Bài 10: Di tích gắn với cuộc đời, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh

30/10/2011 15:58

(Baonghean.vn) Mảnh đất xứ Nghệ thân yêu - quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh có gần 15 di tích gắn với cuộc đời, sự nghiệp Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Trong bài viết này, chúng tôi giới thiệu 3 cụm di tích quan trọng nhất là quê nội, quê ngoại và Khu mộ bà Hoàng Thị Loan.


Hoàng Trù - quê mẹ


Từ Thành phố Vinh theo Quốc lộ 46 đến km 13 gặp ngã ba Mậu Tài, rẽ theo con đường nhựa uốn mềm như dải lụa khoảng hơn 1 km, du khách sẽ gặp một làng quê bình dị như bao làng quê Việt Nam, cũng cây đa - bến nước và lũy tre làng, đó là làng Hoàng Trù (thường gọi là làng Chùa). Sau cánh cổng tre rộng mở, lối đi giữa hai bờ mạn hảo dẫn ta đến hai ngôi nhà tranh thân thuộc, giống như những ngôi nhà của người dân vùng này thuở trước và một ngôi nhà thờ. Đây là ngôi nhà thờ của dòng họ Hoàng Xuân được cụ Hoàng Đường lập ra từ năm 1882 để thờ cúng cố nội là Hoàng Xuân Mượu (còn gọi là Hoàng Trọng Mạo), ông nội là Hoàng Xuân Lý và thân phụ là Hoàng Xuân Cẩn. Bàn thờ được bài trí giản dị, trang nghiêm, đặc biệt có hiệu bụt cụ Hoàng Đường do ông Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tự tay viết tỏ lòng thành kính đối với người bố vợ kính yêu của mình. Thuở ấu thơ ở Hoàng Trù (1890 - 1895) và những năm tuổi niên thiếu ở Làng Sen (1901 - 1906), cậu Nguyễn Sinh Cung thường theo cha đến nhà thờ dâng hương hoa tưởng niệm các vị tiên tổ.




Hoàng Trù - quê mẹ.

Bên cạnh nhà thờ là ngôi nhà 5 gian của cụ Hoàng Đường và cụ Nguyễn Thị Kép. Họ sinh ra cô con gái đầu lòng là Hoàng Thị Loan và 9 năm sau sinh ra cô con gái thứ hai là Hoàng Thị An. Từ năm 1878, ngôi nhà này được đón thêm một thành viên mới là cậu bé mồ côi Nguyễn Sinh Sắc, được cụ Hoàng Đường đưa về nuôi dạy, coi như con đẻ.

Ba gian nhà ngoài được thông với nhà thờ. Bộ tràng kỷ bằng tre, chiếc án thư với những học cụ như bút lông, nghiên mài mực... (ở gian thứ hai) gắn liền với việc dạy học của cụ Đường và việc học tập của Nguyễn Sinh Sắc. Bộ phản ở gian thứ ba là nơi nghỉ ngơi của hai thầy trò. Hai gian còn lại là nơi nghỉ ngơi của cụ bà Nguyễn Thị Kép và là nơi sinh hoạt gia đình.

Ngôi nhà tranh 5 gian cũng đã từng chứng kiến tình cảm cao thượng của ông bà Đường, không chỉ chăm sóc, phát hiện, ươm trồng tài năng Nguyễn Sinh Sắc mà tác thành cho đôi lứa Nguyễn Sinh Sắc - Hoàng Thị Loan, để rồi từ mái ấm gia đình đó, chị em Nguyễn Sinh Cung đã lớn lên trong vòng tay yêu thương của ông bà ngoại, gì An và ông Nguyễn Sinh Sắc đã từng bước thành danh trên con đường sự nghiệp.


Nơi đây còn có ngôi nhà đón tiếng khóc chào đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 1883, để chuẩn bị cho lễ thành hôn của hai con Nguyễn Sinh Sắc - Hoàng Thị Loan, cụ Hoàng Đường đã dựng cho đôi vợ chồng trẻ căn nhà tranh 3 gian trong vườn làm chỗ ở riêng sau ngày cưới. Những đồ dùng trong nhà đều bình dị và được sắp xếp gọn gàng, tạo cảm giác hài hòa và ấm cúng.


Gian ngoài, bên cửa sổ nhỏ đầu hồi có chiếc án thư với nghiên mực, hộp bút lông, hai chiếc ghế vuông, phía trên chếch về bên trong là hai giá đựng sách thánh hiền. Gian giữa, sát phên có chiếc giường nhỏ bằng gỗ xoan, liếp nứa, trên trải chiếu mộc, trước giường có tấm màn che bằng vải mộc nhuộm nâu. Đây là nơi nghỉ ngơi của cả gia đình.

Sát bên giường là chiếc rương gỗ nhỏ dùng đựng lương thực và những vật dụng quý của gia đình. Chiếc rương là món quà hồi môn của cụ Kép cho con gái trước khi đi lấy chồng. Chiếc khung cửi đặt ở gian thứ ba là người bạn thân thiết với cuộc đời bà Hoàng Thị Loan. Ban ngày lo công việc đồng áng, đêm đến dưới ánh sáng của ngọn đèn dầu lạc, bà lại ngồi dệt vải, dệt lụa nuôi sống gia đình và cũng góp phần dệt nên cuộc đời và sự nghiệp của chồng và các con.


Trong ngôi nhà bình bị, ấm tình yêu thương này, là nơi cô Nguyễn Thị Thanh - chị gái (1884), cậu Nguyễn Sinh Khiêm - anh trai (1888) và cậu Nguyễn Sinh Cung (1890) ra đời trong tình yêu thương tràn ngập của ông bà, cha mẹ.


Làng Sen - quê cha


Rời Hoàng Trù, theo con đường liên hương, đi tiếp 2 km, du khách tới một làng quê ngát hương sen. Đó là Làng Sen - nơi Bác của chúng ta đã trải qua thời niên thiếu (1901 - 1906).



Làng Sen - quê cha. Ảnh: T.T


Khoa thi Hội năm Tân Sửu, ông Nguyễn Sinh Sắc đậu Phó bảng. Vinh dự lần đầu tiên trong làng có người đậu đại khoa, chức sắc và nhân dân Làng Sen lúc bấy giờ đã dựng ngôi nhà trên mảnh vườn rộng 4 sào 14 thước, rồi xuống Hoàng Trù mời gia đình quan Phó bảng về ở. Người anh cùng cha khác mẹ là Nguyễn Sinh Thuyết cũng dỡ ngôi nhà 3 gian đưa sang làm nhà ngang để mừng em công thành danh toại. Nhà ông Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc có không gian tĩnh lặng và rợp bóng cây xanh. Hai gian nhà ngoài được dùng để thờ tự và tiếp khách. Biết bao cuộc tao ngộ, bao lần đàm luận của các nhà nho yêu nước đầu thế kỷ XX đã diễn ra ở đây thật sôi nổi.


Năm 1902, ông Phó bảng đã vào sổ họ cho hai con trai với hai tên mới Tất Đạt và Tất Thành.


Gian thứ hai là nơi thờ tự người vợ thân yêu đã quá cố. Những gian còn lại được dùng làm nơi nghỉ ngơi, học tập và sinh hoạt hằng ngày của gia đình. Vật dụng trong nhà đơn sơ, giản dị, một chiếc rương gỗ nhỏ đựng thóc gạo, một chiếc tủ đựng ấm chén, bát đĩa, một đĩa đèn dầu lạc và duy nhất có chiếc mâm gỗ sơn đen, gia đình thường dùng để tiếp khách quý. Ở nhà ngang có chiếc chum sành đựng nước. Hàng ngày, Nguyễn Tất Thành thường gánh nước từ Giếng Cốc đổ vào chum giúp chị Thanh. Thời gian sống ở Làng Sen, Nguyễn Tất Thành được gửi theo học với cử nhân Vương Thúc Quý, thầy đồ Trần Nhân. Ngoài ra, cả hai anh em còn được cha tạo điều kiện theo học lớp dự bị Trường Tiểu học Pháp - bản xứ ở TP Vinh. Chính nơi đây, cậu Thành đã bước đầu tiếp xúc với những khái niệm "Tự do - Bình đẳng - Bác ái"...


Tháng 5 năm 1906, lần thứ hai triều đình Huế mời ông Phó bảng ra làm quan. Không có lý do trì hoãn, ông đành rời quê hương vào Huế nhận chức Thừa Biện Bộ Lễ, hai anh em Tất Đạt, Tất Thành đi theo cha, còn chị cả Nguyễn Thị Thanh ở lại quê nhà. Hai năm sau, Tất Đạt trở về sống với chị gái và tham gia hoạt động chống Pháp. Họ lần lượt bị thực dân Pháp bắt và đày ải nhiều lần. Ngôi nhà vì thế cũng bán qua nhiều chủ. Sau ngày hòa bình lập lại, ngôi nhà mới được chuộc về dựng trên nền đất cũ, trở thành di tích lịch sử, là nơi tưởng niệm cho du khách trong và ngoài nước.


Đến Làng Sen, du khách không thể không đi qua Giếng Cốc - một cái giếng đất hình lòng chảo, nằm dưới những vòm cây bóng mát. Thời niên thiếu sống ở Làng Sen, Nguyễn Tất Thành thường gánh vò ra đây lấy nước về dùng. Ngày 16/6/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm quê lần thứ nhất. Sau khi từ nhà ông Phó bảng ra ngõ, Người hỏi bà con: "Giếng Cốc nay còn nữa không? Nước giếng Cốc trong và ngọt, nấu nước chè xanh, làm tương ngọt nổi tiếng cả vùng". Giếng Cốc đã trở thành di tích ghi dấu những kỷ niệm thời niên thiếu của Người.


Gần Làng Sen, có một ngọn núi mà thủa nhỏ, cậu Nguyễn Tất Thành thường lên chơi trận giả cùng các bạn - đó là núi Chung. Núi Chung đứng thoai thoải một mình giữa vùng lòng chảo Nam Đàn, chỉ cách Làng Sen, Làng Chùa 1km, xưa soi bóng mặt hồ Cự Thủy, nay xanh biếc màu xanh của 79 loài cây quý hội tụ từ muôn nơi đưa về trồng tưởng nhớ công ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh sau ngày Người qua đời.


Ngày nay, núi Chung là nơi các thế hệ thiếu niên, nhi đồng Làng Sen, Nam Đàn thường lên đây tổ chức cắm trại, mở Hội cháu ngoan Bác Hồ, tổ chức các hoạt động về nguồn, văn hóa - thể thao... Núi Chung đã được Nhà nước công nhận di tích lịch sử văn hóa quốc gia nằm trong cụm Di tích Làng Sen.


Khu mộ
bà Hoàng Thị Loan


Bà Hoàng Thị Loan sinh năm 1868, mất ngày 22 tháng Chạp năm Canh Tý (tức ngày 10/2/1901) tại Huế. Thi hài của bà được bà con dân phố cùng cậu Nguyễn Sinh Cung đưa qua cổng Thành Long bằng thuyền, ngược dòng sông Hương lên an táng tại chân núi Tam Tầng, dãy Ngự Bình, TP Huế.


Năm 1922, lúc đang bị quản thúc tại Huế, nhân một chuyến được phép về thăm quê, cô Nguyễn Thị Thanh đã bí mật đưa hài cốt mẹ về an táng tại vườn nhà. Đến năm 1942, cậu Nguyễn Sinh Khiêm khi ra tù lần thứ hai đã đi khắp Nam Đàn, tìm được một vị trí đẹp ở núi Động Tranh (trong dãy Đại Huệ) thuộc xã Nam Giang và đưa di hài Bà lên an nghỉ vĩnh hằng.



Khu mộ bà Hoàng Thị Loan. Ảnh: Lê Thạch


Năm 1984, để tỏ lòng biết ơn những cống hiến của bà đối với quê hương, đất nước, Đảng bộ và nhân dân Nghệ Tĩnh cùng lực lượng vũ trang Quân khu IV đã quyết định xây dựng mộ Bà Hoàng Thị Loan. Sau một năm thi công khẩn trương, công trình được hoàn thành vào dịp Kỷ niệm lần thứ 95 Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.


Phần mộ được xây trên nền cũ. Thân mộ được ốp bằng đá hoa cương chuyển từ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh vào, chân mộ ghép đá cẩm thạch Quỳ Hợp. Toàn bộ phần mộ được che bằng dàn hoa chất liệu bê tông theo kiểu dáng dàn hoa ở Phủ Chủ tịch.

Đứng dưới nhìn lên, ta thấy một chiếc khung cửi lớn, gắn bó với cuộc đời lao động cần cù của bà Loan nuôi chồng, nuôi con ăn học. Con đường lên xuống mộ với 304 bậc lên, 271 bậc xuống, uốn lượn theo sườn núi. Hoa giấy từ Cao Lãnh (Đồng Tháp) - chốn yên nghỉ của ông Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc vươn ra phủ kín khung dàn, mái che. Xung quanh khu vực mộ có nhiều loài cây biểu tượng cho sự giản dị nhưng thanh tao, mộc mạc như cuộc đời Bà Hoàng Thị Loan. Phía trước là sân hình bán nguyệt - nơi có bia dẫn tích bằng đá ghi lại một cách súc tích cống hiến của Bà đối với chồng, con, với dân tộc.


Trước nhu cầu thăm viếng ngày càng đông của nhân dân cả nước, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Nghệ An đã quyết định bảo tồn, tôn tạo lại Khu mộ bà Hoàng Thị Loan trong tổng thể dự án Bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử - văn hoá Kim Liên gắn với phát triển du lịch. Ngày 21/7/2010, công trình được khởi công. Sau gần một năm khẩn trương thi công, Khu mộ bà Hoàng Thị Loan đã được khánh thành ngày 3/6/2011, là cụm di tích quan trọng trong tổng thể dự án. Việc bảo tồn, tôn tạo phần mộ cụ Hà Thị Hy - Bà nội của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã được đồng thời tiến hành tu bổ, nâng cấp và hoàn thành trong thời gian vừa qua.


Phần mộ Bà Hoàng Thị Loan cùng với hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Nam Đàn trong tổng thể Dự án Bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử- văn hoá Kim Liên gắn với phát triển du lịch, và hệ thống Di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh Nghệ An là những di tích có giá trị lịch sử - văn hóa đặc biệt. Đó là di sản văn hóa Hồ Chí Minh, di sản văn hóa đặc biệt của dân tộc Việt Nam. Các giá trị văn hóa này đã, đang và sẽ mãi mãi trở thành tình cảm, trí tuệ, nguồn lực vật chất và tinh thần, động viên, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân lao động sáng tạo xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.

Ngày 18/7/2003, Dự án Bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử - văn hóa Kim Liên gắn với phát triển du lịch đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận và được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 89/2003/QĐ.UBND ngày 30/9/2003, bao gồm 10 dự án thành phần. Dự án có quy mô diện tích quy hoạch là 215,68 ha, thuộc địa bàn các xã Kim Liên, Nam Giang, NamLĩnh, Nam Đàn. Sau gần 9 năm triển khai thực hiện (10/5/2003 - 12/2011), dự án sắp hoàn thành những hạng mục cuối cùng. Dự án khi đưa vào phục vụ du khách sẽ đáp ứng đầy đủ nhất ý nghĩa chính trị - văn hoá, là nơi lưu giữ những kỷ vật, kỷ niệm cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng, khơi dậy lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ người Việt Nam.


Thanh Thủy