Nghệ sĩ ăn mặc phản cảm phải dừng biểu diễn

22/12/2011 17:43

Hội thảo Nâng cao tính thẩm mỹ trong nghệ thuật biểu diễn do Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp với Hội Nghệ sĩ sân khấu, Hội Nghệ sĩ múa, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Sở VH-TT&DL TP.HCM tổ chức sẽ diễn ra ngày 27-12 tại TP.HCM.

Ông Phạm Đình Thắng - Ảnh: H.Điệp

Trước thềm hội nghị, Tuổi Trẻ trao đổi với nhạc sĩ Phạm Đình Thắng - cục phó Cục Nghệ thuật biểu diễn.

* Thời gian vừa qua xảy ra rất nhiều việc, như ca sĩ Thủy Tiên uốn éo bên cạnh tượng các chiến sĩ trong Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, ca sĩ Minh Hằng mặc trang phục phản cảm trong Đêm mỹ nhân ở Quảng Bình hay sự kiện Lý Nhã Kỳ mặc áo hở hang trong vở kịch được truyền hình trực tiếp Bản giao hưởng Điện Biên... Rõ ràng tính thẩm mỹ trong nghệ thuật biểu diễn phụ thuộc rất nhiều vào nghệ sĩ, vậy cơ quan quản lý văn hóa sẽ đề cập đến việc định hướng về trang phục hay vũ đạo... trong hoạt động biểu diễn tại hội thảo này như thế nào?

- Từ trước đến nay, Cục Nghệ thuật biểu diễn chưa bao giờ có ý định ra một văn bản có quy định “ngắn đến đâu”, “hở đến đâu” bởi quy định về trang phục và thẩm mỹ vô cùng khó. Thời gian gần đây, các ca sĩ trẻ ăn mặc quá thoáng theo quan điểm thẩm mỹ của chính họ chứ họ không đại diện cho một trường phái nghệ thuật nào. Tất cả những việc đó cần được bàn trong hội thảo lần này. Ban tổ chức cũng mong các ý kiến được đưa ra thẳng thắn để tất cả các đối tượng liên quan đều được nghe và tranh luận.

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng giả gái trong đêm thứ 5 Cặp đôi hoàn hảo được trực tiếp trong khung giờ vàng kênh VTV3 - Ảnh: Gia Tiến

* Ông có cho rằng sau tất cả những sự cố phản cảm ấy, cục sẽ có định hướng, nhắc nhở các đơn vị nghệ thuật biểu diễn?

- Cái này nói mãi rồi, tất cả văn bản pháp quy hay quy định đều đã có hết, không thiếu cái gì cả. Vấn đề ở đây là thực hiện và giám sát kiểm tra. Như ở những chương trình nghệ thuật để xảy ra sai sót thì sở nào cấp giấy phép sở ấy phải chịu trách nhiệm chứ không thể đổ tất cả trách nhiệm về bộ.

Để xảy ra những sai sót, lẽ ra thanh tra tại địa phương phải dừng chương trình lại để xử lý. Mà xử lý thì đã có nghị định 75 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa nghệ thuật hay quy chế 47 và nghị định 103 về biểu diễn nghệ thuật.

* Nhưng dù có quy định xử phạt hành chính, xử phạt hôm nay thì ngày mai các ca sĩ vẫn tiếp tục ăn mặc phản cảm?

- Nói thế cũng không hoàn toàn đúng, vấn đề là cách quản lý của địa phương không thống nhất mà còn nương nhẹ trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Đối với các nghệ sĩ việc phạt tiền 5, 10 triệu, thậm chí 50 triệu cũng không làm họ sợ mà phải dừng biểu diễn. Với nhiều ca sĩ thu nhập của họ mấy chục triệu một buổi biểu diễn thì phạt vài triệu ăn thua gì. Tuy nhiên, nếu kèm theo đó là rất nhiều hình thức phạt bổ sung, nghệ sĩ ăn mặc phản cảm gây bất bình trong dư luận thì sẽ phải tạm dừng biểu diễn, đó mới là điều khiến các nghệ sĩ sợ nhất.

Tất cả những quy định đó đều nằm trong dự thảo nghị định biểu diễn đang chờ Chính phủ ban hành.

* Từ trước đến nay, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã cấm biểu diễn đối với nghệ sĩ nào vì trang phục phản cảm của họ chưa?

- Chưa hề. Tuy nhiên, với tình hình này, nếu bất kể nghệ sĩ nào ăn mặc phản cảm, không phù hợp với thuần phong mỹ tục mà bị công luận lên án thì sẽ bị đề nghị tạm dừng biểu diễn trong một thời gian.

* Nếu như vậy thì các cơ quan quản lý về văn hóa vẫn trông chờ vào sự giám sát của dư luận, vậy vai trò của thanh tra về văn hóa sẽ được thể hiện ra sao trong các hoạt động biểu diễn, thưa ông?

- Chúng tôi không góp ý về lĩnh vực thanh tra, nhưng rõ ràng hoạt động nghệ thuật biểu diễn trước công chúng là sự quan tâm của tất cả các đối tượng khác nhau. Thế nên trong hội thảo lần này, chúng tôi rất cần ý kiến của các nhà báo hoạt động trong lĩnh vực văn hóa. Báo chí đã giám sát theo dõi rất tốt. Thậm chí báo chí cũng đã làm tốt cả công tác phê bình, lý luận trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn khi công tác này trong những năm qua gần như tê liệt.

* Đối tượng được bàn đến và quyết định về thẩm mỹ trong biểu diễn chính là các nghệ sĩ, vậy họ có được mời tham gia trong hội thảo lần này hay không?

- Có. Nhưng tôi chưa rõ danh sách những nghệ sĩ nào được mời. Hơn nữa, hiện nay trong toàn quốc với hơn 6.000 diễn viên và hơn 118 đoàn nghệ thuật công lập nhưng hầu như những sai phạm mang tính thẩm mỹ mà chúng ta bàn lại thuộc về những đơn vị hoạt động nghệ thuật ngoài công lập.

Do đó hội thảo này ngoài việc mời các cơ quan quản lý văn hóa, công ty biểu diễn, nhà hát, trường đào tạo về nghệ thuật, nhà báo, đạo diễn... tham gia thì chúng tôi cũng mời các công ty biểu diễn ngoài công lập tham gia như: Cát Tiên Sa, sân khấu Phú Nhuận, sân khấu 5B Võ Văn Tần...


Theo VOV