Các yêu cầu và thực thi Công ước 1982 trong lĩnh vực dầu khí

31/01/2012 17:39

+ Các yêu cầu của Công ước: Dầu khí là tài nguyên thiên nhiên thuộc quốc gia ven biển, nằm trong đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của các vùng nước thuộc chủ quyền và quyền tài phán quốc gia. Quy chế pháp lý của nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa đều thừa nhận quốc gia ven biển có các quyền thuộc chủ quyền trong việc thăm dò, khai thác và bảo tồn, quản lý tài nguyên thiên nhiên của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển. Công ước nhấn mạnh: Quốc gia ven biển thực hiện các quyền thuộc chủ quyền đối với thềm lục địa về mặt thăm dò và khai thác; các đặc quyền này có tính đặc quyền, nghĩa là nếu quốc gia ven biển không thăm dò thềm lục địa hay không khai thác thì không ai có quyền tiến hành các hoạt động như vậy nếu không có sự thỏa thuận rõ ràng với quốc gia ven biển.


Quốc gia ven biển có quyền đối với các đảo nhận tạo, các công trình thiết bị trên thềm lục địa, có đặc quyền cho phép và quy định việc khoan ở thềm lục địa bất kỳ vào mục đích gì và có quyền đào hầm khai thác lòng đất dưới đáy biển của mình ở bất kỳ độ sâu nào; các tuyến ống dẫn đặt ở thềm lục địa cần được sự thỏa thuận của quốc gia ven biển. Tuy nhiên, Công ước cũng đồng thời yêu cầu khi thực hiện các quyền và nghĩa vụ, quốc gia ven biển phải tính đến quyền và nghĩa vụ của các quốc gia khác và hành động phù hợp với Công ước như không gây thiệt hai hay cản trở tự do hằng hải, lắp đặt cáp hoặc nếu khai thác các tài nguyên thiên nhiên không sinh vật của thềm lục địa ngoài 200 hải lý thì có nghĩa vụ nộp các khoản đóng góp bằng tiền hay hiện vật....


+ Thực thi Công ước: Hoạt động dầu khí nói chung bao gồm công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí, phát triển mỏ, khai thác dầu khí... Vì vậy, tổ chức thăm dò khai thác dầu khí là một hoạt động thực thi công ước. Việc thăm dò khai thác dầu khí ở nước ta được tiến hành khá sớm. Tuy nhiên phải đến năm 1977, sau khi Việt Nam tuyên bố các vùng biển thì nước ta mới có chủ quyền hoàn toàn về mặt thăm dò, khai thác và quản lý, bảo vệ. Do tầm quan trọng của công tác thăm dò, khai thác dầu khí nên từ một đơn vị chức năng, công ty đã được tổ chức lại thành Tổng Công ty và nay là Tập đoàn Dầu khí quốc gia dưới sự điều hành của Chính phủ. Tiếp đó, Luật Dầu khí ra đời năm 1993 và sửa đổi năm 2000 đã đưa hoạt động này đi vào nề nếp và có cơ sở pháp lý vững chắc.


Hiện nay, ngoài hoạt động tìm kiếm, thăm dò dầu khí, nước ta đã khai thác được, chế biến và tiêu thụ dầu khí; cấp phép và hợp tác quốc tế trong thăm dò khai thác dầu khí; đặt ống dẫn dầu khí và thiết lập các đảo nhân tạo, các công trình dầu khí trên biển. Hoạt động dầu khí hiện nay ở nước ta khá phong phú, vì vậy Nhà nước ta xác định việc tuân thủ Công ước 1982 là điều không thể tách rời khi thực hiện các hoạt động tìm kiếm, thăm dò khai thác, chế biến, vận chuyển, dự trữ và phân phối dầu khí cũng như các sản phẩm nhằm góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia, trật tự an ninh trên biển.

(còn tiếp)


Phòng Bạn đọc