Về quy hoạch xây dựng nông thôn mới

06/11/2011 16:06

(Baonghean) - Nông thôn Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng là địa bàn rất rộng gồm cả vùng cao, vùng sâu, vùng xa, đồng bằng, ven biển, tiếng nói, giọng nói, phong tục tập quán khác nhau, không nên lập quy hoạch nơi này giống nơi kia. Nếu không gắn với truyền thống văn hóa bản địa, người dân sẽ thờ ơ. Các công trình xây dựng tốn kém sẽ có thể lạc lõng, gây mâu thuẫn giữa truyền thống và hiện đại. Ví dụ, một số di tích lịch sử ở một số địa phương người dân vốn tôn thờ ngưỡng mộ, khi xây dựng nông thôn mới nếu không thận trọng sẽ bị coi nhẹ vì những công trình xưa, cũ sẽ bị... lép vế! Một số nhà thờ họ, một số ngôi chùa phật, một số ngôi đền thờ người có công với dân với nước… nằm lọt thỏm giữa ba bề bốn bên là nhà cửa cao ngất ngưởng, trông thật khó chịu! Trong trường hợp này có thể và có nên xây dựng lại nhà thờ, đền, chùa cho tương xứng được không? Nếu xây lại cho to, đẹp, cân xứng… thì không còn là di tích nữa! (Ngày xưa, dưới thể chế cũ không ai cho phép nhà dân được xây dựng to hơn đình chùa). Những hàng cây cổ thụ tạo nên sự tôn nghiêm tĩnh lặng, mỗi khi vào những nơi đó, mọi người phải đi bộ để có thể suy ngẫm về tâm linh có còn tồn tại hay phá dỡ để làm đường nhựa phẳng lì để xe lớn, xe con chạy vù vù vào thăm quan ngắm cảnh? Qua 30 năm chiến tranh, biết bao công trình, di tích bị phá hại, người dân coi đó là những chứng tích không thể nào quên, những chứng tích đó có nên phá bỏ hay vẫn nên tồn tại?

Hiện tại, ta đang ưu tiên phát triển làng nghề. Nông thôn mới có tạo cho làng nghề phát triển hay gây khó khăn lúng túng, thậm chí làm thui chột làng nghề? Bởi có những nghề vừa phức tạp trong các công đoạn sản xuất vừa có quy mô rộng lớn, vừa gây tiếng ồn, gây ô nhiễm. Những nghề này có nên tách riêng ra hẳn hay vẫn để lẫn trong thôn xóm cũ? Tách riêng ra thì không còn là làng, mà để tồn tại trong xóm cũ thì có ảnh hưởng đến an ninh trật tự, đến nơi làm việc của chính quyền, đến sự học tập của con em trong các nhà trường, đến sự nghỉ ngơi tĩnh lặng trong các trạm xá, bởi các cơ sở này đều nằm ở địa bàn nông thôn mới?

Nông thôn mới cần được tôn trọng tên riêng của làng xóm cũ. Tên riêng của làng xóm cũ vừa là nét văn hóa giàu bản sắc, vừa là niềm tự hào cho mỗi người dân. Những cái tên đã tồn tại hàng trăm ngàn năm gợi nhớ sự gần gũi thân thương. Lòng yêu nước của nhân dân ta được bắt nguồn từ tình yêu làng xóm. Cây đa, bến nước, sân đình đã ăn sâu trong tâm thức mọi người mà lớp trẻ ngày nay không có được chính vì họ không có ấn tượng về tên làng, tên xóm và nơi chôn rau cắt rốn!... xóm 1, xóm 2, xóm 3, xóm 4, 5, 6, 7… thì bất cứ nơi đâu cũng có, chẳng hề gắn bó máu thịt với ai cả nên người ta sẽ dễ quên hết! “Bốn bể là nhà”, “Nam Bắc là quê hương”,… chỉ có tác động một thời, không nên tạo cho các thế hệ nối tiếp quên đi xóm làng, xứ sở. Đáng trách những ai ở làng mà không biết tên làng, không am hiểu truyền thống nghề nghiệp quê hương! Ngược lại, ta tự hào khi nhắc tới Làng Sen, ta biết ngay đến quê hương lãnh tụ. Nhắc đến làng Phượng Lịch, ta nhớ ngay đến làng dệt vải. Nói đến Nho Lâm, người ta biết ngay đó là làng rèn sắt. Nói đến Quỳnh Đôi biết ngay là nơi văn vật…Chính tên làng, tên xóm đã gắn với cuộc đời con người ta với cộng đồng, đã làm giàu cho mỗi con người cả về tình yêu cùng lý tưởng!

Tính hiện đại của nông thôn mới thì ai cũng hình dung được nhưng không phải cứ hiện đại là văn minh. Quy hoạch nông thôn mới phải làm sao đạt được tính văn minh và hiện đại, lại không làm lu mờ truyền thống, không làm mất đi bản sắc, tinh hoa dân tộc?!


Trần Nhật Hợi