“Cuộc chiến” không của riêng ai

01/12/2011 15:43

(Baonghean) - Sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 06 - CT/TƯ ngày 30 tháng 11 năm 1996 của Bộ Chính trị về "Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống ma túy", 10 năm thực hiện Luật phòng, chống ma túy, số người nghiện ma túy ở Quỳ Châu đã giảm từ trên 200 người trong những năm 90 của thế kỷ trước xuống còn 93 người (đến tháng 10/2011). Đây là một kết quả đáng phấn khởi, thể hiện sự chuyển biến đáng kể về nhận thức và quyết tâm của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân huyện Quỳ Châu với nhiều cách "Nói không với ma túy".

Tuy nhiên, trên thực tế số người nghiện ở Quỳ Châu giảm chủ yếu là do chuyển đi nơi khác, bị bắt vào tù và bị chết vì AIDS và các nguyên nhân khác có liên quan đến ma túy. Còn những người từ bỏ được ma túy qua các biện pháp cai nghiện tại cộng đồng hay các trung tâm cai nghiện không đáng kể. Tỷ lệ tái nghiện còn rất cao, có người đi cai nghiện tập trung 4 - 5 lần vẫn không đạt hiệu quả. Thậm chí, có người nghiện và tàng trữ trái phép chất ma túy bị bắt đi tù 3-4 năm về vẫn nghiện. Số người nghi nghiện vẫn đang ở mức báo động và có xu hướng lây lan sang các đối tượng là công nhân viên chức, một số điểm bán lẻ, tiêm chích ma túy vẫn tồn tại. Thực trạng này vừa cho thấy tính chất nguy hiểm, phức tạp của tệ nạn ma túy, vừa bộc lộ sự bất cập trong công tác đấu tranh phòng, chống ma túy tại Quỳ Châu.

Nguyên nhân của tình trạng này có nhiều, song trước hết là do nhận thức không đầy đủ về tác hại của ma túy và cho rằng, trách nhiệm đấu tranh phòng, chống ma túy là của các cơ quan chức năng như Công an, phòng Lao động - Thương binh & Xã hội... cùng với tâm lý ngại va chạm, ngại tố giác của một bộ phận cán bộ và nhân dân. Một số gia đình vì những lý do khác nhau ("thương con", sợ ảnh hưởng đến uy tín, vị trí công tác...) nên thiếu tự giác trong việc khai báo và phối hợp với chính quyền, đoàn thể giáo dục, giúp đỡ con cái, người thân cai nghiện. Đã có trường hợp, cả hai vợ chồng đều là cán bộ, công chức nhà nước, khi cậu con trai của họ có biểu hiện liên quan đến ma túy, được anh em trong cơ quan góp ý thì người vợ cho rằng: "Đó là do người ta "không ưa đổ thừa cho xấu" chứ con tôi làm gì có chuyện đó"(!) Hơn một năm sau, "cậu" chích thuốc bị sốc, phải vào bệnh viện cấp cứu, người chồng lại biện bạch: "Cháu nó dại, nghe bạn bè rủ rê nên mới bị, chứ thực ra từ nhỏ cháu nó ngoan lắm"(?). Thế rồi, vào một ngày đẹp trời, "cậu" đã phải ra trước vành móng ngựa và lĩnh 2 năm tù vì trước đó các chiến sỹ Công an đã phát hiện trong người cậu có hêrôin. Có trường hợp một cô giáo trẻ, rất có năng lực về chuyên môn, được đồng nghiệp tín nhiệm, cấp trên tin tưởng giao cho trọng trách quản lý một trường THCS. Nhưng thật đáng buồn, người chồng mà cô hết mực yêu thương và nguyện gắn bó suốt đời vốn làm nghề tự do, khi có đồng tiền rủng rỉnh lại nảy sinh đua đòi, thích tìm "cảm giác lạ". Là vợ, cô không mấy khó khăn để phát hiện ra điều đó. Lẽ ra cô phải động viên chồng tự giác khai báo, cùng với gia đình, xã hội tìm cách cứu chữa, đằng này cô lại thực hiện phương châm "Tuyệt đối im lặng". Và cái gì đến đã đến. Khi đồng tiền làm ra không đủ để thỏa mãn các cơn nghiện, người chồng buộc phải kiêm thêm "nghề" buôn bán, tàng trữ trái phép chất ma túy và bị bắt. Lúc này, cô chỉ biết làm đơn gửi lên tòa án xin ly hôn để bảo toàn danh dự!

Hiện tại, Quỳ Châu đã ra khỏi điểm nóng về ma túy. Đó là một tín hiệu vui. Tuy nhiên, theo số liệu của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Nghệ An, Quỳ Châu là huyện có số dân đứng thứ 19/20 huyện, thành, thị nhưng số người có HIV/AIDS luôn đứng ở vị trí thứ 5 trong toàn tỉnh? Mặt khác, Nghệ An đang là một tỉnh trọng điểm về ma túy của cả nước, tệ nạn ma túy đang là hiểm họa của cả cộng đồng. “Cuộc chiến ma túy” ở Quỳ Châu nói riêng, Nghệ An nói chung rất cần sự vào cuộc của cộng đồng và toàn xã hội.


Phạm Duy