nông dân ở một số địa phương, đặc biệt ở huyện Yên Thành. Cứ mỗi tấn rơm dùng trồng nấm, trong thời gian 15 – 20 ngày có thể thu lãi ròng từ 500– 700 nghìn đồng.
Nấm rơm có thể trồng được quanh năm. Nhữngtháng giáp Tết, có gió lạnh thì phải che kỹ, giữ ấm và làm mô to hơn. Ở những nơi có gió mạnh, phải làm rào chắn gió, đồng thời bố trí mô nấm thẳng góc với hướng gió. Có thể dùng nhiều vật liệu khác nhau để trồng nấm rơm như rơm rạ, bã mía, thân và lá chuối... nhưng phổ biến nhất là dùng rơm rạ, có thể dùng rơm tươi hoặc rơm rạ đã khô. Rơm được chất thành đống rộng khoảng 1,5 – 2m, dài ít nhất 1,5m. Chất một lớp rơm bề cao khoảng 2 – 3 tấc (bổ sung dinh dưỡng 0,5 – 1% urê, 1% vôi) tưới nước cho thật ướt và dùng chân dẫm cho chặt, tiếp tục làm như vậy đến khi đống ủ có chiều cao khoảng 1,5m. Sau 3 - 4 ngày đảo rơm rạ một lần cho thật đều, sau 10 - 12ngày ta có thể kéo rơm ra chất mô.
Trồng nấm ở xã Nam Thành (Yên Thành). Ảnh: X.Hoàng
Cách chất mô: Dỡ bỏ lớp rơm mặt ngoài đồng ủ, lấy rơm bên trong để xếp mô nấm và cố gắng xếp hết trong ngày bằng cách: Rải vôi xử lý nền, lấy rơm cuộn tròn như cái gối và dựng đứng ép thành luống chiều cao khoảng 20cm, rộng 30 - 40cm, rải một đường meo giống ở giữa dọc theo mô (Muốn chọn meo tốt cần chọn những bịch có những sợi tơ nấm màu trắng trong, mùi tương tự như nấm rơm, tơ nấm phát triển đều và kín bịch meo). Tiếp tục rải rơm chất lớp thứ hai, lớp này cao khoảng 15cm, tưới nước, đè chặt rồi rải lớp meo thứ hai. Cứ mỗi lớp rơm dày 15 – 20cm thì rải một lớp meo. Ở trên cùng phủ một lớp rơm mỏng khoảng 5cm, tưới nước rồi đè chặt. Hàng ngày theo dõi tưới nước và 4 -5 ngày sau dùng rơm khô rải tơi khắp toàn bộ mặt ngoài của mô, tạo thành áo mô dầy 10 - 15cm (hiện đang là mùa lạnh thì chất xong phủ rơm ngay và phủ dày).
Chăm sóc nấm rơm trong thời gian ủ tơ quan trọng nhất là theo dõi độ ẩm và nhiệt độ, bằng cách dùng tay rút một mớ rơm ở giữa mô, nắm chặt trong lòng bàn tay, nước hơi rịn ra ở kẽ tay là vừa. Có thể điều chỉnh độ ẩm của mô bằng cách tưới nước, phải dùng thùng tưới vòi búp sen có tia nhỏ, vì giọt nước mạnh dễ làm hư những tơ nấm và nụ nấm nhỏ. Bà con theo dõi nhiệt độ bằng cách sử dụng nhiệt kế đút sâu khoảng 2/3 nhiệt kế vào lớp rơm thứ hai, sau 3 – 5 phút lấy ra xem, nếu nhiệt độ khoảng 33 – 37oC là đạt. Sau khi chất mô nấm, từ ngày thứ 6đến ngày thứ 8, mỗi ngày phải đảo lớp rơm áo một lần để tránh tơ nấm ăn lan ra lớp rơm áo, không tạo được nấm. Tuỳ theo từng thời tiết, trung bình khoảng 10 – 15 ngày sau khi cấy meo là có thể hái nấm được.
Khi hái, lựa các nấm búp hơi nhọn đầu (gần nứt bao) hái trước, xoay nhẹ tay tách gỡ ra khỏi mô, không nên để sót lại chân nấm bị đứt trên mô, vì phần này khi thối rữa sẽ làm hư các nụ nấm kế bên, thu hoạch xong đậy kỹ áo mô lại. Thời gian thu hoạch kéo dài khoảng 7 – 12 ngày. Sau khi thu hái đợt 1, bà con ngừng tưới một ngày, sau đó tiếp tục chăm sóc như lúc đầu.
Có thể bón thêm urê hoặc các chất dinh dưỡng. Urê được tưới bổ sung cho nấm vào thời điểm nấm bắt đầu kết nụ (ở đợt 1 và 2), nồng độ sử dụng trong khoảng 0.1% – 0.3%, nên tưới vào lúc nấm đã ở dạng đinh ghim hoặc nút và thường phun tưới vào sáng sớm là tốt nhất.
Phú Hương