Bài 2: Ô nhiễm - ai chịu trách nhiệm?

28/12/2011 15:09

Bài 1: Ngán ngẩm chuyện rác thải

Hiện nay, trên địa bàn TP Vinh có 63 điểm tập kết rác. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhân dân thì các địa điểm tập kết rác được bố trí chưa hợp lý.Ví như ngay trước cổng Trường cấp 2 Lê Mao, Trường THPT Phan Bội Châu, trên đường Lê Hồng Phong, Trường Dân tộc nội trú hay Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện GTVT Vinh... là các bãi tập kết không chỉ ảnh hưởng môi trường và mất mỹ quan đô thị nhưng không ai có ý kiến gì?.

Việc vô tình tự quy ước các điểm tập kết rác không hợp lý của Công ty Môi trường đô thị thành phố cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm. Nếu việc thu gom rác diễn ra theo một mốc thời gian quy định, theo hiệu lệnh riêng (có thể là kẻng, chuông báo như ở nhiều thành phố khác), có sự giám sát chặt chẽ việc thu gom rác và không đặt các xe đẩy tràn lan như hiện nay, thì tình trạng này chắc chắn sẽ được hạn chế và thói quen đổ rác đúng giờ của người dân sẽ được thiết lập. Hơn nữa, trách nhiệm của người dân nhận thức chưa tốt về môi trường, xả đổ rác chưa đúng nơi, đúng giờ quy định, dẫn đến việc thu gom rác thải tại các khối phố gặp nhiều khó khăn.


Công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị Nghệ An sau khi chuyển đổi từ doanh nghiệp công ích sang Công ty TNHH Một thành viên với đội ngũ công nhân được trẻ hóa, có việc làm và thu nhập ổn định với mức bình quân của mỗi CBCNVC 2,8 triệu đồng/tháng. Cơ sở vật chất làm việc và phục vụ sản xuất của công ty hiện nay đã được đầu tư thuận lợi so với thời gian trước.

Đơn vị thực hiện quét, gom rác trên 150 tuyến đường, bốc vận chuyển 200 tấn rác/ngày, thu gom rác khối dân cư 356/376 khối xóm (đạt 94,6%), thu phí vệ sinh môi trường trung bình 2.000đ/khẩu, (5,5 tỷ đồng/năm) và ngân sách Thành phố Vinh chi cho hoạt động này là gần 27,1 tỷ đồng (năm 2011). Theo lãnh đạo công ty, số tiền trên trích khấu hao nộp các khoản đảm bảo quyền lợi cho người lao động, chi phí nhân công, dịch vụ là không có lợi nhuận. Vì vậy thành phố không đầu tư kinh phí cho công tác vệ sinh môi trường thì không thể làm tốt được.


Việc thu gom rác trên địa bàn thành phố được thực hiện theo quy trình: Mỗi khối, xóm cử vệ sinh viên từ 19h30 hàng ngày thu gom rác tận hộ và tập kết trực tiếp lên xe gom của Công ty MTĐT Nghệ An tại các điểm quy định. Tại các điểm đổ rác công cộng và các điểm trên trục đường chính: Từ 22h hàng ngày đến 6h sáng hôm sau Công ty MTĐT Nghệ An bốc và vận chuyển ra bãi rác mới ở Nghi Yên - Nghi Lộc. Công ty tổ chức thu gom theo 3 ca 24/24h tại 150 tuyến đường chính của thành phố, giao định mức phù hợp cho các bộ phận, phân chia đoạn đường phụ trách cho công nhân. Nhưng nhìn chung các vệ sinh viên ở các khối phố thường thu gom rác sớm hơn giờ quy định 19h30, thu gom xong, rác lại được người dân thải ra đường phố.


Đã có nhiều ý kiến của người dân, nhiều cuộc họp giữa các ngành chức năng của TP Vinh diễn ra, nhằm tìm lối thoát cho vấn đề ô nhiễm môi trường nhưng vẫn không có kết quả. Bởi vậy, nhiều năm qua, hàng ngàn hộ dân TP. Vinh vẫn phải chấp nhận chung sống với rác thải, khói bụi, mùi hôi thối và nước thải từ các khu công nghiệp... Trong các kỳ họp HĐND tỉnh, trả lời chất vấn, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng chỉ nói chung chung, chưa có giải pháp hữu hiệu. Do đó, việc xử lý ô nhiễm môi trường ở TP.Vinh vẫn lâm vào bế tắc.