Việt Nam tham gia các Công ước nào về Luật biển?

19/12/2011 17:41

(Baonghean.vn) Tính đến nay, nước ta đã tham gia 11 Công ước của IMO (không kể Công ước về Tổ chức hàng hải quốc tế), cụ thể là:

- Công ước quốc tế về phòng ngừa ô nhiễm biển từ tàu 1973 và Nghị định thư bổ sung 1978 đưa ra những quy định đối với cấu trúc tàu, trang thiết bị nhằm ngăn chặn những nguyên nhân gây ô nhiễm biển từ hoạt động của tàu trong vận chuyển hàng hoá là dầu, hàng nguy hiểm, độc hại… Công ước này có 6 phụ lục là: những quy tắc về ngăn ngừa ô nhiễm do dầu gây ra; những quy tắc về kiểm soát ô nhiễm gây ra bởi chất lỏng độc hại chở xô; những quy tắc ngăn ngừa ô nhiễm gây ra bởi các vật liệu có hại được vận chuyển bằng đường biển dưới dạng bao gói… Trong 11 phụ lục trên, Việt Nam mới chỉ tham gia 1 và 2.

- Công ước về trọng tải: Quy định cách tính thống nhất về trọng tải nhằm áp dụng tạo điều kiện cho việc tính toán khai thác tàu, cho việc tính phí, lệ phí, giá cước cảng biển đối với tàu biển của các nước khác nhau ra vào cảng biển.

- Công ước quốc tế về thống nhất các quy tắc chung liên quan đến va chạm giữa các tàu: Quy tắc này đảm bảo rằng các tàu hoạt động trên biển hạn chế sự va chạm; đồng thời là cơ sở để xác định lỗi của các tàu trong vụ va chạm…

- Công ước quốc tế về an toàn sinh mạng con người trên biển: Yêu cầu đối với các quốc gia thành viên trong việc thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn sinh mạng người trên biển, ngăn ngừa hạn chế ô nhiễm môi trường biển.

-Công ước quốc tế về mạn khô: Quy định thống nhất về giới hạn mức chuyên chở hàng hoá thấp nhất theo mùa và vùng hoạt động của tàu biển.

- Công ước quốc tế về tiêu chuẩn huấn luyện, cấp chứng chỉ chuyên môn và trực ca cho thuyền viên: Đưa ra các tiêu chuẩn chung cho việc đào tạo thuyền viên, cấp chứng chỉ cho thuyền viên làm việc trên tàu nhằm thống nhất chất lượng thuyền viên ở các nước thành viên công ước…

- Công ước quốc tế về tổ chức vệ tinh hàng hải quốc tế và Hiệp ước Khai thác về tổ chức vệ tinh hàng hải quốc tế.

- Công ước quốc tế về ngăn ngừa các hành vi bất hợp pháp chống lại an toàn hàng hải và Nghị định thư về ngăn ngừa các hành vi bất hợp pháp …

- Công ước quốc tế về giới hạn trách nhiệm dân sự của chủ tài đối với thiệt hại do ô nhiễm dầu tham gia ngày 1/7/2003 và có hiệu lực 1/7/2004.

- Công ước về tạo thuận lợi trong giao thông đường biển.

- Công ước về tìm kiếm cứu nạn quy định trách nhiệm của các quốc gia thành viên Công ước trong tham gia tìm kiếm, cứu nạn trên biển.

Ngoài 11 công ước trên, Việt Nam cũng tham gia ký kết nhiều hiệp định chung giữa các nước ASEAN liên quan đến vận tải biển và dịch vụ hàng hải như: Hiệp định về tạo thuận lợi cho tàu biển bị nạn và cứu người trên tàu bị nạn, Hiệp định khung ASEAN về tạo điều kiện cho vận tải hàng hoá quá cảnh, Hiệp định khung về thương mai dịch vụ, Hiệp định khung ASEAN về tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải liên quốc gia…

(còn nữa).


Phòng Bạn đọc